.
Câu chuyện văn hóa

Sách, "cây cầu" đẹp nhất đến tri thức

.

Đảo quốc Singapore ngày càng được biết tiếng là đất nước ham học hỏi nhờ vào hiệu quả của chương trình READ! được khởi xướng từ năm 2011 với mục đích kêu gọi, khuyến khích người dân đọc sách. Ước tính có khoảng 37 triệu lượt người Singapore đến đọc và mượn sách tại hệ thống 63 thư viện quốc gia. Sự thuận tiện của hệ thống này là tính linh động trong khâu mượn/trả sách, cho phép người dân mượn sách ở thư viện đầu thành phố có thể trả sách ở thư viện cuối thành phố mà không cần di chuyển xa xôi. Với tầm nhìn hướng đến một đất nước hiếu học, chính phủ Singapore đang nỗ lực biến thư viện không chỉ là nơi dẫn lối vào tri thức mà còn là trung tâm văn hóa, hướng người dân Singapore trở thành những người đọc sách suốt đời!

Trẻ em đến Hội sách Hải Châu 2017.  			      Ảnh: HÀ THU
Trẻ em đến Hội sách Hải Châu 2017. Ảnh: HÀ THU

Còn ở đất nước chùa vàng, thống kê cho thấy, người dân Thái Lan từ 6 tuổi trở lên trung bình mỗi ngày dành 37 phút để đọc sách. Riêng trong năm 2015, số người đọc sách ở Thái Lan tăng 13% so với hai năm trước đó và thủ đô Bangkok là nơi có đến 94,6% dân số đọc sách, đạt tỷ lệ cao nhất nước. Thêm nữa, việc Bangkok được UNESCO chọn là “Thủ đô sách thế giới năm 2013” đã thúc đẩy chính phủ Thái Lan tăng cường xây dựng hệ thống thư viện công từ trung ương đến cơ sở, đồng thời xúc tiến chiến dịch đường dài đẩy mạnh văn hóa đọc trong cả thập kỷ từ năm 2009 đến năm 2018. “Văn phòng quản lý và phát triển tri thức” và “Công viên tri thức” là những sáng kiến của chính phủ Thái nhằm nâng chất lượng, hiệu quả văn hóa đọc trên khắp đất Thái.

Tại Philippines, có chương trình “Mỗi trẻ em, một người đọc” với nhiều ưu tiên về nhân lực, tài lực nhằm đẩy mạnh thói quen đọc sách trong nhân dân từ tấm bé. Trong khi đó, Lào cũng có chương trình “Room to Read”, xây dựng và phát triển hệ thống phòng đọc, thư viện trong trường học và nâng cao chất lượng xuất bản, thiết thực vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc để hướng tới cạnh tranh với thế giới bên ngoài.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm mỗi người đọc khoảng 1 cuốn sách (không tính sách giáo khoa). Con số này ở Pháp là 20 cuốn, Malaysia 10-20 cuốn, Israel 64 cuốn. Mà đâu cần đi đâu cho xa, ngay tại Đà Nẵng, chúng ta cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh du khách nước ngoài say mê dán mắt vào trang sách ở nhà ga, bến tàu, hay trên xe buýt chật chội, chen lấn. Khi nhìn cảnh ấy, tôi tin rằng mỗi người đều ít nhiều nhận ra thói quen đọc sách của chúng ta dường như đã bị lãng quên.

Khi ít đọc sách hay không có thói quen đọc sách thì thường hay cho mình hiểu biết hơn người, hoặc có thể nghĩ là do công nghệ thông tin phát triển nên không cần đọc sách, điều gì cũng có ở... Google. Tư tưởng ỷ lại vào các công cụ tìm kiếm trên Internet khiến thời gian dành cho sách bị rút ngắn, thay vào đó là thời lượng dành cho các thú tiêu khiển trên máy tính, điện thoại thông minh. Đành rằng thông tin trên Internet rất tiện và vô cùng rộng lớn, nhưng để cho kiến thức được hệ thống một cách sâu rộng thì đôi khi ta phải đọc cả một bộ sách, hoặc nghiên cứu nhiều đầu sách khác nhau của các tác giả đầu ngành, rồi từ đó mới rút ra cho mình cái nhìn đa chiều về một vấn đề.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao ở các nước phát triển, cuộc sống số đã đi trước chúng ta từ lâu, mà họ vẫn coi trọng văn hóa đọc. Trong khi ở Việt Nam, kệ sách của nhiều gia đình ngày càng lấm bụi. Người lớn ít đọc sách nên con trẻ chẳng kế thừa được thói quen này.

