.
Café sáng

Quê hương, mỗi người chỉ một…

Đêm Noel, mọi người tay trong tay tung tăng trên đường phố tấp nập người, tôi vẫn cô đơn lang thang bên bờ sông Hàn. Năm nay, cảm giác cô đơn càng khắc khoải hơn bởi Giáng sinh đúng vào dịp trăng rằm. Trăng sáng bàng bạc trên mặt sông càng gợi cho những người con xa xứ thêm nỗi nhớ quê.

Như thói quen nghề nghiệp, tôi lấy máy ảnh chọn góc chụp mảnh trăng chênh chếch đầu phố. Mấy ngày sau, bức ảnh này được chia sẻ trên facebook với status rằng, “trăng trên đất khách”.

Bên cạnh những người bấm “like”, cũng không ít người comment (bình luận) rằng, “nhà ở quận Hải Châu, công việc ở Đà Nẵng mà còn đất khách gì nữa”. Cũng có người cho rằng, tôi có làm quá lên không bởi sống ở Việt Nam thì nơi đâu chẳng là quê hương. Bất giác tôi nhớ đến câu hát “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”.

Tôi từng đọc đâu đó chia sẻ của Giáo sư Sử học Phan Huy Lê rằng: “Tôi đã đi đến rất nhiều vùng đất trên khắp đất nước, đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”… Dù sống trên nửa thế kỷ ở thủ đô nhưng nơi quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn với biết bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ với gia đình, dòng họ, quê hương vẫn là hành trang khởi đầu của tôi và theo tôi trong suốt cuộc đời…”.

Có thể gọi một cách mỹ miều “Đà Nẵng là quê hương thứ hai” thì cái quê hương thứ nhất sao mà chất chứa nhiều nỗi lòng đến thế. Nhớ có lần cô bạn đồng hương nhìn bức ảnh tôi chụp ở quê đăng trên facebook cũng phải thốt lên, “răng mà lạ, ở thì ít nhưng đi thì nhớ”.

Còn một chị đồng nghiệp lại cảm thấy áy náy khi mỗi lần về thăm quê để thấm thía cái câu “bao lần trở về cũng chỉ để mà đi”. Có thể những người chưa bao giờ sống xa quê thì họ không thể hiểu được nỗi lòng của người xa xứ. Tôi chắc rằng bất kỳ ai cũng sẽ rưng rưng đồng cảm khi nghe giai điệu bài hát Nỗi buồn xa xứ với những ca từ buồn buồn “Ngày ngày nơi xa con mơ ước rằng/ ngày về thăm quê lâng lâng nắng chiều/ đường ai qua lối lá trúc còn vương/ bạn bè khi xưa chung vui mái trường/ từng vần thơ yêu lén lút trao tay/ ánh mắt ai say, tiếng nói ai say theo chiều gió lộng/ Thành Nội me bay vương nắng mây hồng…/ con còn có đâu những chiều bên mẹ/ mẹ kể con nghe xứ Huế quê mình”.

Quê hương từ bao giờ đã trở thành hai tiếng thiêng liêng với bao kỷ niệm của thời thơ ấu mà dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần nghe giọng nói hay câu hát dân ca quê mình cũng đã thấy nhói lòng. Và tôi cũng vậy, đã gần 20 năm sống ở thành phố nhưng vẫn không bao giờ thôi nhớ quê.

Mỗi lần nhìn trăng lại nhớ đến những đêm sáng trăng bắc ghế ra đầu hè ngồi trò chuyện với lũ trẻ trong xóm, rồi khi đi xa lại không nguôi nhớ đến câu thơ của Lý Bạch “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương”.

Kể cũng lạ, làm nghề báo có thời gian đi khắp ngõ ngách của thành phố, cũng gặp không biết bao nhiêu người. Nhiều đến nỗi, mỗi ngày qua phố tình cờ gặp lại nhiều người quen nhưng vẫn không thể gọi nơi đó là quê hương được.

Nhớ hôm vừa bước ra khỏi siêu thị Big C, có ông xe ôm tươi cười mời đi xe, tôi nhìn ông ấy thấy quen quen và mỉm cười nhưng phải đi một đoạn đường dài mới cố nhớ ra đó là người mình đã từng phỏng vấn hôm ông Nguyễn Bá Thanh qua đời.

Vậy mà lần sau bước ra từ cổng siêu thị ấy, cũng gặp lại ông xe ôm ấy mời chào tôi như khách lạ. Tôi tự hỏi ngay cả mình đã từng lưu tên và số điện thoại di động của ông ấy nhưng sao chẳng nhớ thì chẳng trách người ta không nhớ mình. Chợt nhận ra ta đang sống ở đất khách chứ nếu là ở quê hương thì những người mà ta gặp dù chỉ một lần cũng làm ta nhớ mãi, đơn giản vì họ sẽ có nhiều mối quan hệ gắn bó với người thân, với những địa danh quen thuộc mà ta gọi nơi đó là nơi chôn nhau cắt rốn.

Ở đó, còn là nơi bạn bè hẹn nhau về gặp mặt trong những cuộc họp lớp. Ở đó, còn là nơi ta sum họp gia đình vào những dịp Tết, giỗ, tạ lăng, chạp mả... với những người máu mủ ruột thịt. Đặc biệt, quê hương còn là nơi có mẹ, có cha - những người yêu thương ta vô điều kiện mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng mong ngóng ta trở về gặp mặt lần cuối rồi mới ra đi thanh thản được.

Tôi vẫn không sao quên cái cảm giác mỗi lần nghỉ lễ về thăm quê là như được trở về thuở lên tám, lên mười. Chỉ mới đến ranh giới của tỉnh nhà thôi đã thấy mọi thứ dường như quen thuộc, từ ngọn gió Lào đến bãi cát trắng khô khốc, cái nắng vàng ngọn cỏ và cả những nghĩa trang trắng nằm lô nhô ven đường gợi bao năm tháng chiến tranh đau thương mà anh dũng.

Bởi vậy, dẫu qua nửa đời phiêu bạt, nếu lỡ vấp ngã thì chỉ cần về úp mặt vào sông quê là cảm nhận được sự bao dung của đất mẹ luôn luôn che chở và đón ta vào lòng, dù có thể chỉ trở về rồi lại ra đi...

GIA HUY

;
.
.
.
.
.