.

Tháng 5, nhớ Cuồng Độn Phạm Phú Hải

.

Phạm Phú Hải (ảnh) (sinh 1950, mất ngày 6-5-2009) là nhà thơ xứ Quảng. Trên trang Wikipedia sau này có nhận xét:  “Ông sở hữu giọng thơ “kỳ dị”, cộng với bệnh tâm thần, và gương mặt “hao hao giống” Bùi Giáng Trung Niên thi sĩ nên được coi là “Bùi Giáng thứ hai” của Đà Nẵng…”. Có người còn gọi Hải là “Thiền sư thi sĩ”. Tập thơ của ông đã được trao giải thưởng Bách Việt năm 2009, sau ngày ông mất.

Sau năm 1975, tôi về lại Đà Nẵng và được nhà giáo Nguyễn Đình Huy đưa đến thăm Phạm Phú Hải ở số nhà 200 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Đó là ngôi nhà ngói cấp 4 có bức bình phong bằng gạch che ngang con hẻm ngắn và nhỏ dẫn ra đường phố tấp nập phía trước, như tránh xa mọi sự đua chen. Căn phòng của Hải cũng chỉ trên chục mét vuông bày biện giản dị và cái gác nhỏ chứa đầy sách... Ngoài vài người bạn thân, căn phòng này là tất cả thế giới của ông, một nhà thơ trẻ xuất hiện trên tạp chí Thời Tập của Viên Linh ở Sài Gòn trước giải phóng, với những tứ thơ lạ…

Thường chúng tôi chào hỏi vài câu thì kéo nhau ra quán cà-phê bên một con phố vắng gần nhà ông để đàm đạo hoặc đánh cờ tướng. Có thể nói Hải đọc và thẩm thơ của bạn bè khá tinh ý nhưng kiệm lời và nhỏ nhẹ. Ông thích những tác giả viết có tình hơn là những câu thơ thông minh. “Những nhà thơ thông minh sẽ là những người sẽ sớm phản bội thơ và đi theo văn xuôi!”, có lần ông nhìn tôi bằng đôi mắt tròn và sáng trong để nói như vậy, mà sau này nghiệm lại trong làng văn, tôi thấy nhiều sự trùng lặp.

Hải rất mê cờ tướng, còn tôi thích ngồi nhìn những ngón tay thon và xanh xao của ông mân mê những quân cờ, những ngón tay của một guitarist chơi nhạc cổ điển mà cái cần đàn bấy giờ là bàn cờ kẻ ngang dọc. Ông di chuyển quân cờ chậm rãi và cẩn trọng, trong lúc miệng lẩm nhẩm như đang đọc những câu thơ vừa hiện ra...

Sau khi chơi với Hải, tôi biết ông cũng là bạn của những người tôi quen biết như: Đoàn Huy Giao, Vũ Hữu Định, Trương Văn Ngọc, Nguyễn Nho Châu, Hồ Đắc Ngọc... nên chúng tôi có nhiều dịp chơi chung sau đó. Khoảng giữa năm 1978, khi bà cụ thân sinh Vũ Hữu Định bị tai biến, tôi lại phát hiện thêm tài năng châm cứu do tự học của Phạm Phú Hải.

Chỉ sau một tháng châm cứu, bà cụ đang bán thân bất toại đã ngồi dậy, nói được vài câu và tập đi đứng lại được. Lúc này, đêm nào chúng tôi cũng tụ tập và ngủ lại trong ngôi nhà vách ván, mái tôn của Định giữa một con hẻm sâu trên đường Đống Đa.

Trong lúc chúng tôi uống rượu, Hải ngồi sửa soạn bộ kim châm bằng bạc ông vừa sắm được để thay cho bộ kim bằng đồng và bông băng, thuốc sát trùng cùng một ít cây ngãi khô trên chiếc giường nhỏ ở căn bếp... Vẫn những ngón tay gầy và xanh ấy, vẫn đôi mắt trong như hai viên bi ấy, nhiều đêm dưới ánh đèn dầu vì cúp điện, Phạm Phú Hải đã tận tụy mang lại niềm vui cho cả gia đình Vũ Hữu Định.

Khi chúng tôi đi ngủ vì đã say thì buổi châm cứu của Hải cũng vừa xong. Ông bắt ghế ngồi một mình ngoài hiên đọc sách, vừa đọc sách vừa gãi đầu sột soạt. Nhiều buổi sáng, Hải cứ nhìn chăm chăm cách rửa mặt bằng bàn tay của tôi rồi nói: “Ra phố hơn chục năm rồi mà ông không bỏ được cách rửa mặt đó hả?”. Hải lúc nào cũng thủ sẵn cái khăn nhỏ trong túi xách đồ nghề châm cứu và nhúng nước lau mặt rất cẩn thận mỗi buổi sáng.

Ông chỉ dùng tay để vút mái tóc bềnh bồng nhưng đầy trứng chấy của mình và tôi để ý ông ít khi tắm, kể cả lúc tỉnh cũng như những ngày điên! Tôi chưa kịp trả lời câu hỏi của Hải thì ông nói: “Hồi hôm tôi đọc được câu thơ hay của Tô Thùy Yên: Đám mây bay rã trong trời thấp. Như thế mới là mây của nhân gian bụi bặm. Câu thơ không nói gì về người mà sao thấy được cả nỗi đau của người!”.

Sau này khi đọc những bài thơ của Hải, tôi thấy ông vẫn một mực nói về nỗi đau nhân thế, lẽ vô thường của kiếp nhân sinh: Tôi cho em tiếng hát/ Em bỏ vào trong tai/ Em đi tiếng kêu dài/ Có làm em đau đớn hay Gió là tâm sự hai đầu núi/ Vẳng đến tai ta suốt những chiều và Ôi đã một thời chim rét giọng/ Có một ngày núi chẳng xanh/ Có một ngày hồn bủn rủn/ Có một ngày ôi quá mong manh...

Đó là những kỷ niệm của ngày Phạm Phú Hải chưa Bão mưa như thể thằng điên lộn đầu, như câu thơ ông viết sau này. Trong thời gian đó, nhân ngày cưới của chúng tôi, dưới cái tên Cuồng Độn Ph. H., Phạm Phú Hải đã viết tặng 4 câu lục bát mà tôi vẫn giữ đến nay:

Đường dài
                       Phúc hạnh
                                      Đi đi
Cỏ năm xưa mọc cũng vì hôm nay
Triệu mùa xuân
Bốn bàn tay
Bể Đông tát cạn
                       Đời dài
                                    Trăm năm

Chiều 17.4 Kỷ Vị
          12.5.1979

Chữ Phạm Phú Hải viết đẹp, nắn nót đến nỗi mỗi lần giở bài thơ ra đọc lại, tôi vẫn mường tượng những ngón thon dài, xanh xao như khi nhìn ông di chuyển một quân cờ tướng hay săm se những chiếc kim bạc trước lúc châm cứu ngày xưa vậy.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.