.

Bùi Tá Hán với những ngày Quảng-Nam-mở-cõi

.

Bùi Tá Hán quê gốc Nghệ An đi Quảng-Nam-mở-cõi từ năm Ất Tỵ 1545 với trọng trách là người đứng đầu thừa tuyên Quảng Nam - thừa tuyên thứ mười ba của nước Đại Việt đương thời, kéo dài từ bờ nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả.

Do ông chọn Quảng Ngãi là nơi sinh sống lâu dài cho con cháu/dòng họ mình và cuối đời ông cũng từ trần trên đất Quảng Ngãi, nên trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn xếp ông vào nhân vật chí tỉnh Quảng Ngãi. Kỳ thực công đức Bùi Tá Hán gắn liền với cả khu vực Nam Trung Bộ, thậm chí nhiều người còn cho rằng Bùi Tá Hán là một trong những thành hoàng đầu tiên của đất phương Nam.

Một con đường ở thành phố Quảng Ngãi và một con đường ở thành phố Đà Nẵng mang tên Bùi Tá Hán là cách để hậu thế bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Ông cũng là một nhân vật đầy ấn tượng trong tiểu thuyết Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi của nhà văn Thái Bá Lợi - tác phẩm từng đoạt giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2013.

Về cái chết của ông, người Quảng Ngãi thường nhắc tới hai câu thơ nghe phảng phất âm hưởng Đường thi (thơ Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong- Trước sau nào thấy bóng người/Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) nhưng rất đỗi bi tráng: Nhân mã bất tri hà xứ khứ/Huyết y trường dữ thử bi lưu - Người ngựa đi đâu nào thấy bóng/Áo bào thấm máu để ngàn sau. Có điều hai câu thơ này dường như chưa đủ sức khái quát toàn bộ cuộc đời Bùi Tá Hán.

Vẫn biết Bùi Tá Hán là một võ tướng, hình dung ông với áo bào đẫm máu trên lưng ngựa vào giây phút cuối đời cũng không có gì lạ, nhưng sở dĩ hậu thế xem Bùi Tá Hán là thành hoàng của đất phương Nam không phải do ông có nhiều công lao trong chiến trận mà chủ yếu do ông có nhiều công lao trong quản lý vùng đất phên giậu đầu sóng ngọn gió của nước Đại Việt thế kỷ XVI bằng các chính sách an dân và bằng tư duy đổi mới so với đương thời. Nhà thơ Thanh Thảo từng gọi ông là Nhà hoạch định chính sách vĩ đại…

Trong số các sách sử viết về tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi, Phủ tập Quảng Nam ký sự của Mai thị/người họ Mai có một vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ, “Phủ tập Quảng Nam ký sự là một cuốn sử liệu, dù dung lượng của nó còn khiêm tốn, nhưng nhờ được viết khá sớm, và chỉ viết riêng về việc vỗ yên dân chúng ở vùng đất Quảng Nam ngay từ buổi đầu khai phá”, do vậy đã góp phần hình dung tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi toàn diện hơn, nhất là giúp hậu thế có thêm hiểu biết về công lao của Bùi Tá Hán trong việc thu phục đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc và thực thi chính sách an dân ở vùng đất này trong hơn hai mươi năm, từ năm 1545 đến năm 1568 - là lúc Bùi Tá Hán qua đời.

Qua Phủ tập Quảng Nam ký sự, có thể thấy rõ tài năng kinh bang tế thế của Bùi Tá Hán trên địa bàn biên viễn xa xôi của Tổ quốc, đồng thời thấy rõ tư duy đổi mới của một nhà lãnh đạo địa phương luôn nhìn cuộc sống như một thực thể sinh động, đòi hỏi phải có những chính sách quản lý phù hợp.

Thừa tuyên Quảng Nam thời Bùi Tá Hán dẫu còn rất nhiều khó khăn bất trắc của miền biên viễn, vẫn đủ sức hấp dẫn không ít lưu dân Thanh - Nghệ và một phần ở Hải Dương vào khẩn đất lập làng. Thế nhưng, là người lãnh đạo địa phương, Bùi Tá Hán không thể không trăn trở tìm giải pháp tối ưu nhằm tạo điều kiện để những lưu dân sớm ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới và ông đã đề ra một số kế sách hết sức cụ thể đối với lưu dân.

Trước hết, Bùi Tá Hán chỉ định cho các quan cấp huyện phải lo việc tiếp dân và điều hành mọi công việc liên quan đến số hộ mới nhập cư, hộ nào đến trước thì giúp cho họ ở nhờ vào địa phận xã có đồn điền quân đội, xuất công quỹ trợ cấp mỗi hộ năm tháng lương ăn, điều quân đội đi chặt gỗ trong rừng, cắt tranh trên núi làm nhà cho từng hộ. Sau khi các hộ lưu dân đã yên ổn chỗ ăn chỗ ở thì trích ruộng thục điền trong số ruộng đất tại các đồn điền giao cho mỗi hộ một ít để tạm thời canh tác. Có thể nói từ rất sớm, Bùi Tá Hán đã chỉ đạo thực hiện thành công công tác dân vận trong quân đội.

