.

Đam mê tuồng

.

Diễn ra chưa đầy một tuần, Liên hoan các tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ đã mang đến Đà Nẵng luồng gió mới cho nghệ thuật tuồng, thổi bùng ngọn lửa đam mê đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Một cảnh trong vở diễn Tam hạ Nam đường của CLB Ánh Dương (Bình Định). 		Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở diễn Tam hạ Nam đường của CLB Ánh Dương (Bình Định). Ảnh: NGỌC HÀ

“Chưa bao giờ vui như thế!”

Những ngày này, đi ngang Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tiếng trống chầu giòn giã, tiếng hát nghe văng vẳng, bên trong khán đài, tràng vỗ tay tán thưởng không dứt, các hàng ghế đều kín chỗ… như đưa mọi người trở về thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng.

Xem tới đoạn cao trào, cụ ông ngồi ghế bên cạnh vỗ vào đùi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông cười: “Hay quá, con ơi! Từ bữa diễn ra liên hoan tới chừ, ông không bỏ sót buổi nào. Nằn nì mãi, con cháu cũng chiều mình, chở đi chở về. Dễ gì có dịp để xem nhiều vở diễn của các đoàn tuồng nổi tiếng cả nước”.

Không chỉ khán giả địa phương đón nhận mà sự hào hứng còn biểu hiện rõ ở các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia liên hoan tuồng lần này. Họ theo dõi từng vở diễn của đơn vị bạn, không ngần ngại tán thưởng và dành những lời khen ngợi.

NSƯT Nguyễn Đức Tú, Trưởng đoàn CLB tuồng phường Đồng Nguyên (Bắc Ninh), chia sẻ rằng đây có thể xem là ngày hội của những người yêu tuồng. CLB từng tham gia 2 liên hoan tuồng lớn dành cho các đơn vị không chuyên, nhưng đây là lần đầu tiên các CLB không chuyên cùng đứng chung sân khấu với các đơn vị chuyên nghiệp. “Quan trọng là chúng tôi đến đây cùng thể hiện tình yêu nghệ thuật tuồng, cùng tìm những người có tiếng nói chung”, NSƯT Đức Tú nói.

Trong khi đó, là đơn vị chủ nhà, cán bộ, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vừa phải chăm chút vở diễn, vừa tất bật phối hợp chuẩn bị công tác tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Mệt nhưng vui. Chưa bao giờ vui như thế. Tôi hy vọng có nhiều sự kiện lớn về tuồng như thế này diễn ra tại Đà Nẵng để khán giả tiếp cận nghệ thuật tuồng và yêu tuồng”.

Thắp sáng niềm đam mê

Tham dự liên hoan có 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước, trong đó có 6 đơn vị chuyên nghiệp và 14 đơn vị không chuyên. Riêng các đơn vị không chuyên, để đến với liên hoan, phải nhờ đến kinh phí hỗ trợ của thôn, các mạnh thường quân và còn lại là tự bỏ tiền túi.

Ông Nguyễn Đức Tý, Trưởng đoàn CLB tuồng Phú Mẫn (Yên Phong, Bắc Ninh) nhẩm tính, để dự liên hoan, CLB phải nhờ sự hỗ trợ của thị trấn, của thôn, một mạnh thường quân lo chỗ ở và tự lấy tiền diễn gom được khoảng 15 triệu đồng trong đợt 2-9, mỗi người bỏ thêm 1,5 triệu đồng nhưng ai cũng phấn khởi.

Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi mới hiểu được sự vui mừng đó của những người nghệ nhân dân gian Phú Mẫn. Chuyện là, họ khao khát một lần diễn trên mảnh đất quê hương của những bậc thầy về nghệ thuật tuồng như Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai. Vào những năm 1963, những bậc thầy về tuồng này khi tập kết ra Bắc đã sống ở nhà người dân Phú Mẫn; rồi họ quy tụ những người yêu tuồng, có khiếu và tập tành.

“Vở diễn Ngọn lửa Hồng Sơn mà chúng tôi mang đến liên hoan này là kịch bản của tác giả Tống Phước Phổ, do chính Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai dàn dựng cho dân làng Phú Mẫn và họ truyền nhau, giữ gìn”, ông Tý cho biết.

Cũng theo ông Tý, nghệ nhân CLB tuồng Phú Mẫn là những người làm ruộng, bán buôn, chạy chợ... Nhưng niềm đam mê tuồng thì khó ai bằng. Khi xuống ruộng, họ vừa cấy, vừa hát. Đặc biệt, người dân Phú Mẫn cũng yêu tuồng không kém. Mỗi đêm diễn, họ sẵn sàng ném tiền thưởng cho người hát, họ thuộc tuồng đến nỗi diễn viên hát sai thì người xem nhắc lời.

Nhiều câu chuyện về đời, về nghề của những nghệ sĩ, diễn viên tuồng khiến người nghe không khỏi xúc động. Bằng sự đam mê, họ quên mình về nghệ thuật. Như trường hợp nghệ nhân Duy Đông, học vai Tạ Ngọc Lân của cụ Tống Phước Phổ năm 17 tuổi, đến nay đã 73 tuổi vẫn diễn vai này tốt. Trường hợp người điều khiển nhạc công của Đoàn I Xuân Nội, Đông Anh (Hà Nội), đang bị bệnh rất nặng, con cái khuyên cách nào cũng không chịu, một mực đòi theo đoàn đi diễn. Cuối cùng, đành chiều ý ông, con cái không còn cách nào khác là hộ tống cha đi diễn lần này...

“Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân theo tuồng có cuộc sống khó khăn nhưng chẳng có gì ngăn được ngọn lửa đam mê. Chừng nào còn khỏe, tổ nghiệp còn thương thì vẫn theo nghề. Âu đó cũng là duyên phận, là cái nghề, cái nghiệp”, nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam, nguyên diễn viên Nhà hát tuồng Việt Nam, hiện phục dựng các vở diễn cho một số đơn vị không chuyên tại liên hoan chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.