.

Sáng tạo trong tuyên truyền

.

Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Thế nhưng, với xu thế một đô thị trên đà phát triển mạnh mẽ, Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn trong việc đưa thông tin đến những đối tượng lao động tự do, lao động thời vụ từ các địa phương khác tới thành phố làm việc.

Chương trình văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Chương trình văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Vẫn là hình thức “sân khấu hóa” nhưng với sự sáng tạo không ngừng, những chương trình tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học (ĐH) trên địa bàn thành phố thực sự được đông đảo sinh viên chờ đợi.

Điển hình như Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội “Tuổi trẻ nói không với ma túy, HIV/AIDS” dưới hình thức hội chợ đậm chất... kinh tế. Thông qua các gian hàng “Ẩm thực ngày hè”, “Kỷ lục vui”, hoặc trò chơi vận động, khách hàng tò mò ghé thăm để rồi bị níu chân trước nhiều hoạt động hấp dẫn và sau đó nhận về những thông điệp tinh tế và rất rõ ràng như: “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”, “Sống lạnh mạnh, đẩy lùi tệ nạn”...

Trong khi đó, Trường ĐH Thể dục-Thể thao Đà Nẵng lồng ghép các thông điệp tuyên truyền qua những trò chơi đúng chất thể thao. Các khối sư phạm ở những trường khác lại “mượn” những màn hỏi-đáp để “nhắc khéo” sinh viên phòng, chống HIV/AIDS... Sự “biến hóa” của sinh viên khiến một người thường xuyên được ngồi “ghế nóng” ở các sân chơi này như bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Ở khối công nhân lao động, dù các chương trình ít hoành tráng hơn do điều kiện làm việc, tuy nhiên với sự hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động thành phố cũng như sự hợp tác từ các Đoàn phường, nhiều chương trình vẫn bảo đảm yếu tố tuyên truyền HIV/AIDS một cách hấp dẫn. Trong số này, phải kể đến cách tiếp cận, giải đáp thắc mắc thầm kín cho công nhân của các nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ công nhân phòng, chống HIV/AIDS tại các doanh nghiệp.

Từ rất nhiều cách làm sáng tạo trên, chỉ tính riêng 3 năm gần đây, đã có hơn 12.000 lượt đối tượng nghiện ma túy và hàng ngàn lượt gái mại dâm, tiếp viên làm việc ở các dịch vụ nhạy cảm được tư vấn, cung cấp thông tin về phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh những thành công trên, việc phòng, chống HIV ở Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc tiếp cận nhóm đối tượng lao động phổ thông từ nơi khác đến thành phố làm ăn, bởi công việc của họ theo ca rất bận rộn và chỗ ở thay đổi liên tục. Nếu tiếp cận được, họ cũng từ chối tiếp chuyện hoặc sẽ nhận tài liệu tuyên truyền theo kiểu “lấy lệ”.

Với đối tượng lao động thời vụ, việc tiếp cận họ càng khó khăn hơn, khi thời gian cư trú chỉ tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày. Trong khi đó, chính nhóm lao động thời vụ này có thể nói là nhóm “có nguy cơ cao” về lây nhiễm HIV/AIDS do tâm lý “khám phá” thú vui ở nơi mới. Ngoài các đối tượng trên, những người làm công tác tuyên truyền cũng “đau đầu” tìm cách tiếp cận nhóm thanh niên hành nghề đánh bắt thủy sản khi thời gian trên biển của họ nhiều hơn ở nhà hoặc họ chỉ tạm dừng chân ở thành phố để bán thủy sản, tiếp nhiên liệu rồi lại vươn khơi...

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.