.

Những người giám sát cộng đồng

.

Những ngày đầu tháng 4, tại nhiều công trình đình làng đang được tiến hành trùng tu, sửa chữa trên địa bàn thành phố dễ dàng bắt gặp hình ảnh các vị cao niên ra vào quan sát, kiểm tra. Họ chính là những người giám sát cộng đồng, có nhiệm vụ theo dõi việc thi công công trình nhằm tránh tình trạng làm lệch yếu tố gốc của di tích.

Những vị cao niên làng Mỹ Khê trong vai trò giám sát cộng đồng trao đổi với nhà thầu về công trình trùng tu đình làng.
Những vị cao niên làng Mỹ Khê trong vai trò giám sát cộng đồng trao đổi với nhà thầu về công trình trùng tu đình làng.

Mới sáng sớm, ông Đinh Quang Huy, Phó ban khánh tiết đình làng Mỹ Khê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đã có mặt tại công trình trùng tu, sửa chữa đình làng, do Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng giá trị gần 2,1 tỷ đồng. Đi tới, đi lui trông coi công nhân đang thi công, ông Huy cho biết, không chỉ riêng ông, các thành viên Ban khánh tiết đình làng, hễ ai rảnh là thay phiên nhau ra ngó trước, ngó sau để góp ý kịp thời. “Xây một cái nhà thì dễ nhưng trùng tu công trình, lại là di tích rất khó. Nếu không cẩn thận sẽ làm mất hết dấu tích cha ông bao đời để lại. Trước đó, chúng tôi đã xem xét lại bản thiết kế, chụp lại hình ảnh của ngôi đình để lưu trữ và có cơ sở đối chiếu, giám sát đơn vị thi công”, ông Huy cho biết.

Theo ông Đinh Quang Huy, đình Mỹ Khê ban đầu bằng tranh, tre, được xây dựng gần bờ biển. Sau thời gian ngắn, đình bị hư hại. Năm 1913, đình Mỹ Khê được chuyển về trung tâm của làng (vị trí hiện nay), được làm bằng san hô, gạch ghép vào nhau do 100 hộ dân góp tiền xây dựng. Đến các năm 1948, 1954 và gần đây là năm 1995, đình làng Mỹ Khê được trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ nét kiến trúc ban đầu. Tuy nhiên, do ngày xưa vùng đất này thường xuyên mưa bão lại trống trải nên dân làng xây đình khá thấp dẫn đến ẩm thấp, xuống cấp. Trong đợt trùng tu năm 2017, đình chính được tháo dỡ từng phần theo mức độ hư hỏng để gia cố và phục hồi. Cổng tam quan, bình phong, nhà bia... được sơn sửa, phục hồi theo thiết kế trên hiện trạng cũ.

Đợt trùng tu đình làng lần này, đình làng Thanh Khê cũng nằm trong danh sách được đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ông Lê Văn Lễ, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng Thanh Khê cho biết, thuở ban sơ, đình được xây dựng chỉ với các vật liệu đơn giản như tranh, tre, nứa. Đến năm Đinh Mão (1807), đời vua Gia Long, đình được xây dựng lại với các vật liệu vững chắc hơn. Từ đó đến nay, đình Thanh Khê đã qua nhiều lần phục dựng, trùng tu vào các năm 1837, 1862, 1965 và lần cuối là năm 2004. Hiện đình làng còn lưu giữ 3 sắc phong, một bộ đồ chủ bái đời Gia Long và đòn đông của đình thời Gia Long.

“Lần trùng tu này, chúng tôi triển khai 3 cuộc họp và chọn ra các vị cao niên am hiểu lịch sử, nguồn gốc của đình làng để hằng ngày thực hiện vai trò giám sát cộng đồng. Chúng tôi nhắc nhở để nhà thầu chú trọng chất lượng; đặc biệt giữ nguyên vẹn dấu tích xưa chưa bị hư hỏng như đòn đông, liễn, bàn thờ... Đình là nơi thờ thành hoàng làng, các vị thánh thần, tiền hiền, hậu hiền, những người có công với địa phương; đồng thời là nơi các bô lão hội họp, giải quyết những việc trọng đại. Sau này, trong kháng chiến, đình là nơi trú ẩn, hoạt động cách mạng của những người con làng Thanh Khê như Lê Quốc Cơ, Nguyễn Văn Hồng, Lê Cù... Vì thế, đình làng có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức người dân qua bao thế hệ”, ông Lễ nhấn mạnh.

Vai trò giám sát cộng đồng trong thi công các công trình đình làng được Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng đề cao trong những năm gần đây. Làm công việc không lương nhưng các vị cao niên trong làng đều phấn khởi, tận tâm. Bởi hơn ai hết, chính họ là những người hiểu rõ nhất “linh hồn” của làng phải được trân quý. Giữ lại giá trị cốt lõi của đình làng cũng chính là giữ truyền thống văn hóa của cha ông. Nhờ những đóng góp thầm lặng của những người giám sát cộng đồng mà gần đây nhiều công trình đình làng được trùng tu, sửa chữa không bị xảy ra tình trạng làm sai lệch yếu tố gốc của di tích cũng như phá vỡ cảnh quan.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.