Đại ngàn níu áo

.

Rẽ trái từ đường Hồ Chí Minh sau khi chạy xe máy gần 100km, chúng tôi phấn chấn hẳn lên khi bảng chỉ đường ghi chỉ còn gần 14km nữa là đến đích. Cơn mưa chiều hôm trước để lại những làn gió thỉnh thoảng tạt qua những cung đường ngoằn ngoèo vắt ngang sườn núi, xua tan cái nắng nóng của núi rừng Tây Giang buổi trưa.

Trích đoạn nghi thức dựng cây nêu của bà con  Cơ tu thành phố Đà Nẵng.
Trích đoạn nghi thức dựng cây nêu của bà con Cơ tu thành phố Đà Nẵng.

1.

Gần 10 năm trước, khi kỷ niệm “lên 5 tuổi”, Tây Giang hãy còn là vùng đất chưa được nhiều người biết đến. Được xếp vào một trong 61 huyện nghèo nhất nước, Tây Giang lúc đó như một bức tranh sơn cước lạ lẫm pha trộn giữa màu xanh cố hữu của núi rừng, đỏ quạch của đất bazan và màu mới toanh của những tường vôi, mái ngói, đường nhựa... Giờ quay lại chốn xưa, tất cả đã đổi thay, đổi thay một cách diệu kỳ so với “tuổi” của huyện miền núi Quảng Nam này.

Từ trung tâm hành chính huyện nhìn lên, làng truyền thống Cơ tu đôi lúc hiện ra như một xứ sở thần tiên lơ lửng trên cao giữa làn sương sớm. Lúc trước, muốn lên đó phải băng bộ trên cầu treo bắc qua suối rồi leo lên những bậc cấp xi-măng xếp dọc mấy quả đồi phía bên phải, hoặc bám thật chặt khi chiếc U-oát tăng ga phóng qua con suối sình lầy phía bên trái. Giờ thì chúng tôi có thể ung dung chạy thẳng xe máy lên đó trên con đường bê-tông kiên cố.

Tây Giang hiện có gần 18.500 dân, trong đó trên 94% là người Cơ tu. Khi diễn ra “Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” khai mạc hôm 11-6 vừa rồi trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6-2017, số người “tạm trú” Tây Giang tăng vọt trên một nghìn người, gồm các nghệ nhân, diễn viên của 15 dân tộc, đại biểu khách mời Trung ương, đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố trên cả nước về với ngày hội.

Đại diện thành phố Đà Nẵng là đoàn nghệ nhân dân tộc Cơ tu Hòa Vang, do Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đỗ Thanh Tân dẫn đầu. Địa bàn cư trú người Cơ tu ở Quảng Nam-Đà Nẵng chia làm ba vùng, vùng núi cao là Cơ tu driu, vùng giữa là Cơ tu chalâu và vùng thấp là Cơ tu nal.

Người Cơ tu Hòa Vang là nhánh Cơ tu vùng thấp, xưa sinh sống dưới chân núi Hải Vân giờ tập trung ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú). Họ mang đến ngày hội những sản phẩm cây nhà lá vườn, trong đó có rượu cần Phú Túc; đặc biệt là phần trình diễn trích đoạn lễ cúng mừng lúa mới gắn với nghi thức dựng cây nêu. Lần đầu tiên sau gần 20 năm quen biết bà con Cơ tu ở Hòa Vang, tôi tận mắt chứng kiến một nghi lễ thiêng liêng của dân tộc thiểu số đông nhất Đà Nẵng trong một ngày hội tầm cỡ quốc gia và cách thành phố cả trăm cây số!

2.

Đêm xuống. Gió đại ngàn mát rượi. Từng đoàn người đổ về sân khấu Quảng trường Trung tâm hành chính Tây Giang. Sau lời thưa gửi có tính cách lễ nghi, từng đoàn lần lượt diễu qua hành lang dưới sân khấu cùng lúc hai nghệ nhân khác trong đoàn, một nam một nữ, bước ra sân khấu trong trang phục và nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình.

Thuyết minh của người dẫn chương trình đưa khán giả đến từng vùng đất, con người với những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Đi một chỗ mà biết đến những 15 nơi, chỉ có thể là Tây Giang 2017. Với các cư dân Đà Nẵng chúng tôi, chỉ vượt có 120km đường núi rừng mà đã được thấy tận mắt sờ tận tay những giá trị văn hóa của 15 dân tộc trên cả nước.