Những năm qua, thương hiệu Đà Nẵng được cả nước biết đến với những chương trình “Thành phố 5 không” “Thành phố 3 có”, “Thành phố với những cây cầu”... Đây là cả chặng đường dài nỗ lực rất đáng tự hào của các cấp lãnh đạo chính quyền thành phố. Thiết nghĩ, bây giờ là lúc chúng ta tiếp tục tạo ra văn-hiệu của một thành phố học tập, con người ham hiểu biết bằng việc xây dựng văn hóa đọc, mở ra thật nhiều không gian sách song song với việc khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với sách, nhằm hình thành thói quen đọc sách và nhân rộng thói quen đẹp này trong cộng đồng.

Để làm được như vậy, nên chăng chúng ta tạo nên một không gian văn hóa cho người đọc với ý tưởng hình thành “Bờ sông sách” dọc theo hai bên dòng sông Hàn, các phòng đọc sách lộ thiên tận dụng ưu thế không gian sông nước, tạo cảm giác thư thái, mang lại nhiều cảm hứng hơn cho việc đọc. Có thể xây dựng các phòng đọc sách này theo dạng “Cà-phê sách” nhưng tính chất thương mại chỉ là thứ yếu, yếu tố phục vụ không gian đọc, thư giãn, giải trí là cốt lõi. Thành phố nhất thiết phải đầu tư nâng cấp, xây dựng một hệ thống thư viện trong cộng đồng. Nhiệm vụ này bắt đầu từ việc nâng cấp các phòng đọc sách ở khối phố, phường, xã, các thư viện thuộc hệ thống các trường học, liên tục tổ chức các cuộc thi đọc sách trong nhà trường, tại địa phương, cổ vũ cho người được giải. Dành thời gian đọc sách ở các nhà trường, nhất là từ các lớp nhỏ.

Thành phố cần xây dựng một thư viện đẹp, lớn và hiện đại trong một công viên xanh thoáng mát, nơi người dân đến không chỉ để đọc sách mà còn để suy tư tự hào về tiền nhân và sứ mệnh mà họ được trao truyền. Nơi đây còn để tôn vinh những giải thưởng danh giá của những người con Đà Nẵng đóng góp cho khoa học, cho thành phố qua nhiều thời kỳ, cũng là biểu tượng khơi dậy niềm tự hào của con người ham hiểu biết... Tôi nghĩ đây là “cây cầu” đẹp nhất dẫn người dân thành phố đến với thế giới tri thức.

Chúng ta cũng nên dành kinh phí hằng năm để đầu tư tài nguyên sách cho hai nhóm đối tượng gồm tài nguyên cho thư viện điện tử nhằm phục vụ nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, họ là những người đã có nhu cầu đọc sách... và dạng tài nguyên sách cho mọi đối tượng, trong đó ưu tiên cho trẻ em, học sinh phổ thông với những đầu sách có hình ảnh bắt mắt và nội dung ý nghĩa. Ngoài ra, cần thiết lập một chiến lược truyền thông dài hạn để cổ vũ, xây dựng hình ảnh đẹp của người đọc sách, cho đến khi thói quen đọc sách được phổ biến ở nhiều tầng lớp nhân dân.

Francis Becon, nhà triết học người Anh đã nói: “Sách là con tàu tư duy vượt qua sóng nước thời gian và trân trọng chở những hàng hóa quý giá từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Văn hóa đọc sẽ bổ sung, hoàn thiện trình độ văn hóa và chuyên môn của mỗi người, đồng thời mang lại hiệu quả tích cực trong việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Với thói quen đọc sách, chúng ta đều sẽ trở thành những học viên của ngôi trường học tập suốt đời, sẽ có thể khai thác nguồn tài nguyên vô hạn từ trí thông minh ở mỗi người, bên cạnh nguồn tài nguyên vật thể hữu hạn mà thành phố đang có.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
.
.
.
.
.