.
Thanh Chiêm: Dinh trấn của công cuộc mở cõi và mở cửa

Bài cuối: Từ dinh trấn Thanh Chiêm đi tới

.

Quảng Nam - rộng về phía Nam - cái tên được vua Lê Thánh Tông đặt cho đạo thừa tuyên thứ 13 - vùng đất cuối cùng về phía Nam của Đại Việt sau cuộc thân chinh thắng lợi của nhà vua hồi năm 1471 như là một chỉ dấu tốt lành cho đất nước. Mở rộng về phía Nam, chỉ có thể là thế, từ “bàn đạp” Quảng Nam với thủ phủ Thanh Chiêm nhiều lợi thế, Chúa Nguyễn Hoàng và các vị chúa tiếp theo đã mở rộng một cách chính danh đất nước Đại Việt  về phía Nam từ đất liền đến biển cả như ngày nay...

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cùng ông Diệp Công Thang (88 tuổi, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) người cất giữ Trường Sa khoa - sách hướng dẫn lễ Khao lề thế lính Trường Sa được ông nội của ông truyền lại.  (Ảnh do TS Nguyễn Đăng Vũ cung cấp)
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cùng ông Diệp Công Thang (88 tuổi, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) người cất giữ Trường Sa khoa - sách hướng dẫn lễ Khao lề thế lính Trường Sa được ông nội của ông truyền lại. (Ảnh do TS Nguyễn Đăng Vũ cung cấp)

Những sách lược cứng - mềm

“Công lao mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn lớn lắm. Hồi chúa Nguyễn Hoàng lập dinh trấn Thanh Chiêm thì đất Quảng Nam còn là vùng đất cuối phía Nam của nước ta, chỉ kéo dài đến hết tỉnh Bình Định ngày nay. Rứa mà không bao lâu đất nước ta lại kéo đến tận Cà Mau, Hà Tiên…”, đứng bên cầu Câu Lâu của dòng Thu Bồn dõi mắt nhìn những chiếc xe tải, xe khách chạy vào Nam, ông Đinh Trọng Tuyên - người viết sử làng Thanh Chiêm, nói.

Sức mạnh quân sự trỗi vượt của chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17 là điều được ghi nhận khá rõ từ những tư liệu được lưu lại: “...Người Đàng Trong bây giờ đã thành thạo trong việc sử dụng chúng  (trọng pháo trên thuyền chiến - PV) đến độ họ đã vượt người châu Âu chúng ta: hằng ngày họ tập bắn bia và rồi họ trở nên hung hãn và dễ sợ và tự cao đến độ khi thấy có tàu châu Âu chúng ta tiến vào cảng của họ, những người pháo xạ của nhà vương dàn quân với thái độ thách thức...”, những dòng được giáo sĩ Cristophoro Borri viết trong bản Tường trình về Khu truyền giáo Đàng Trong năm 1621 đệ lên Đức Giáo hoàng Urbanô VII. TS. Li Tana cũng nói về tổ chức quân đội quy củ, về năng lực thủy quân, nhất là sức mạnh về pháo thuyền của thủy quân chúa Nguyễn.

Tuy vậy, việc mở rộng giang sơn của các chúa Nguyễn đều từ những sách lược mềm, vũ lực chỉ được dùng khi đối phương xâm lấn cõi bờ, lãnh thổ của ta. Cuộc ra quân theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng hồi năm 1611 là đáp trả việc vua Pô Nit từ tiểu quốc Hoa Anh của người Chăm cho quân xâm lấn, giết chóc, và xua đuổi người Việt ở vùng biên của Đại Việt và Hoa Anh. Pô Nit thua trận, rút quân về bên kia đèo Cả. Và phủ Phú Yên được thêm vào bản đồ Đàng Trong của Đại Việt bắt đầu từ đó. Cũng vậy, việc Chúa Nguyễn Phúc Tần cho động binh đánh vua Chăm Bà Tấm vào năm 1653 cũng là vì vị vua này đem quân xâm lấn, quấy nhiễu đất Phú Yên. Bị thua trận, vua Bà Tấm lui về phía nam sông Phan Rang, tiếp tục trị vì phần đất còn lại của mình, giữ lệ triều cống hằng năm. Đến việc Chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân vào Chân Lạp năm 1658 cũng là để giải cứu người trong hoàng tộc nước này theo yêu cầu của họ khi quốc vương Nặc Ông Chân giết chóc trái đạo người thân trong hoàng gia.

Ấn tượng nhất có lẽ là việc chúa Nguyễn Hoàng gả công chúa Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II làm hoàng hậu để nâng đẩy mối giao hảo giữa hai nước. Với cái nhìn có viễn kiến, chúa biết sự kết thông sẽ giúp người Đàng Trong dễ dàng đến khai khẩn vùng đất không người, đầy sình lầy, sông rạch, rừng rậm và thú dữ nơi vùng biên địa của vị quốc vương là con rể của mình. Vượt cả mong đợi của chúa, vua Chettha II còn tạo thêm điều kiện cho những người mới đến kinh doanh ở vùng đất được nới rộng thêm ra, nay là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn! Và đây chính là địa danh quan trọng được thêm vào bản đồ thương nghiệp của Đàng Trong.