Khi đoàn dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận chào khán giả, nghe chừng đâu đó thoảng giọng hát thấm đẫm hương rừng của Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan trong ca khúc nổi tiếng “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, bởi người Raglai có nhiều loại nhạc cụ độc đáo như đàn chapi, đàn đá, kèn môi...

“Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Xuân Hồng, được đoàn dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước làm mới với những động tác múa mô phỏng ngày mùa ở sóc Bom Bo nơi mình sinh sống. Các nghệ nhân người Sán Dìu tỉnh Tuyên Quang luyến láy khúc Soọng cô, làn điệu dân ca dân tộc mình, qua bài “Mời trầu”. Tốp nam nữ dân tộc Tày đưa khán giả về thăm Thái Nguyên bằng giọng lên bổng xuống trầm của khúc hát then và tiết tấu nhặt khoan của chiếc đàn tính...

Mỗi đoàn một vẻ, họ mang đến những điệu múa lời ca làm say lòng người, những bộ trang phục nhiều sắc màu mang dấu ấn của riêng từng dân tộc, vùng đất. Khó quên nhất, có lẽ là sự điệu đà, duyên dáng của các sơn nữ. Các cô lúng liếng nụ cười, hấp háy đôi mắt; mỗi dân tộc một tiếng nói riêng nhưng các cô có cùng một ngôn ngữ cơ thể đủ khiến cho khán giả nam giới chung chiêng nỗi lòng.

Già làng Cơlâu Nâm (giữa) nổi bật hẳn lên với chiếc áo khoác làm bằng vỏ cây rừng.
Già làng Cơlâu Nâm (giữa) nổi bật hẳn lên với chiếc áo khoác làm bằng vỏ cây rừng.

3.

Ngày hội quy tụ 15 cây nêu, tuy dáng vẻ, kích cỡ khác nhau nhưng tất cả đều được xem là sợi dây kết nối giữa mặt đất, con người với thần linh và ông bà tổ tiên.

Chủ nhà Tây Giang là đơn vị cuối cùng biểu diễn nghi thức dựng cây Nêu và tế Trâu ngay giữa trung tâm của làng truyền thống Cơ tu. Toàn bộ nghi lễ được giao cho ông Cơlâu Nghi, con già làng Cơlâu Nâm, đảm trách. Thấy cái vòng tròn của khán giả mở ra quá rộng quanh cây nêu, các tay máy chạy đôn chạy đáo tìm độ cao thích hợp để có được tấm ảnh toàn cảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn từ Duy Xuyên lên, không biết kiếm đâu ra cái thang nhôm chữ A chắc nịch. Nghe tôi thắc mắc, anh bảo, đã nhờ một anh ở Tây Giang chuẩn bị từ trước. Chợt nghĩ, tay này “ghê” thật, đúng là quá “say” nghề.

Sau hồi tù và báo tin, già Cơlâu Nâm trong vai thầy cúng trịnh trọng tiến về phía cây nêu trong trang phục dân tộc mình, khoác chiếc áo làm bằng vỏ cây rừng, tiếng Cơ tu gọi là xanớp ưnjoong theo phiên dịch của ông Cơlâu Nghi. Thầy cúng như một vị chủ soái điều binh khiển tướng hàng trăm nam phụ lão ấu qua các điệu hát lý, nhịp cồng chiêng, múa Tung tung – Da dá...

Kết thúc phần nghi lễ, các tay máy đi “săn” già Cơlâu Nâm. Ở Đà Nẵng lên, thoáng thấy các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phước Chính (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) Ngọc Hợi, Thân Nguyên... Họ lăn lê bò toài dưới đất nhiều tư thế để quyết “chộp” cho được thần thái của ông thầy cúng trên phông của cây nêu người Cơ tu.

