.

Diễn viên Công Ninh: Một đời đóng vai nghèo khổ

.

Công Ninh là một trong số ít nghệ sĩ không có cả thanh lẫn sắc nhưng vẫn ghi dấu ấn trong từng vai diễn. Bởi lẽ, nếu không có anh thì lấy đâu ra người đóng những vai nghèo khổ một cách chân thật đến ám ảnh.

Diễn viên Công Ninh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Diễn viên Công Ninh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xem các vai diễn của Công Ninh trên màn ảnh, cảm giác chung của khán giả bao giờ cũng là “tội tội, thương thương”. Những vai anh hóa thân không bộ đội thì cũng là nông dân, không nghèo khó thì cũng vất vả, không xấu xí thì cũng quê mùa. Gương mặt khắc khổ; vóc dáng cao, gầy; đôi mắt sâu hút và nụ cười móm xọm là hình ảnh quen thuộc của anh trên phim.

Xuất hiện lần đầu tiên trong phim Đời hát rong (đạo diễn Châu Huế) nhưng phải đến phim Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng), Công Ninh mới gây chú ý. Cơ hội vào vai chính trong phim của vị đạo diễn có tiếng lúc bấy giờ vẫn là giấc mơ với Công Ninh.

“Hồi đó, tôi nghĩ mình xấu đau xấu đớn nên chỉ đóng vai phụ. Ai ngờ Lê Hoàng ngỏ lời mời đóng vai chính, tôi hoang mang suốt thời gian dài. Cho đến khi nhận cát-sê 10 triệu đồng, tôi mới biết mình đã có vai chính thực sự”, anh nhớ lại.

Quả là “con mắt xanh” của đạo diễn Lê Hoàng có khác. Ngay từ khung hình đầu tiên, Công Ninh đã xuất hiện đầy ám ảnh với bộ quần áo bộ đội cũ kỹ, gương mặt buồn bã và dáng người gầy gò, khô khốc.

Bước qua Đời cát, hình ảnh anh thương binh Huy cụt càng khiến lòng người xem nặng trĩu. Công Ninh bảo rằng, đây là vai diễn vất vả nhất vì nắng gió của miền Trung nhưng là vai diễn mà anh cảm thấy “sung sướng” nhất. Anh còn ghi dấu ấn trong phim Mẹ con đậu đũa cũng với nét diễn thật thà, nhẹ nhàng như chính con người thật của anh ngoài đời. Hàng chục vai diễn của Công Ninh sau này cũng lận đận, khắc khổ, ghi dấu ấn trong tim khán giả bằng sự chân phương, mộc mạc.

Công Ninh của tuổi già bây giờ vẫn đóng những vai nghèo khổ. Người ta bảo, anh đóng những vai này chẳng khác nào “đem dao giết hổ đi mổ gà”. Nhưng Công Ninh quan niệm: “Dù vai nhỏ, vai phụ, dù hình ảnh quen thuộc nhưng quan trọng là tôi xúc động”. Người nghệ sĩ gạo cội như anh bước vào vai diễn hoàn toàn tự nhiên, ung dung, chẳng cần phô diễn.

Một đời đóng vai nghèo khổ là niềm tự hào của Công Ninh vì theo anh: “Mỗi người có một thế mạnh khác nhau và tỏa sáng ở chính nơi dành cho mình đã là thành công rồi. Tôi làm nghệ thuật nhưng không mơ mộng danh vọng trong nghệ thuật mà chỉ yêu cái đẹp của nó. Và vai nghèo đói, hom hem, u uất… vẫn có cái đẹp riêng”.

Lận đận tạo nên danh phận

Công Ninh thường ngậm ngùi khi nhắc về tuổi thơ của mình. “Nhà tôi nghèo lắm! Má một mình nuôi 6 anh em bằng nghề thợ may. Năm 12 tuổi, tôi bỏ học để đi bán trà đá, bánh cam kiếm tiền. Cả gia đình tôi đã đùm túm nhau qua những năm tháng nghèo khó”. Tuổi thơ đó khiến Công Ninh linh tính những điều không êm thấm sẽ xảy đến với anh.

Thật vậy, thi đậu Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, để có tiền ăn học, anh phải đi giữ xe ở Cung văn hóa lao động thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, Công Ninh lại được trường chọn đi du học ngành đạo diễn ở Nga 6 năm. Đó là quãng thời gian “khủng khiếp” vì anh phải tự học, tự làm ở đất nước lạnh giá xa xôi.

Mọi người đều công nhận Công Ninh là diễn viên xấu trai nhất Việt Nam nhưng nào phải. Công Ninh nói: “Hồi còn thanh niên, tôi cũng ngon lành lắm! Nhưng 6 năm ở Nga đã bào mòn nhan sắc khiến tôi về nước thì trở thành kép già luôn”.

