.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Chút đổi mới của phim Việt

.

Là một trong những tác phẩm được mong chờ nhất của làng điện ảnh Việt trong năm 2016, Tấm Cám: Chuyện chưa kể dẫu còn nhiều thiếu sót nhưng vẫn làm khán giả hài lòng với độ giải trí cao, hứa hẹn mở sang một trang mới cho công nghệ kỹ xảo nước ta.

Một cảnh trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Một cảnh trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể.

Đúng như những gì mà đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng tuyên bố, Tấm Cám: Chuyện chưa kể có kịch bản được mở rộng và biến tấu khá nhiều so với phiên bản gốc nhưng vẫn giữ được cái tinh thần cũ cũng như những hình tượng nhân vật Tấm, Cám, mẹ ghẻ... với tính cách đặc trưng của họ. Điều thú vị mà Tấm Cám: Chuyện chưa kể để lại trong lòng khán giả chính là một cuộc chiến đầy gay cấn và khốc liệt của tình người, của mưu toan triều chính và của cả công cuộc chống giặc ngoại xâm. Những nhân vật vốn mờ nhạt ở phiên bản truyện gốc trong dân gian như Hoàng tử, ông Bụt..., nay được ê-kíp biên kịch tô đậm hơn và cho giữ vai trò quan trọng trong tuyến chính. Đồng thời, những nhân vật mới như Thừa Tướng Tào Hắc, các tướng quân như Nguyễn Lực, Trần Bằng, Thạch Biền... cũng góp phần làm giàu sức sống cho toàn bộ câu chuyện, giúp khán giả không bị “ngán” khi thưởng thức một bộ phim có nền là câu chuyện cổ tích quen thuộc.

Tuy vậy, có lẽ do tham vọng mở rộng biên độ sáng tạo quá lớn nên đôi lúc người xem cảm nhận Ngô Thanh Vân thiếu sự chắc tay khi xử lý câu chuyện. Các nhân vật xuất hiện hoành tráng rồi... vụt tắt; tâm lý nhân vật không ổn định, thiếu động cơ hay tính logic trong hành xử cũng là những khuyết điểm lớn của phim về mặt kịch bản. Điểm hút khách nhất của phim không phải là cốt truyện mà chính là những khung hình vô cùng đẹp mắt hiện lên với núi non hùng vĩ, xanh ngút ngàn.

Những cảnh quay mà ê-kíp dày công thực hiện ở Tràng An, Ninh Bình đã cho một kết quả tốt. Đã qua rồi cái thời phim Việt Nam còn chấp nhận những bộ phim nghèo nàn về bối cảnh, chật hẹp trong góc quay và “bó tay” với những cảnh cần kỹ xảo. Đây chính là thời của công nghệ số và nó hoàn toàn có thể vẽ nên một tương lai tươi sáng hơn cho phim Việt Nam.

Ngô Thanh Vân đã từng chứng tỏ Việt Nam có thể thực hiện được những kỹ xảo hoành tráng như trong Ngày nảy ngày nay. Giờ đây, cô nâng lên một bậc nữa với Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Vừa đẹp mắt, lại vừa chân thực, gần gũi, khung cảnh thiên nhiên kết hợp với những tòa trường thành lộng lẫy chính là điều đọng lại trong ký ức khán giả lâu dài nhất.

Trong vai mẹ ghẻ, Ngô Thanh Vân đã khiến khán giả đôi khi cảm thấy “rợn người” trước cái ác mà cô mang lại trong nhân vật này. Bên cạnh đó là một Lan Ngọc đầy biến hóa và mới lạ trong vai Cám. Cám của Ngọc cũng đanh đá, dữ dội và tràn đầy sự thù hận. Nữ diễn viên đóng vai này cũng tròn trịa không kém các vai nữ bi khác mà cô từng đảm nhận. Bên cạnh đó là Thái tử Isaac với gương mặt góc cạnh, đầy quyền uy, cùng lối thể hiện cảm xúc tinh tế, lắng đọng. Chỉ có Hạ Vi, nữ diễn viên trẻ thủ vai Tấm chưa được như mong đợi; bởi đây là vai diễn quá phức tạp và cần kỹ thuật diễn xuất thật chắc, trong khi Hạ Vi chỉ là cô gái tay ngang rẽ sân điện ảnh.

Bên cạnh lớp trẻ, dàn diễn viên gạo cội như NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu cũng được Ngô Thanh Vân mời tham gia phim để làm cân bằng tính chuyên môn. Dù đất diễn không nhiều nhưng chính sự duyên dáng của họ đã làm bộ phim có sức sống, thú vị và hài hước. Có thể nói, xét riêng về mặt chọn vai và diễn xuất, Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã thành công khoảng 80% và như vậy là đủ cho một bộ phim Việt.

Còn rất nhiều điều phải nói về Tấm Cám: Chuyện chưa kể, từ âm thanh, âm nhạc đến chất hành động, mỹ thuật..., nhưng nhìn chung đây là bộ phim được đầu tư tốt của thị trường điện ảnh trong năm nay.

NGUYỄN HÀ ANH

;
.
.
.
.
.