2 năm trước, chúng tôi từng lên thăm nhà Cơlâu Nâm ở thôn Pơrning, xã Lăng, cách trung tâm huyện 4km, nghe ông kể chuyện một thời đi kháng chiến mà nhớ da nhớ diết cái gơhêl, người Kinh gọi là cái khiên, trong điệu múa của dân tộc mình. Lần đó ông một tay cầm cái gơhêl, một tay cầm cái bhất (thanh kiếm), vừa múa mấy vòng vừa giải thích cho khách từ xuôi lên. Vợ ông loay hoay một lát dưới bếp rồi mang mời khách món thơm chấm mật ong, nói nhỏ rằng khách quý mới vậy. Giờ gặp lại, bà vồn vã chào hỏi bằng sự hiếu khách đến hồn nhiên của người Cơ tu.

Nhìn cây nêu Cơ tu ngạo nghễ giữa nắng đại ngàn, sực nhớ lời Bí thư Huyện ủy Tây Giang Briu Liếc nửa đùa nửa thật với những người bạn từ Đà Nẵng lên trong sinh hoạt lửa tại đêm hôm trước: “Nhiều người sợ mưa, đề nghị dời lễ khai mạc. Tôi bảo không mưa đâu, đã làm việc với ông Trời rồi. Mưa tôi chịu”.

4.

Vì sao thành viên của các đoàn về dự ngày hội được gọi là nghệ nhân? Theo lý giải của chị Đào Ánh Ngọc, công tác ở Bảo tàng Kon Tum, gọi thế bởi họ là những người lưu giữ những nét văn hóa của chính dân tộc mình. Như đoàn dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum cả 25 nghệ nhân đều biết đánh chiêng, múa xoang.

Gần 20 năm trước, thời nhà báo Lê Văn Thiềng làm Tổng Biên tập Báo Kon Tum, tôi từng lên đó dự Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên, được đến khu du lịch Đắk T’re, huyện Kon Rẫy, cùng múa xoang, uống rượu cần với bà con Ba Na tại đây. Năm rồi quay lại, được nhà báo Nguyễn Đức Yên người Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Kon Tum, đưa đến Làng văn hóa Kon K’tu để được nghe tiếng chiêng người Ba Na vang dậy khắp đại ngàn, được nhấp men rượu cần ngất ngây, tình tự.

Rượu cần là cách gọi chung của người Việt, nhưng đối với một số dân tộc thiểu số, bà con gọi là rượu ghè, rượu ché, căn cứ vào cái vật dụng đựng rượu. Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách. Dưới cây nêu dân tộc mình, bà con mang rượu cần ra, đon đả mời khách. Chỉ đến với Tây Giang 2017, người ta mới thưởng thức được nhiều loại rượu cần/rượu ghè của từng vùng miền trên đất nước.

Một người từ Đà Nẵng lên, sau khi làm vài ngụm rượu cần của dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi, bày tỏ rằng, tuy nhìn chung đây là một sự kiện mang tính cách folklore phục dựng văn hóa truyền thống dân gian các dân tộc thiểu số, nhưng mọi người không diễn mà “nhập thần” một cách rất thiêng liêng như là chính lễ hội đang diễn ra. Như người đánh trống dân tộc Ba Na, trên sân khấu đêm khai mạc hay bên cây Nêu giữ nhịp cho điệu múa xoang, vẫn y nguyên một thần thái “cháy” hết mình vì nghệ thuật mang tính tín ngưỡng.

5.

Ba ngày diễn ra ngày hội, nói như Cơlâu Nghi, không thể nói cây nêu nào đẹp hơn, ẩm thực nào ngon hơn. Mỗi dân tộc một nét riêng, mỗi dân tộc có một hướng đi nhằm giữ được văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhling Mia cho rằng ngày hội đã trở thành cầu nối để nghệ nhân, diễn viên từ các tỉnh thành khắp mọi miền Tổ quốc mang đến những sắc màu văn hóa vùng cao. Với Tây Giang, đây là tiền đề để quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ tu, hình thành những sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và các dân tộc thiểu số khác. “Gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người, hẹn 2018 – kỷ niệm 15 năm tái lập huyện Tây Giang”, ông Bhling Mia bày tỏ.

Đường lên Tây Giang, nắng vàng ngập lối. Suối hát chim ca, núi biếc quanh ta, bát ngát bao la, non xanh rừng đầy hoa. Một đoạn ca từ bài hát “Tây Giang mùa hội mới” của nhạc sĩ Hoàng Bích, tổng đạo diễn chương trình “Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam”, như một cái níu áo để những ai vì “tương tư” đại ngàn đầy nắng gió này mà hoài mong một ngày sớm quay lại...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.