.

Đọc lại Mùa đông 46 của nhà văn Nguyễn Văn Bổng

.

Bút ký Mùa đông 46 của nhà văn Nguyễn Văn Bổng ra đời đến hôm nay vừa tròn 70 năm. Tác phẩm được đăng lần đầu trên báo Chiến thắng, cơ quan của Ủy ban kháng chiến Quảng Nam-Đà Nẵng, số Xuân 1946, đến năm 1948 được tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam ở Việt Bắc in lại. Lần dở những tư liệu lịch sử, tư liệu văn học, thật hiếm có một tác phẩm nào ra đời kịp thời, mang đầy không khí của buổi đầu quân và dân thành phố Đà Nẵng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cụ thể, sinh động như bài ký này.

Khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một trong những địa điểm quân và dân Đà Nẵng ngoan cường chiến đấu trong những ngày đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Ảnh: Internet
Khu vực Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một trong những địa điểm quân và dân Đà Nẵng ngoan cường chiến đấu trong những ngày đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Ảnh: Internet

Lịch sử chỉ chọn lọc ghi những dòng ngắn ngủi, cô đúc, nếu không muốn nói là khô khan. Nhưng văn học đã làm được những điều hơn thế. Nhà văn đã cho chúng ta sống lại một cách đầy xúc động cái buổi sáng đầu tiên thành phố bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, chỉ vẻn vẹn 3 tháng sau khi được hưởng không khí độc lập tự do.

Những ngày đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm là quãng thời gian ngắn ngủi quân và dân Đà Nẵng bước vào cuộc kháng chiến với kẻ thù xâm lược bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Đội ngũ những người làm văn nghệ lúc ấy có thể chưa hề nghĩ mình sẽ là người cầm bút chuyên nghiệp sau này, nhưng trước hết họ là người chứng kiến cảnh hy sinh gan dạ của quân và dân ta ở một số địa điểm của thành phố như Ty bưu điện, nhà sách Thái Thị Bôi, cổ viện Chàm, bót đội Cung...

Hình ảnh những chiến sĩ mưu trí dùng chai cháy ném vào đốt xe  tăng địch; dùng dao đánh giáp lá cà với lính lê dương... Hình ảnh người dân các khu phố khoét nhà, đục tường làm chiến hào liên thông từ phố này đến phố khác để bộ đội và dân quân luồn lách chiến đấu; hiến dâng nhà cửa, giường tủ, bàn ghế và mọi vật dụng sẵn có để làm công sự chiến đấu hoặc vứt ra đường làm vật chướng ngại cản bước quân thù.

Hình ảnh những thanh niên, học sinh không theo gia đình tản cư mà ở lại thành phố gia nhập các đơn vị tự vệ chiến đấu, làm cứu thương, chăm sóc thương binh, v.v... Tất cả đã trở thành chất liệu sống để có thể có ngay những bài ký, những bài thơ...

Lúc này Nguyễn Văn Bổng 25 tuổi, được giao nhiệm vụ phụ trách một trường trung học của thành phố, rồi làm công tác văn hóa cứu quốc, đồng thời tham gia công tác tuyên truyền, đêm đêm lên tiếng trước hàng nghìn người nghe, kêu gọi ủng hộ kháng chiến... Nguyễn Văn Bổng dần dần nhập cuộc sâu hơn vào thực tiễn cuộc sống buổi đầu cách mạng và kháng chiến.

Ông cùng với các cán bộ tuyên truyền khác đã đi về các thôn xã bờ bắc sông Túy Loan để tuyên truyền cho chủ trương đánh Pháp của ta. Rồi những điều nghe thấy từ cái đêm mờ sáng của Đà Nẵng, khi các cơ quan quân dân chính rút ra khỏi thành phố sau gần một tuần chiến đấu trong nội thành; đã gây những ấn tượng rất sâu đậm trong ông về những khó khăn của khoảnh khắc đầu tiên của cuộc kháng chiến. Tiếng súng nổ dồn dập từ sân bay Đà Nẵng trong lúc ông đang đi theo một đơn vị bộ đội rút về phía Tây Bắc thành phố. Đó là những chất liệu và cảm xúc trực tiếp để ông viết bút ký Mùa Đông 46.

Trước thiên tùy bút này, Nguyễn Văn Bổng đã liên tục có các ghi chép, tùy bút gây ấn tượng về một cây bút năng nổ, hồ hởi đến với cách mạng. Tuy nhiên, đến Mùa Đông 46, ngòi bút Nguyễn Văn Bổng đã chắc tay hơn nhiều. Bức tranh kháng chiến hiện ra với nhiều chi tiết cụ thể, sinh động.

Chất liệu cuộc sống kháng chiến đã được tác giả chọn lọc để đưa vào tác phẩm phong phú hơn, thay cho những suy nghĩ, cảm nhận chủ quan. Người đọc có thể hình dung một buổi sáng mùa Đông của một thành phố phòng thủ, chuẩn bị cản phá cuộc tấn công của kẻ thù. Những chướng ngại vật, những nhành cây, bàn ghế...