Thu dụng người ngoài

“Xem lại những trang sử mở đất trong cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn thấy thật xúc động, thật sướng lòng...”, vẫn lời bày tỏ của ông Đinh Trọng Tuyên. Ấy là những cuộc chinh phục, thu nhận đất đai ở đây không quá nặng về binh đao mà nặng về sự lao nhọc, bằng nước mắt mồ hôi, bằng quyền biến, thông minh, và bằng cả ân tình.

Đàng Trong, từ những lợi thế kinh tế có được, từ những chính sách mở của các chúa Nguyễn như một lực hút người nước ngoài đến kinh doanh, khai khẩn. Một trong những đoạn hấp dẫn nhất trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) có lẽ là đoạn ghi lại việc đoàn thuyền 50 chiếc do hai cựu tướng nhà Minh của Trung Quốc là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu với 3.000 lính đến cập cảng Cửa  Hàn (Đà Nẵng) xin chúa Nguyễn cho tỵ nạn vào năm 1679. Biết đây là những người trung thành với nhà Minh, bất mãn với tân triều Mãn Thanh, nhưng với số người vốn là binh lính, lại quá đông, Chúa Nguyễn Phúc Tần không khỏi phân vân. Nhưng rồi... “Danh dự khuyên bảo chúa nên chấp nhận họ, nhưng có thể là thiếu khôn ngoan khi tiếp nhận chừng ấy người với vũ khí hẳn hoi vào đất nước của mình. Chúa cuối cùng đưa họ tới định cư tại vùng đất phía Nam nơi chúa vừa tạo được ảnh hưởng...”, GS. Lê Thành Khôi nhận xét.

Và lòng độ lượng, sự khôn ngoan của Chúa Nguyễn Phúc Tần vừa tạo được ân huệ lớn với “binh đoàn” di dân nước ngoài độc đáo này, vừa làm lợi cho công cuộc mở cõi của  mình. Đoàn thuyền di dân này đến cửa sông Mê Kông, đoàn theo Dương Ngạn Địch theo một cửa sông đến lập nghiệp tại Mỹ Tho, đoàn theo Trần Thượng Xuyên vượt sông Đồng Nai đến vùng Biên Hòa lập nghiệp. Dồn hết tâm sức xây dựng cuộc sống ở vùng đất đã bảo bọc mình, không lâu những di dân này đã biến hai vùng đất này thành làng mạc yên ấm. Riêng Trần Thượng Xuyên đã có công lớn trong việc biến vùng đất cù lao nơi ông và đoàn di dân đến lập nghiệp trở thành thị tứ Cù lao Phố: điểm buôn bán của nhiều thương thuyền nước ngoài, góp phần vào sự phồn thịnh của nền thương mại Đàng Trong.

Rộng tay trao quyền cho người tài giỏi, dù họ là người ngoài, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725)  đã không ngại cho Hoa kiều Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Mạc Cửu bỏ nhà Mãn Thanh đến Nam Vang (Chân Lạp) làm ăn rồi sau đến vùng biên trấn chiêu dụ người Hoa, người Việt khai khẩn những vùng hoang vu ở Hà Tiên lập nên làng mạc, chợ búa, tự mình cai quản vùng đất rộng lớn này trước khi được chúa Nguyễn Phúc Chu trao quyền quản nhiệm (1708). Khi Mạc Cửu qua đời (1735), chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cũng liền tay cho con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ (còn gọi Mạc Thiên Tích) nối chức cha. Tin vào tài năng của người Mạc Thiên Tứ, chúa Nguyễn Phúc Chú đã cho ông thêm quyền cai trị với những biệt lệ, được lập quân đội, được phép đúc tiền, mở chợ. Tản quyền cho thuộc cấp để vùng đất biên viễn có nhiều tiềm năng này được nhanh thịnh vượng trước những vận hội và trở lực mới là một quyền biến đáng nói hai chúa  Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú giữa lúc việc mở mang bờ cõi đã gần như xong xả.  

Thành lập hải đội Hoàng Sa, Trường Sa

Theo sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng tổ chức khai thác sản vật trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải (Trường Sa) có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo này hằng năm để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài vật của đảo và những hóa vật từ những tàu đắm. Nhân lực cho đội Hoàng Sa được lấy chủ yếu từ ngư dân xã An Vĩnh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), còn người ở xã Cảnh Sương (Bình Thuận) thì lấy cho Đội Bắc Hải. Về sau, Đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa, gọi tên chung là Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

HUỲNH VĂN MỸ

;
.
.
.
.
.