.
Thế giới sách

Cứ viết rồi chữ sẽ ra

.

Cuốn sách Thuật viết lách từ A đến Z (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của nhà báo Ngọc Trân vừa được phát hành là cẩm nang dành cho bạn trẻ cầm bút do yêu thích hoặc dùng chữ nghĩa vì công việc.

Thuật viết lách từ A đến Z là cẩm nang dành cho bạn trẻ cầm bút.
Thuật viết lách từ A đến Z là cẩm nang dành cho bạn trẻ cầm bút.

Tác giả chia sẻ kinh nghiệm rằng, cứ viết rồi chữ sẽ ra, bài sẽ thành, miễn là không chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh, thúc ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo.

Thuật viết lách từ A đến Z gồm 18 chương, mỗi chương đều được diễn đạt cô đọng, đan xen giữa lý thuyết và thực tiễn/bài tập thực hành, từ phần dẫn nhập có nội dung “Từ từ mà bước… nhưng cần bước mỗi ngày”, chương 1 “Luôn cần ý tưởng” đến chương 18 “Tự biên tập” được tác giả - nhà báo Ngọc Trân sắp xếp theo trình tự phát triển kỹ năng viết.

Theo tác giả, ban đầu, người bước vào nghề viết cần biết những thủ thuật nên dùng trước khi viết bài, mà các cây bút chuyên nghiệp thường gợi ý cho người không chuyên, để sau đó chữ nghĩa tuôn ra dễ dàng hơn. Tiếp đó, cần tìm ý tưởng, góc nhìn; lập dàn bài; sắp xếp ý và thông tin; trình bày ý tưởng; sử dụng từ điển để lựa chọn từ đúng, từ phù hợp; lắng nghe âm thanh của câu bởi văn viết thật ra chỉ là một dạng nói năng nhưng cần cẩn thận và trau chuốt; dùng phép nối; mở rộng câu, làm cho câu cân phân và không bị sai quy chiếu; làm chủ cách phỏng vấn; viết theo hình tháp ngược; giật tít cho thu hút; cuối cùng là tự biên tập để tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn.

Nhà báo Ngọc Trân là cố vấn biên tập các tạp chí: Nhà và Đất, Nhịp cầu Đầu tư; là giảng viên thỉnh giảng khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng làm việc cho báo: Thanh Niên, Tuổi Trẻ Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France. Ông cũng thường xuyên được các hội nhà báo mời thực hiện các lớp viết tin thời sự, viết bài kinh tế, kỹ thuật phóng sự, nghiệp vụ biên tập...

Ông được Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh trao giải nhất phóng sự - điều tra; Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí. Những cuốn sách ông viết như Khám phá nghề biên tập; Kinh tế học ồ quá dễ!; Viết tin bài đăng báo thường dễ hiểu, bởi không nặng về lý thuyết mà luôn chú trọng những bài tập thực hành, đưa ra những ví dụ để người đọc phân tích, đánh giá, đúc rút bài học.

Với cuốn sách mới Thuật viết lách từ A đến Z, nhà báo Ngọc Trân cho rằng, thật ra bạn đã học viết lách rồi - khi còn ngồi trên ghế nhà trường bậc tiểu học và trung học, giờ chỉ cần ôn lại. Cuốn sách này là tài liệu giúp bạn “ôn lại” nhưng có mở rộng và theo phương pháp mà ông đưa ra. Việc hướng dẫn phương pháp học tập lắm lúc lại quan trọng hơn cả việc truyền đạt kiến thức. Kiến thức như thóc - mênh mông; phương pháp là phương tiện vững chắc giúp bạn chọn và chở nó đi xa.

Nếu phải viết lách vì công việc hoặc do muốn chọn viết lách như một nghề thì chắc chắn cuốn sách này dành cho bạn. Nhưng nếu chỉ xem đó như một nguồn vui, thì sách này cũng dành cho bạn. Viết lách là môn giải trí hầu như không tốn tiền mà nhiều khi rất hữu ích. Hãy lấy một ví dụ: mua vỏ ruột xe gắn máy, nếu không muốn mua phải hàng kém chất lượng, bạn cần sử dụng một số kỹ thuật viết lách: hỏi rồi đánh giá câu trả lời, tức phỏng vấn; đọc phiếu bảo hành, hiểu nội dung của nó, tức nghiên cứu. Và bạn phải thắc mắc và cảnh giác với những câu trả lời trơn tru, tức tư duy.  

“Hãy xem viết lách giống như việc trồng cây: yếu ớt thì che chắn, bón phân, tưới nước; vững vàng rồi thì cho ra nắng gió, tranh đua với đời”, nhà báo Ngọc Trân nói.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.