Những “hàng rào dây thép gai theo hình chữ V chàng chít nối liền gốc cây dương liễu này qua thân phượng kia, loang loáng ướt và đọng ở đầu thép nhọn những giọt nước lóng lánh. Cành lá mới chặt xuống ngổn ngang trên những thân cây đốn ngã ngang đường, bày ra cảnh sau một trận bão lớn. Buổi sáng mùa đông lầm rầm mưa ấy, ngày 20 tháng 12 năm 1946, theo hồi còi vang lên trên thành phố đang ngơ ngác, đồng bào thành Đà Nẵng đứng lại kính cẩn chào cờ buổi mai một lần chót để lên đường” (*). Đó là những hình ảnh rất gợi được tác giả quan sát và ghi lại.

Không khí khẩn trương của cuộc kháng chiến được thể hiện qua khung cảnh “con đường rầm rập đồng bào tản cư” xen lẫn “anh em bộ đội và các cơ quan kháng chiến ở miền Tây Bắc Hòa Vang, con đường đất từ chợ Hòa Mỹ đến đèo Đại La, quậy bùn lên ướt nhẹt và trơn nhầy dưới hàng ngàn hàng vạn bàn chân”. Từ phía đông, “súng đại bác ba tiếng một, từ ba chiếc tuần dương hạm đậu ngoài biển, nổ vào, vang dội liên tiếp nhau, thúc giục, hối hả. Người chạy lên để tránh đạn, kẻ chạy xuống xông vào mũi súng”.

Trong bối cảnh ấy đã bắt đầu xuất hiện hình ảnh người chiến sĩ. Tác giả dành tình cảm yêu thương trân trọng với người chiến thương từ mặt trận mới được cáng về, được bà con chăm sóc, đang dần hồi phục.

Những cảm xúc trữ tình của tác giả dù còn vương vất chút tình cảm tiểu tư sản, nhưng tình yêu thương và niềm tin tưởng đối với người lính – nhân vật trung tâm của cuộc kháng chiến – thì vẫn rất chân thành: “Tôi chợt nhớ lại Đà Nẵng sáng mùa đông năm ngoái, nhớ lại con đường đèo Đại La, cái quán tranh cuối làng Phú Hạ và trên tất cả, mờ mờ trong màn mưa, cặp mắt của anh chiến thương, cặp mắt não nùng một niềm hờn tủi, căm tiếc.

... Buổi chiều mưa này, anh chiến sĩ ấy ở đâu? Đang đứng gác trong một cái hầm nước lên đến ngực hay đang núp sau một bụi cây ướt đẫm, hay vừa nhảy xổ ra mặt đường vật lộn với một tên thực dân bên cạnh chiếc xe nổ toang trên mấy xác chết... Hay từ hôm ấy anh đã đi về một cõi khác, đến nay đã nằm dưới nấm mồ lạnh lẽo, cỏ xanh rậm, không che nổi gió mưa, nước thấm lạnh ri rỉ trên thi hài...

Dầu anh nằm yên trong tù đất, hay anh đang chiến đấu với quân thù, cặp mắt long lanh của anh cũng đã rọi vào Ngày Mai. Chiều nay tôi thấy lại với cả một niềm tin tưởng”.

Trong 2 năm đầu sau cách mạng và bước vào kháng chiến, thành quả sáng tác của các cây bút Quảng Nam-Đà Nẵng còn rất thưa vắng, ít ỏi, chủ yếu là văn xuôi ở dạng ký, và tập trung vào một tác giả là Nguyễn Văn Bổng. Đây cũng là tình hình chung của cả nước những ngày đầu.

Ngay cả những tác giả đã nổi danh trước cách mạng như Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, lúc này cũng chỉ có thể viết một vài bài bút ký biểu lộ niềm hân hoan trước những đổi thay của cuộc sống mới, tuy rất đáng quý nhưng chưa dựa trên cơ sở một sự hiểu biết đầy đủ, vững chắc về cách mạng.

Không dễ để có ngay những tác phẩm dài hơi khi Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công và điều ấy càng khó xảy ra khi cuộc kháng chiến vừa mới bắt đầu; khi mà người cầm bút chưa kịp nhận diện ra bản thân mình và chức năng của người nghệ sĩ trong cách mạng - kháng chiến. Những tác phẩm ban đầu được viết do sự thôi thúc của nhiệt tình, trách nhiệm công dân và âm vang của cuộc sống mới mẻ, sôi động trước mắt mà chưa có độ sâu sắc, độ lắng đọng từ phía cảm xúc người nghệ sĩ.

Không ít người còn quá bỡ ngỡ trước cuộc sống mới, yêu mến nhưng chưa hiểu cách mạng bao nhiêu nên chưa thật sự gắn bó và đồng cảm với quần chúng. Tuy nhiên, đọc trong những trang viết của Nguyễn Văn Bổng, chúng ta lại cảm thấy vui mừng bởi cây bút văn xuôi đất Quảng này, ngay trong lúc nhiều người băn khoăn, đắn đo như vậy thì chính ông đã xác định là hãy cứ mạnh dạn viết, và thực sự đã có thành quả, theo với thời gian, càng ngày càng có giá trị lịch sử và văn học.

Nại Hiên


(*) Những đoạn trong ngoặc kép được trích từ nguyên văn tác phẩm của Nguyễn Văn Bổng

;
.
.
.
.
.