Gìn giữ nét chữ xưa

.

Đến Tuần lễ sách Sơn Trà năm 2017, nhiều người ngạc nhiên và thích thú xem gian trưng bày của CLB Hán Nôm Sơn Trà. Tại đây, có những phiên bản tác phẩm bằng chữ Hán của danh tướng Lý Thường Kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh..., có những văn bản cổ thể hiện Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ lâu đời...

CLB Hán Nôm Sơn Trà trình diễn viết thư pháp và “cho chữ” tại Tuần lễ sách Sơn Trà 2017.
CLB Hán Nôm Sơn Trà trình diễn viết thư pháp và “cho chữ” tại Tuần lễ sách Sơn Trà 2017.

CLB Hán Nôm Sơn Trà được thành lập năm 2015 và bắt đầu dạy chữ Hán Nôm miễn phí từ ngày 15-10-2015. Lớp học được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 1 (đường Nguyễn Công Trứ) vào sáng thứ năm hằng tuần. Hiện lớp có 24 học viên, hầu hết là người cao tuổi, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí và một số bạn trẻ theo học. Ngoài quận Sơn Trà, một số người ở các quận khác trên địa bàn Đà Nẵng cũng thường xuyên đến lớp hằng tuần.

Đến với lớp học này, người già hay người trẻ đều mang trong mình niềm say mê học chữ. Ông Nguyễn Văn Bán ở phường Thạch Thang (quận Hải Châu) dẫu nhà xa, sức yếu nhưng rất bền bỉ đến lớp “học chữ thánh hiền” và trở thành một trong những người chăm chỉ nhất lớp. Theo ông Bán, phải học chữ Hán Nôm để có thể đọc và sử dụng các tác phẩm, tài liệu của tổ tiên để lại. Còn bà Võ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường An Hải Đông dù bận công tác nhưng vẫn miệt mài theo lớp. “Tham gia lớp học để vừa hiểu biết chữ Hán, vừa làm gương cho con cháu về tinh thần hiếu học”, bà Hiền chia sẻ.

Mỗi buổi học, các học viên luôn chăm chú đi đúng giờ, các giáo viên chuẩn bị giáo án công phu để duy trì lớp. Đặc biệt, Ban chủ nhiệm CLB còn mời nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Thúc Hồng ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) hằng tháng đến hướng dẫn kỹ thuật viết thư pháp bằng chữ Hán. Anh Nguyễn Trung Tranh, học viên của lớp chữ Hán Nôm thổ lộ: “Nhờ được học, nhiều học viên đến các đình, chùa, nhà thờ đã có thể đọc được các chữ “Triệu thủy”, “Quang tông diệu tổ”, “Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên/Cao mộc thiên chi do nhất bổn”... và càng hiểu, càng yêu thêm lịch sử dân tộc”.

Đảm nhiệm giảng dạy lớp học này có 5 giáo viên đều đã cao tuổi và giàu tâm huyết. Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Lai, 70 tuổi, Chủ nhiệm CLB kiêm giáo viên trực tiếp giảng dạy tâm sự: “Quá trình chuẩn bị giáo án và giới thiệu bài giúp kiến thức của chính mình nâng lên. Tôi cảm thấy phấn khởi khi có nhiều người còn ham thích học chữ Hán Nôm”. Các thầy khác như Trần Đình Toàn, Nguyễn Ngô, Lê Thọ Truyền, Nguyễn Ôn cũng gắn bó với CLB từ ngày đầu thành lập. Bất kể tuổi cao sức yếu, các thầy luôn toàn tâm toàn ý hướng dẫn học chữ Hán Nôm, khắc phục mọi khó khăn để duy trì đều đặn hoạt động CLB. Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Trần Đình Liễn cho rằng, đây là mô hình thiết thực về xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn loại chữ viết từng thịnh hành một thời kỳ dài trong lịch sử Việt Nam.

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chữ Hán Nôm là loại chữ viết có sớm nhất, lâu đời nhất, sở hữu số lượng tư liệu lớn nhất, đề cập đến mọi phương diện của Việt Nam trong quá khứ như ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, triết học, mỹ thuật, nghệ thuật...

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM - CVT

;
.
.
.
.
.