Chữa trầm cảm bằng khiêu vũ

.

Hòa trong tiếng nhạc và những vũ điệu đam mê, các chị như quên mọi lo toan và cả bệnh tật để thấy đời thảnh thơi, vui vẻ. Câu lạc bộ còn là nơi các chị nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn.

Tham gia các hoạt động thể thao là liệu pháp tinh thần giúp chị em giảm căng thẳng trong cuộc sống. TRONG ẢNH: Một buổi tập luyện của CLB Thể dục thể thao khiêu vũ Mãi Xanh.
Tham gia các hoạt động thể thao là liệu pháp tinh thần giúp chị em giảm căng thẳng trong cuộc sống. TRONG ẢNH: Một buổi tập luyện của CLB Thể dục thể thao khiêu vũ Mãi Xanh.

Cứ thứ hai, tư và sáu hằng tuần, khoảng 30 chị với đủ độ tuổi, ngành nghề như: nông dân, tiểu thương... lại gặp nhau tại CLB Thể dục thể thao khiêu vũ Mãi Xanh thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. Trong nhóm này, có 6 chị bị bệnh trầm cảm. “Khi nhạc dạo cất lên, hòa mình vào những điệu nhảy, chúng tôi như quên hết mọi buồn phiền trong cuộc sống”, chị M.T, một thành viên trong CLB thổ lộ. Không chỉ đến để khiêu vũ, các chị còn tìm thấy nơi đây nguồn an ủi, sẻ chia. “Người ta trầm cảm bởi cảm thấy cô đơn giữa chính những người thân của mình. Và khi không còn cô đơn và nhận ra con đường tươi mới phía trước để thoát khỏi bế tắc thì bệnh trầm cảm cũng tự nhiên giảm”, chị Trần Thị Mai, phụ trách CLB Mãi Xanh của phường Hòa Cường Nam chia sẻ.

Chị H.T.X. (43 tuổi) là một trong những người bị bệnh trầm cảm tham gia CLB từ những ngày đầu tiên. Do mâu thuẫn với mẹ chồng nên cuộc sống của chị đầy khổ sở. Chồng chị mặc dù thương vợ nhưng “mắc kẹt” giữa bên tình-bên hiếu đôi khi cũng khiến chị khó xử theo. Ngoài ra, chị còn phải cáng đáng kinh tế gia đình và chăm 2 con nhỏ khi chồng không có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống nhiều nỗi buồn khiến chị đôi lúc cảm thấy như gục ngã và tìm đến cái chết. Tuy nhiên, sau khi tham gia CLB, chị X. được các chị em giúp đỡ và không còn ý nghĩ muốn kết thúc cuộc sống. Chồng chị X. cũng được giới thiệu làm bảo vệ tại một trường mầm non nên thu nhập ổn định hơn. Bây giờ, chị X. còn tham gia lớp tập huấn kỹ năng để có thể mạnh dạn chia sẻ hoàn cảnh của mình với những chị cùng cảnh ngộ nhằm giúp họ có thêm niềm tin vượt qua khó khăn.

Chị B.T. (50 tuổi) lại là trường hợp khó khăn về “cơm áo gạo tiền”. Chị T. phải nghỉ việc sớm do sức khỏe yếu. Thu nhập ít ỏi của chồng không đủ trang trải cuộc sống cho 4 miệng ăn. Những lo toan thường ngày khiến chị cảm thấy túng quẫn. Nhìn từng đứa con lần lượt vào đại học, chị... mất ngủ khi nghĩ đến số tiền phải đóng. Tham gia CLB, chị nhận được sự động viên từ các chị em, cùng lúc đó, chị được người quen giới thiệu việc làm tại nhà nên có thêm thu nhập phụ chồng lo gia đình. Hiện nay, con cái đã ra trường nên chị cũng đỡ vất vả. Chị trở thành thành viên tích cực nhất, tham gia đầy đủ các buổi tập luyện của CLB.

Không chỉ cùng nhau luyện tập cho vui, các chị còn tham gia các đợt thi do quận, thành phố tổ chức. Từ năm 2012 đến nay, phường Hòa Cường Nam là một trong những địa phương được Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chọn thực hiện chương trình điều trị trầm cảm tại cộng đồng với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Những đối tượng tham gia chương trình được điều trị bằng thuốc và tâm lý liệu pháp. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị cho thấy, phụ nữ nghèo bị trầm cảm chiếm tỷ lệ cao, đồng thời hiệu quả điều trị đối với đối tượng này chưa đạt như những đối tượng khác. Chính vì vậy, việc hỗ trợ điều trị trầm cảm cho phụ nữ nghèo được kết hợp với hỗ trợ sinh kế. Các chị còn được hướng dẫn tham gia CLB Thể dục thể thao khiêu vũ Mãi Xanh để thêm liều thuốc tinh thần chữa bệnh.

Chị Ngô Hoàng Anh (cán bộ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), người hỗ trợ các chị em thuộc dự án giúp phụ nữ bị trầm cảm tại phường Hòa Cường Nam cho biết, sau thời gian được điều trị trầm cảm kết hợp hỗ trợ sinh kế, các chị được động viên tham gia nhóm nhảy để tiếp tục sinh hoạt, duy trì hoạt động; qua đó có thể có được sự nâng đỡ về mặt tinh thần và hỗ trợ xã hội, thêm niềm tin yêu vào cuộc sống.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.