.
Café sáng

Chỉ còn cách mạnh mẽ

.

Tôi may mắn được gặp không ít người mang danh “phái yếu” nhưng thẳm sâu bên trong là nội lực mạnh mẽ đến không ngờ…

Đầu năm 2016, tôi gặp chị Liễu khi chị đang trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Chồng mắc ung thư vòm họng, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; mẹ chồng bệnh tật, lại thêm đau buồn nên đột ngột qua đời. Ba đứa con, đứa lớn mang gánh nợ vay vốn sinh viên nghèo đã hơn một năm ra trường vẫn chưa có việc làm, hai đứa nhỏ đứng trước nguy cơ bỏ học vì gia đình khánh kiệt. Bản thân chị Liễu cũng mang trong mình bệnh viêm dạ dày, thoái hóa cột sống, rối loạn tiền đình mãn tính…

Trước khi ngã bệnh, chồng chị Liễu là trụ cột chính của gia đình. Người vợ cả ngày quanh quẩn với vườn, ruộng, chưa một lần lên phố, chưa một lần tự đi xe máy. Dẫu nghèo nhưng đồng vợ đồng chồng, làm lụng cật lực, anh chị vẫn lo được cho con ăn học. Tai họa đột nhiên ập đến, sau cơn sốc, chị Liễu đứng dậy rồi bắt đầu tập…

Chị tập đi xe buýt từ quê nhà ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng chăm chồng nằm viện; tập nói dối chồng để anh an tâm chữa trị mà không đòi về; tập kìm những giọt nước mắt trước mặt đứa con trai út mới học lớp 5 để không làm tuổi thơ của con thêm buồn; tập ăn ngày một bữa, dành dụm từng chút tiền, tự đánh lừa rằng mình không đói. Đêm đến, nằm trên chiếc ghế xếp cạnh giường bệnh của chồng, chị tập lặng lẽ chịu đựng những cơn đau đầu như búa bổ, cơn đau lưng đến cứng cả người...

Trong tâm thức những người phụ nữ đi chăm người thân trong bệnh viện, cơn đau của bản thân trở thành điều nhỏ nhặt so với cái đau của chồng con. Những ngày người người, nhà nhà đang vui Tết Nguyên đán Bính Thân, tại khoa Nhi - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, chị Đặng lại vò võ chăm đứa con trai đầu lòng mới 8 tháng tuổi bị ung thư máu dòng tủy. Ở tuổi 23, cô công nhân may ấy gầy đến xiêu vẹo, mắt trũng sâu hằn nỗi lo khổ. Đau lòng thay, dù người rất gầy, cổ chị Đặng lại phình to bất thường do căn bệnh bướu cổ. Nhưng rồi chị bảo: “Phải chữa cho cháu xong đã, rồi từ từ em lo cho em sau…”.

Tôi từng đọc được câu nói: “Bạn không biết mình mạnh mẽ đến mức nào, cho tới khi mạnh mẽ trở thành sự lựa chọn duy nhất của bạn”. Có những người phụ nữ từng là “cành vàng lá ngọc” nhưng đến khi gặp nghịch cảnh, họ sẵn sàng trút bỏ mọi nhung lụa, đứng lên dìu đỡ gia đình mình.

Cô là một người bạn của gia đình tôi. Lấy chồng đến hơn 7 năm sau mới có con, những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, không ngờ chỉ sau đó 1 năm, chồng cô bị chẩn đoán ung thư trực tràng. Từ một gia đình khá giả, sau nhiều lần chữa chạy cả trong và ngoài nước, tiền bạc bắt đầu vơi dần. Cô đưa gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh, suốt 5 năm, ngày ngày hai mẹ con bắt xe buýt đến bệnh viện chăm chồng, chăm cha. May mắn đã không đến. Ngày chồng qua đời, cô nói: “Ngày xưa dù cực thế nào, dù chồng chỉ nằm một chỗ nhưng vẫn luôn thấy một điểm tựa. Bây giờ chồng đi, hai mẹ con bỗng dưng chơ vơ giữa đời…”.

Một tay gạt nước mắt, một tay cô tiếp tục chèo chống nuôi con. Từ một người phụ nữ nội trợ, cô xây nhà dựng cửa, làm ăn kinh doanh, đưa đón con đi học mỗi ngày. Từ đó đến nay đã hơn 7 năm, người phụ nữ ấy vẫn ở một mình, vẫn thích ca hát, vẫn đi tập thể thao hằng ngày. Chỉ khi đến ngày giỗ chồng mỗi năm, mới thấy cô buồn đến lặng người…

Cái buồn lặng người ấy tôi cũng từng gặp ở một người vợ trẻ có chồng bị tai nạn, nằm hôn mê trong Bệnh viện Đà Nẵng. Người vợ ấy mới 23 tuổi, tận hưởng hạnh phúc gia đình chưa tròn năm, nhưng những biến cố cuộc đời đã khiến chị cứng cỏi đến lạ. Chị chỉ có một lần hoe hoe đôi mắt khi kể: “Hôm qua, em vào thăm chồng, hỏi chồng có nhận ra em không, chồng gật. Nói chồng anh ơi bữa nào em đưa con vào thăm anh hì, anh cũng gật. Em hỏi, anh ơi anh có mệt không, anh lắc đầu. Em ráng hỏi tiếp, anh mệt ở đâu, anh cũng lắc đầu…”.

Những người phụ nữ tôi gặp, họ mạnh mẽ lắm và họ cũng yếu mềm lắm. Nhưng cái mạnh mẽ và cả cái yếu mềm của họ cùng xuất phát từ một nơi - là trái tim của người vợ, người mẹ… Kỳ diệu xiết bao!

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.