Đình Nam Thọ xuống cấp

.

Đình Nam Thọ (ở khu vực Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bị xuống cấp nhiều năm nay. Ban Khánh tiết và người dân làng Nam Thọ đã kiến nghị chính quyền và các cơ quan chức năng sớm quan tâm, đầu tư trùng tu đình Nam Thọ để bảo đảm an toàn cho ngôi đình, tránh nguy cơ sập mái vào mùa mưa sắp tới.

Theo ông Trần Văn Lự, Trưởng ban Khánh tiết đình Nam Thọ, mặc dù kiến nghị đã được gửi từ 4-5 năm nay, nhưng hiện vẫn chưa biết cụ thể đình làng có được đưa vào danh sách trùng tu của thành phố và thời gian trùng tu. Đình làng bị xuống cấp, mái ngói hỏng, gây dột gần như toàn bộ mái trước đình; nhiều rui, đòn tay, kèo, xuyên trính bị mối mọt, có nguy cơ bị gãy rụng. “Cứ mưa xuống thì trong đình nước chảy thành dòng từ mái ngói xuống. Do dột nhiều quá, mỗi lần trời mưa, gió lớn, Ban Khánh tiết phải kiểm tra và có biện pháp tạm thời để chống dột, đồng thời nâng đỡ tránh tình trạng rui, kèo bị mục mối, mọt có thể gãy xuống. Mùa mưa sắp tới, nếu không được trùng tu kịp thời, nguy cơ sụp đổ mái rất lớn. Nếu sụp đổ mái, dẫn tới hệ thống long-ly-quy-phượng trên mái đổ sập xuống thì nguy cơ bảo tồn giá trị nguyên vẹn của đình sẽ rất khó khăn và phức tạp”, ông Lự nói.

Đình Nam Thọ được xây dựng cách đây gần 500 năm (theo sử liệu nghiên cứu là ngày 12-6 năm Canh Ngọ 1690), cùng với việc thành lập xã hiệu Nam An nay là Thọ An, phường Thọ Quang. Đây là nơi tôn nghiêm thờ phụng chư vị tiền bối và hậu bối của nhiều chư phái tộc để tưởng niệm tiền nhân công đức. Ban đầu, ngôi đình được làm bằng tranh, có 4 mái, gỗ cột thắt bằng dây mây. Năm 1714, ngôi đình dựng lại tại Trảng Dài Cây Me, đến năm 1720 chuyển sang Vũng Chấp, xứ Nam Thọ. Năm 1937, nhân dân góp công, của để sửa chữa, xây dựng lại phần hậu tâm, nâng cao lợp ngói, tường làm bằng đá vôi; năm 1966 xây thêm phần tiền đình.

Mái ngói bị dột, rui bị mục tại đình làng Nam Thọ.
Mái ngói bị dột, rui bị mục tại đình làng Nam Thọ.

Đình Nam Thọ xây dựng theo kiến trúc tôn giáo, có 3 gian 2 chái, chính diện có hai cột làm bằng gỗ mít. Trên hai bàn thờ có 2 bài vị ghi hai chữ “Long phi” bên tả, “Phụng võ” bên hữu. Trong đình thờ thần hoàng, hai vị tiền hiền Trương Công Bậc và Nguyễn Hữu Chỡ. Đình có 35 sắc phong của các triều vua, là di tích đình làng có nhiều sắc phong nhất hiện nay so với các di tích cấp thành phố; có sân rộng, tường rào bao bọc, trước có bức bình phong, cổng lớn và hai cổng nhỏ, trong khuôn viên của đình có hai ngôi mộ tiền hiền. Ngày 12-6 âm lịch hằng năm được chọn là ngày lập làng, cũng là ngày cầu cho quốc thái dân an. Ngày 2-8 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tiền hiền. Đình Nam Thọ được UBND thành phố công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” năm 2000 và “Di tích kiến trúc nghệ thuật” năm 2006.

Theo bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, đình Nam Thọ là di tích cấp thành phố, đến nay đã bị xuống cấp. Do vị trí gần biển nên chịu tác động của hơi nước biển (có muối mặn) nên mức độ xuống cấp nhanh hơn. Mùa mưa sắp đến, nếu không có giải pháp trùng tu kịp thời, nguy cơ sập mái rất lớn. UBND phường Thọ Quang mong muốn các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng sớm đầu tư trùng tu để bảo đảm an toàn, vững chãi cho ngôi đình.

Theo Sở Văn hóa-Thể thao, vừa qua sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế di tích đình Nam Thọ; qua đó ghi nhận thực trạng xuống cấp của ngôi đình này, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư bổ sung vốn chuẩn bị đầu tư 6 tháng cuối năm 2017. Song, đề nghị này không được chấp nhận nên sẽ đăng ký vốn chuẩn bị đầu tư năm 2018 và triển khai trùng tu năm 2019. Theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020”, đình Nam Thọ được đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư từ năm 2018 (50 triệu đồng), năm 2019 (950 triệu đồng) và năm 2020 (240 triệu đồng).

Cũng theo đại diện Sở Văn hóa-Thể thao, do một số di tích có mức độ xuống cấp nghiêm trọng hơn, nên ưu tiên được đầu tư trùng tu trước để tránh nguy cơ bị biến dạng di tích. Theo đó, năm 2017 đã hoàn thành trùng tu các di tích đình Thanh Khê, đình Mỹ Khê, di tích Lăng Ông Kim Liên và đang triển khai gần hoàn thành đình Hòa Khương, Miếu Hàm Trung, chuẩn bị triển khai đình Thanh Vinh.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.