.

Triệu con tim hướng về nguồn cội

.

Cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, triệu trái tim người dân Việt Nam lại hướng về đất Tổ linh thiêng để tưởng nhớ công lao của các vua Hùng và cùng khắc ghi đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn...

Các vị cao niên làng Thạc Gián trang trí, sửa soạn bàn thờ tổ tiên cho Lễ hội đình làng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Các vị cao niên làng Thạc Gián trang trí, sửa soạn bàn thờ tổ tiên cho Lễ hội đình làng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, các nhà nghiên cứu đều chung một quan điểm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong đó tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nét đẹp văn hóa rất độc đáo, có ý nghĩa sống động không một dân tộc nào trên thế giới có được.

Từ khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6-12-2012), lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức ngày càng quy mô, đón hàng triệu lượt đồng bào về viếng mộ Tổ.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre và Bình Phước. Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 1 đến 6-4 (tức mồng 5 đến 10-3 năm Đinh Dậu).

Trong đó, phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc bao gồm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do thành phố Việt Trì tổ chức, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích và lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch.

Các địa phương trong tỉnh nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ dâng hương tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh vào 6 giờ 30 ngày 10-3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống.

Phần hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì; trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; hội sách đất Tổ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; hội thi bơi chải trên sông Lô…
Tại thành phố Đà Nẵng, dù không có đền thờ Hùng Vương nhưng đã thành lệ, hằng năm, ngày Quốc giỗ, nhiều đình làng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp. Học sinh tại một số trường trên địa bàn thành phố tổ chức chăm sóc các di tích lịch sử. Một số nhà thờ tộc cúng bái tổ tiên…

Ông Nguyễn Ngọc Thọ (78 tuổi, Ban trị sự đình làng Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, ngày trước, hằng năm dân làng Thạc Gián tổ chức hai lễ lớn là lễ tế thu nhị kỳ (mùa thu), lễ hội vào tiết thanh minh (mùa xuân). Kể từ khi được Bộ Văn hóa-Thể thao công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2007, đến năm 2011, lần đầu tiên lễ hội đình làng được phục dựng và tổ chức với quy mô trọng thể vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.

“Lễ hội đình làng Thạc Gián cũng với mong muốn con cháu tưởng nhớ những người có công dựng nước và các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp. Hiện tại, đình làng còn lưu giữ 18 sắc phong và 38 chiếu, chỉ của các triều đại Hậu Lê và triều Nguyễn; trong đó, sớm nhất là sắc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất là sắc phong năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Ở khu nhà hồi hương, chúng tôi làm thành nhiều tập tranh, ảnh nêu rõ gốc của làng, những bậc tiền nhân khai canh, khai cư xây dựng làng Thạc Gián để con cháu đời sau biết đến”, ông Thọ nói.

Với ông Hồ Văn Thiện, Trưởng ban khánh tiết đình làng Mỹ Khê (quận Sơn Trà), ngày giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt. Đến ngày này, các vị cao niên trong làng vào đình thắp hương, trước là tưởng nhớ các vị vua Hùng, sau là cúng bái tổ tiên.

Ước tính, mỗi năm hơn 5 triệu lượt người hành hương về đất Tổ thành kính dâng hương lên các vua Hùng. Trong khi đó, hàng triệu người Việt Nam trong nước và nước ngoài không có điều kiện về Đền Hùng thì thắp hương tưởng nhớ tại nhà. Tín ngưỡng này đã trở thành lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về cội nguồn với hai tiếng Đồng bào thiêng liêng và sâu sắc.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.