Bùi Tá Hán còn khuyên số lưu dân này trước mắt trồng khoai lang/rau ngắn ngày, để chỉ cần sau ba tháng nhập cư sẽ có hoa lợi mà dùng, và cũng khuyên họ sau mùa cấy hái phải ra sức khai hoang làm ruộng tư - ai có công khai phá thì số ruộng khai hoang vỡ hóa ấy sẽ thuộc sở hữu riêng. Cái hay là Bùi Tá Hán đã nghĩ ngay đến mặt tiêu cực của kế sách này, khuyến cáo người dân không được tìm cách bao chiếm ở vùng đồng bằng lẫn vùng rừng núi.

Ngoài ra, trong tờ biểu tâu năm Thuận Bình thứ 8 - năm 1558, Bùi Tá Hán còn chủ trương những ruộng đất nào mà trước đây quân lính khai khẩn nay đã thành thục điền thì đem làm công điền, giao cho các thôn xã cấp cho dân cày cấy và thu thuế. Ông còn đề xuất phải tiến hành kiểm kê ruộng đất trên diện rộng-cả công điền lẫn tư điền. Có thể nói đây là tầm nhìn rất chi là sâu rộng của một nhà lãnh đạo trên lĩnh vực quản lý đất đai. Danh xưng Nhà hoạch định chính sách vĩ đại mà nhà thơ Thanh Thảo dùng để tôn vinh Bùi Tá Hán trước hết là trên lĩnh vực này.

Bùi Tá Hán còn tỏ ra xuất sắc trên lĩnh vực xã hội. Ông là người sớm đề ra chế độ khuyến khích đối với các thầy thuốc với những cách nghĩ cách làm khiến chúng ta thời nay không thể không khâm phục. Để cho mỗi xã thôn có một thầy thuốc, ông chủ trương chi trích một số ruộng đất công cấp cho các thầy thuổc để họ yên tâm định cư và có điều kiện chữa trị cho dân. Cũng tương tự như vậy, ông cũng cho trích ruộng đất công cấp cho các thầy đồ, lập nghĩa thục/trường tư, đặc biệt là ở những xã thôn nào có hộ khẩu tăng nhanh, trẻ em đông đúc.

Trong các loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, Bùi Tá Hán chủ trương cho xây dựng chùa chiền để nhân dân cúng lễ; đặc biệt chủ trương hạn chế việc ăn uống kéo dài gây lãng phí trong đám cưới/đám tang… Bùi Tá Hán còn khuyên nhà quan cũng như nhà dân, bất luận giàu nghèo đều phải “ăn độn”: mỗi khi nấu cơm nén ghế thêm hai mươi phần trăm khoai lang hoặc bắp. Tất nhiên chủ trương thực hành tiết kiệm như vậy xuất phát từ thực trạng kinh tế còn thấp của một vùng đất mới.

Qua Phủ tập Quảng Nam ký sự, hậu thế còn thấy rõ những chính sách mềm dẻo của Bùi Tá Hán đối với các tộc người ở miền núi thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Nhận thấy đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi thừa tuyên Quảng Nam canh tác còn quá thô sơ lạc hậu, lại hay đốt rừng phá núi, Bùi Tá Hán chủ trương phổ biến cho bà con kỹ thuật cày bừa/cấy gặt, khuyến khích việc định canh định cư, nâng cao đời sống. Ông còn cho lập những nơi giao dịch giữa người Kinh và người Thượng - như lập các chợ phiên, hai ngày nhóm họp một lần ở những vùng giáp ranh - để họ có điều kiện trao đổi hàng hóa cũng như hòa hiếu với nhau.

Chính vì những chủ trương đúng đắn này trong công tác dân tộc mà khi Bùi Tá Hán mất, đồng bào các dân tộc ít người đã tôn vinh ông như một vị thần quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng của họ, thường xuyên tế lễ ông và xếp ông vào hàng thứ ba trong thứ bậc thần linh: Thần Nông, Hậu Tắc, Trấn Bắc, Xứ Xang - Trấn Bắc tức là Bùi Tá Hán.

Ngày rằm tháng năm là ngày giỗ hằng năm của Bùi Tá Hán, bài viết này như nén nhang lòng xin được thành kính thắp lên vào ngày giỗ thứ 447 của một trong những thành hoàng đầu tiên của đất phương Nam!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.