.

Nghệ thuật sân khấu dân tộc sẽ về đâu?

.

Nghệ thuật sân khấu dân tộc sẽ về đâu? Đó là sự trăn trở của những người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống tại tọa đàm “Kinh nghiệm gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu”, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 10 này.

Một cảnh trong vở Trưng Nữ Vương, do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở Trưng Nữ Vương, do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: NGỌC HÀ

Chưa được coi trọng

GS,TS, đạo diễn sân khấu Chua Soo Pong (người Singapore), thành viên Hiệp hội sân khấu thế giới, lần đầu tiên xem trọn vẹn một vở tuồng của Việt Nam tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ đã thốt lên: “Quá tuyệt!”. Nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu của các nước châu Á như: Kinh kịch (Trung Quốc), Kabuki (Nhật Bản), Mak Yong (Malaysia), Wayang Wong (Indonesia), Khon (Thái Lan), ông nhận ra rằng, chúng có nhiều nét tương đồng với nghệ thuật tuồng Việt Nam, nhất là thông qua vẽ mặt nạ, động tác vũ đạo, trang phục… để nói lên tính cách, trạng thái nhân vật.

Điều khiến ông ngạc nhiên là so với nhiều loại hình Mak Yong (300 năm), Wayang Wong (900 năm), Khon (400 năm), Kabuki (400 năm) thì tuồng Việt Nam ra đời từ rất sớm (hơn 1.000 năm) và phong phú hơn hẳn về tác phẩm.

Song, cũng giống như Việt Nam, nghệ thuật truyền thống của các nước châu Á rơi vào giai đoạn khủng hoảng “khán giả”. “Mak Yong từng được diễn suốt cả đêm vẫn có người xem, nhưng đến năm 1970, rất ít người Malaysia quan tâm loại hình này. Khon ở Thái Lan thì đến năm 1980 chỉ diễn vào thứ bảy, chủ nhật nhưng lượng khán giả không quá 50 người. Bây giờ thì sao? Người ta sẵn sàng bỏ tiền đến xem, lượng khán giả có khi lên đến hàng ngàn người”, ông Chua Soo Pong nói.

Trong khi đó, nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm khán giả. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chua xót: Bản thân giáo dục truyền thống văn hóa còn chưa được quan tâm đúng mức thì lấy đâu việc chú trọng loại hình nghệ thuật truyền thống. Hiếm hoi lắm mới có những cuộc thi, liên hoan dành cho sân khấu, nhưng các cuộc thi về hát, nhảy, game show tràn ngập trên truyền hình!

Tìm cách giữ gìn, phát huy

Không phải ngẫu nhiên mà các loại hình sân khấu truyền thống của các nước trong khu vực có bước tiến mạnh mẽ như ngày hôm nay. Theo GS,TS, đạo diễn sân khấu Chua Soo Pong, phải kể đến sự vào cuộc của chính phủ với những kế hoạch, định hướng rõ ràng. Chính phủ Malaysia quyết tâm bảo tồn nghệ thuật Mak Yong. Họ đã tìm đến những ngôi làng một thời Mak Yong hưng thịnh, mời những bậc thầy về Mak Yong đến các trường học biểu diễn, nói những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật này cho học sinh, sinh viên nghe.

Tại Indonesia, chính phủ cho xây 8 trường rải đều khắp cả nước để dạy môn nghệ thuật Wayang Wong. Trẻ em từ 6-12 tuổi, 13-18 tuổi tiếp cận Wayang Wong ở những cấp độ khác nhau. Hằng ngày, dành 30 phút trên truyền hình để nói về nghệ thuật Wayang Wong. Tương tự, Thái Lan nhiều năm liền mang nghệ thuật Khon trình diễn ngoài đường phố để khán giả biết đến, tổ chức lưu diễn ở nước ngoài để quảng bá, trẻ em Thái Lan trong trường học buộc phải hát những bài về Khon với thời lượng 30 phút/tuần…

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giới trẻ châu Á ngày nay hiểu văn hóa phương Tây nhiều hơn là hiểu quốc gia họ và những nước trong khu vực. Vì thế, điều quan trọng là làm sao thu hút giới trẻ quan tâm nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Một khi đã có sự hiểu biết rõ về loại hình nghệ thuật dân tộc, tự nhiên sẽ hình thành sự tự tôn về văn hóa dân tộc mình”, ông Chua Soo Pong nói.

Để làm được điều đó, ông Chua Soo Pong cho rằng, cần có chính sách, nghiên cứu rõ ràng, tập trung những vấn đề: nghiên cứu lịch sử loại hình nghệ thuật đó; phát triển phương thức giảng dạy cho trẻ sao cho thật đơn giản, dễ hiểu; xuất bản nhiều sách về loại hình nghệ thuật truyền thống, trưng bày ở hầu hết các nhà sách; viết thêm nhiều tác phẩm mới với những câu chuyện về lịch sử hiện đại, xã hội đương đại, lấy những câu chuyện gần gũi với thế giới cổ tích trẻ thơ…; tạo ra những sự kiện để trẻ em và thanh thiếu niên biểu diễn nghệ thuật truyền thống…

Theo nhiều nghệ sĩ, thật ra, Việt Nam cũng có kế hoạch bảo tồn nghệ thuật truyền thống như: thực hiện mô hình sân khấu học đường, đưa tuồng xuống phố ở Khánh Hòa để giới trẻ tiếp cận nghệ thuật truyền thống. Nhạc sĩ Trần Hồng cho biết, năm 2004, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương được chọn triển khai dự án “Sân khấu học đường” về nghệ thuật tuồng tại một số trường như: THCS Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), Lê Độ (quận Sơn Trà) và Nguyễn Huệ, Kim Đồng (quận Hải Châu). Tuy nhiên, mô hình này đã không thành công.

Lý giải về sự thất bại này, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, chúng ta chưa nhân hoạt động đó lên thành phong trào mà chỉ làm nhỏ lẻ trong một nhóm của một trường; chưa có những tổ chức, hoạt động biểu diễn để nuôi các nhóm sân khấu học đường đó và thế là nó buộc phải “chết”!

“Đành rằng, Nhà nước không thể bao cấp hết, chúng ta cần theo xu hướng xã hội hóa. Song, xã hội hóa chỉ là một chính sách. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách, kế hoạch định hướng bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, chứ không thể thả nổi. Cứ tưởng tượng như thế này: giống như ông bố, bà mẹ bảo con cứ đi ra học các bác ở bên ngoài mà không quan tâm, mặc nó sống thế nào. Đó là cái họa của một nhà, của một quốc gia”, ông Thọ nêu quan điểm.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng cho rằng, giới trẻ chính là những người kế thừa và nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống sau này. Vì thế, Nhà nước muốn giữ gìn, phát huy loại hình này thì cần thiết phải lập quỹ hỗ trợ nghệ thuật truyền thống. Qua quỹ này, tổ chức các festival về nghệ thuật truyền thống dành cho nhiều độ tuổi khác nhau, tổ chức các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống giữa các trường, trong giới trẻ; tuyên dương, khen thưởng những cá nhân đoạt giải… Có như vậy mới khuyến khích giới trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống, từ đó mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.