Cho nên Công Ninh của hôm nay so với 10 hay 20 năm về trước không khác là mấy. Nghĩa là hồi đó anh đã già nua, xấu xí. Nhan sắc cũng là lý do chính khiến Công Ninh thất nghiệp khi trở về nước. Trong ký ức của bạn bè Công Ninh là hình ảnh anh ghé lại Sân khấu 5B ngồi một mình, phì phèo điếu thuốc để giết thời gian.

Một thời gian sau, Công Ninh cũng tìm được một chân trợ giảng ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, rồi được mời làm đạo diễn. Anh cũng không ngần ngại kiêm luôn nhắc tuồng, thiết kế, chọn nhạc và thậm chí kiêm... dọn dẹp hậu đài.

“Nhiều lần tôi mất phương hướng với cái nghề mình đã chọn khi cứ lận đận mãi, làm việc gì cũng không thành, tương lai mờ mịt”, anh thú thật. Năm 1995, thành công của vở kịch Dạ cổ hoài lang khiến tên tuổi Công Ninh bất ngờ vụt sáng như một đạo diễn trẻ đầy tài năng của sân khấu. Sau bao nhiêu năm lận đận, Công Ninh bắt đầu có danh phận từ đó.

Không chỉ làm đạo diễn, đóng kịch, đóng phim, anh còn từng làm Trưởng khoa Đạo diễn, Chủ nhiệm khoa Diễn viên kịch tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đào tạo các thế hệ diễn viên như: Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Tiết Cương...

Kép già hết cô đơn

Công Ninh từng là kẻ cô đơn, cô đơn đến tận cùng. Người ta từng thấy anh sống một mình trong một hẻm nhỏ, sau giờ đi diễn về thì lang thang ở quán vỉa hè nhâm nhi cà-phê, tối về đốt thuốc suy tư. Mỗi lần gặp anh, bạn bè không dám nhìn vì buồn.

Anh là một diễn viên, một người đàn ông đang tuổi phong độ nhưng thần sắc luôn u ám, sầu não. Những đêm trắng bên khói thuốc làm gương mặt anh thêm già nua, hốc hác, giọng nói khàn đục và những cơn ho không dứt. Công Ninh bị viêm phổi nhưng anh không tài nào dứt khỏi nỗi cô đơn nên phải tìm đến khói thuốc.

Nỗi cô đơn của Công Ninh là thiếu vắng người bạn đời. Từng đóng không biết bao nhiêu vai diễn và từng yêu trên sàn diễn, màn ảnh không biết bao nhiêu người nhưng trong cuộc đời thật, Công Ninh không có được một tình yêu đúng nghĩa.

Có lúc hạnh phúc tưởng như đã chạm tay nhưng lại vụt mất. Mối tình của anh và diễn viên Ngọc Trinh kết thúc làm không ít người hụt hẫng, tiếc nuối. Công Ninh giải bày: “Tính tôi lạ lắm! Yêu thì yêu mãnh liệt nhưng luôn thường trực cảm giác sợ hãi, sợ không lo được cho người ta, sợ làm người ta tổn thương. Dường như tôi cũng không tự tin với chính mình rằng sẽ bảo bọc được cho người phụ nữ mình yêu, sẽ mang đến hạnh phúc cho cô ấy. Thành ra, những mối tình cứ lần lượt ra đi và tôi mất niềm tin vào tình yêu”.

Nhưng đùng một cái, Công Ninh kết hôn với một diễn viên kém anh 22 tuổi. Mọi thứ trong cuộc sống của anh thay đổi đến chóng mặt khi có người phụ nữ bầu bạn, có đứa con thơ cất tiếng khóc. Công Ninh bảo, anh đặt tên ở nhà cho con gái là “Oscar” vì xem đó là giải thưởng danh giá và cao quý nhất mà cuộc đời ban tặng cho anh.

“Có người hỏi tôi rằng có cảm thấy hối tiếc khi quãng thời gian còn lại quá ít để chung sống và chia sẻ với bạn đời, tôi nghĩ thời gian dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là mình sống có ý nghĩa, trọn vẹn từng giây phút có được với nhau”, anh bày tỏ.

Và Công Ninh đã bắt đầu khát khao được sống một cách “lành mạnh”: không la cà, không nhậu nhẹt, không thuốc lá. “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình cai thuốc được nhưng không ngờ tôi đã bỏ hẳn vì vợ và con. Nhờ đó, tôi tăng 5kg, da dẻ hồng hào. Nhìn tôi bây giờ trẻ ra đấy chứ!”, anh cười ha hả.

Gã nghệ sĩ có miệng móm xọm và đôi mắt sâu hút hôm nay vẫn đang miệt mài từng vai diễn. Nhưng dường như vai diễn mà anh muốn hoàn thành xuất sắc nhất chính là vai người chồng, người cha. Bởi lẽ, sau khi qua hết những cô đơn, ngậm ngùi, khắc khoải thì anh đang có một gia đình hạnh phúc.

PHƯƠNG NGUYÊN

;
.
.
.
.
.