.

Để phát huy ý nghĩa của lễ hội

.

Từ đầu năm đến nay, nhiều lễ hội đã diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng… Tuy nhiên, để phát huy hết ý nghĩa của lễ hội, cần sự đầu tư đồng bộ, có chiều sâu.

Thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại lễ hội đình làng Hòa Phú.  	              Ảnh: NGỌC HÀ
Thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại lễ hội đình làng Hòa Phú. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, chỉ riêng từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch có gần 20 lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội tôn giáo. Có thể nói, đặc sắc và thu hút đông đảo người dân tham gia là lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hải Châu… Được đầu tư khá quy mô cả về kinh phí lẫn nguồn nhân lực, các lễ hội này thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, trở thành điểm nhấn của thành phố trong mùa lễ hội.

Một số lễ hội nhạt nhòa

Tuy nhiên, một số lễ hội khác lại diễn ra khá buồn tẻ. Tại một lễ hội đình làng quận Thanh Khê, phần lễ khá bài bản với sự tham gia của các vị cao niên, kế tiếp con cháu về thắp hương tưởng nhớ tiền hiền, trong khi phần hội tìm không ra “khán giả”. Dù Ban tổ chức công bố giải thi đấu cờ tướng nhưng chỉ vỏn vẹn 2 người tham gia.

Tương tự, tại một lễ hội đình làng khác tại quận Liên Chiểu, dù Ban tổ chức thành lập 19 tiểu ban phục vụ chu đáo công tác lễ hội nhưng vẫn không kéo được người dân đến dự lễ… Với một vài lễ hội cầu ngư khác trên địa bàn thành phố, phần hội có nhiều phần thi đậm nét văn hóa miền biển như lắc thúng, đan lưới…, nhưng cái nào cũng nhạt nhòa.

Trông coi đình làng Thạc Gián nhiều năm nay, ông Nguyễn Ngọc Mạnh bày tỏ: Năm 2011, đình làng Thạc Gián được vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng (công nhận) “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”. Cũng chính năm này, lần đầu tiên lễ hội đình làng được phục dựng và tổ chức với quy mô trọng thể, khá nhiều bà con đến tham dự. Nhưng lễ hội đình làng lần thứ hai vào năm 2013 lại khá sơ sài, năm nay thì vắng vẻ vì người dân không mặn mà.

Ông Lê Văn Bích, đại diện chư tôn tộc Tân Thái (quận Sơn Trà) nhớ lại: Ngày trước, mỗi lần đến lễ hội cầu ngư, dân làng tổ chức lớn lắm, mời đoàn tuồng về hát liền 3 đêm. Ngày đó, nơi đây biệt lập trong nghề sông nước vì không có sào ruộng, tấc đất canh tác trồng trọt, 100% cư dân vùng này bám biển cả làm kế sinh nhai. “Bây giờ, đời sống thay đổi, suy nghĩ thay đổi, chỉ có lớp già cần mẩn, tỉ mỉ lo việc làng, lo truyền thống cha ông bị mai một”, ông Bích thở dài.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố, có thể thấy nổi lên hai nguyên nhân chính: thứ nhất là tốc độ đô thị hóa dẫn đến cơ cấu dân cư thay đổi, dân gốc của làng không còn nhiều; thứ hai, lễ hội là nhu cầu tự thân của dân làng, nếu có sự can thiệp mạnh của Nhà nước vào việc tổ chức thì người dân không thấy lễ hội đó là của họ và cảm thấy xa lạ, hoặc tham gia chỉ vì trách nhiệm.

Lễ hội là nhu cầu tự thân của dân làng

Năm 2015, thành phố Đà Nẵng ưu tiên đầu tư cho văn hóa, trong đó chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo nhiều đình làng và đầu tư lễ hội. Tuy nhiên, cần đầu tư lễ hội như thế nào để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả là điều cần bàn; tránh chạy đua theo kiểu “có đình làng là phải có lễ hội”.

Nhiều vị cao niên kể rằng, trước đây, vào ngày lễ hội đình làng, người dân mặc áo dài khăn đóng, trẻ con cùng tụ tập về. Cả làng làm bò, làm trâu, trước là dâng lên các vị tiền hiền, sau mở tiệc cùng quây quần bên nhau. Người dân rất coi trọng buổi tiệc ở làng vì quan niệm “một miếng thịt làng bằng một sàn thịt chợ”.

“Ngày nay, được Nhà nước quan tâm khôi phục truyền thống cha ông thì càng đáng quý. Nhưng thiết nghĩ, nên tạo không khí như ngày xưa để người dân coi việc làng là việc của mình, đồng thời phần hội phải thật hấp dẫn, làm sao thu hút người dân đến xem và tham gia. Đừng tổ chức cho có phong trào. Làm sao để qua sinh hoạt lễ hội, nhân dân vừa được hưởng thụ, vừa sáng tạo văn hóa”, ông Mạnh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trung Ngọc, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê, cho rằng vài năm trở lại đây, Thanh Khê đã đầu tư 2 lễ hội lớn của quận là lễ hội Cầu ngư và lễ hội đình làng Thạc Gián. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không gian tổ chức lễ hội, thành phần tham gia lễ hội… nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Quận cũng chủ trương xã hội hóa lễ hội, giao cho phường và người dân làm phần lễ; quận lo phần hội. Thời gian tới, quận sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi mở hội; có kế hoạch chi tiết, cụ thể; xây dựng kịch bản phù hợp để thu hút người dân tham gia.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, lễ hội là nhu cầu tự thân của dân làng. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện an ninh, an toàn để tổ chức lễ hội; nghiên cứu, định hướng văn hóa để lễ hội giữ gìn những nét đẹp truyền thống, loại bỏ những hủ tục. “Nếu có điều kiện, đủ sức, đủ lực thì tổ chức lớn, bài bản, có chiều sâu. Còn không thỉ chỉ nên gói gọn trong phạm vi ngày giỗ tiền hiền, hậu hiền như từ xưa nay dân làng làm”, ông Tiếng góp ý.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.