Những "điểm tựa" thời gian

.

Rời khu phố An Cư, rời làng Phước Thuận, làng Phong Nam, vùng biển Nam Thọ, rưng rưng trong chúng tôi là những mái đầu bạc trắng, những đôi bàn tay chi chít vết đồi mồi. Chợt nghĩ, một ngày, những người già trong khu phố, thôn làng lần lượt không còn, lớp trẻ biết nương tựa vào ai? Họ có mặt ở đó như những cây cổ thụ vững chãi với thời gian - những điểm tựa vô hình mà hữu hình, nắm giữ biết bao nhiêu ẩn giấu của cuộc sống...

Nhân vật chính trong các lễ hội của làng biển là các bậc cao niên. 			           Ảnh: Q.TRANG
Nhân vật chính trong các lễ hội của làng biển là các bậc cao niên. Ảnh: Q.TRANG

1. Gần 20 năm gắn bó với công việc trợ tang ở khu phố, ông Phạm Văn Nhì - Trưởng ban trợ tang khu dân cư An Cư 3, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà trở thành “người nhà” của bà con làng trên xóm dưới bởi nhà ai có việc tang, ông đều đến trước tiên. Ông đưa tôi đến nhà kho, nơi vừa là trạm dân phòng, vừa là nơi họp hành của một vài tổ dân phố của khối An Cư 3.

Trong kho, một góc riêng dành để trống, chiêng, cờ, quạt. Ánh mắt lướt qua những chật hẹp, ngổn ngang của đồ đạc, như có chút gì rưng rưng, khi tháng năm qua vội để những người cùng thời với ông đã thưa vắng đi nhiều, ông bảo, lớp già sinh những năm 30 giờ chỉ còn ông và ông Trần Văn Điền (người giữ kho, nay đã bị điếc) là còn lừng khừng trên cõi đời này.

Dù hiện nay mắt mũi kém hẳn, chân cẳng đi lại khó khăn, nhiều lần muốn nghỉ nhưng hễ có đám cần đến mình, ông ngồi yên không đặng. Lúc đó, ông Nhì sẽ cùng ông Điền-người bạn già của mình mở kho lấy trống, chiêng, cờ và rồi túc trực ở tang lễ cho đến ngày người qua đời được đưa đi an táng.

“Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên mình cũng muốn cùng với gia đình đưa người quá cố một đoạn. Chỉ khổ ngày xưa có 5,7 ông thì chia nhau ra đánh trống, chiêng, giờ còn mỗi 2 ông, “oánh” không nổi”, ông Nhì thổ lộ. Những năm gần đây, khi dịch vụ mai táng thịnh hành, công việc của các ông ở ban trợ tang có giảm đi ít nhiều nhưng hễ nghe nhà nào có đám, ông vẫn quần áo chỉnh tề có mặt trước tiên, hỏi thăm tận tình và chung tay giúp việc, dù không còn đóng “vai chính” nữa.

2. Về làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hỏi ông Nghĩa viết nhật ký làng thì già trẻ đều nhanh nhảu: “Muốn biết gốc tích hay bất cứ điều gì về làng này, cứ hỏi ông Nghĩa. Hồi trước có nhiều đoàn khách Tây về tham quan làng, phải qua hỏi ổng hết…”.

Ông là Ngô Văn Nghĩa năm nay 74 tuổi- nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong Nam. Trong căn nhà đơn sơ của người đảng viên cao tuổi mẫn cán, góc quý giá nhất chính là nơi ông cất giữ những tư liệu về làng. Khách du lịch, người nghiên cứu sử hay sinh viên muốn tìm hiểu về mảnh đất có bề dày văn hóa bậc nhất nhì Quảng Nam – Đà Nẵng một thời này tìm đến nhà ông sẽ được tường tận. Và có lẽ, đã thành thói quen, cứ hễ gặp khách, ông Nghĩa khó lòng kiểm soát được niềm tự hào về nơi đã sinh ra.

Rằng Phong Nam vốn chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời. Phong Lệ là quê hương của Ông Ích Khiêm, trước kia làng có tên gọi là Đà Ly. Tên gọi Đà Ly hiện vẫn còn trong trí nhớ của nhiều dân làng và còn lưu lại trong một số giấy tờ, gia phả của các tộc họ trong làng.

Xưa, con sông Cầu Đỏ chỉ là con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua và chưa phải là ranh giới của làng. Sau này, người ta gọi phần đất ở phía nam con sông là Phong Lệ Nam, phần ở phía bắc là Phong Lệ Bắc, sau nói gọn dần thành Phong Nam và Phong Bắc. Đến khi con sông được chọn làm ranh giới xã thì Phong Nam thuộc xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), còn Phong Bắc thuộc quận Cẩm Lệ…

Phong Nam xưa là vùng đất giàu truyền thống, nay là điểm đến yên bình, là nơi diễn ra lễ hội Mục đồng độc đáo… Ông Nghĩa cứ liên hồi kể về làng như thể không còn cơ hội thứ hai. Ông chia sẻ rằng bản thân may mắn từng làm thư ký của ông Ngô Viêm – một người nổi tiếng giỏi Hán – Nôm, lịch sử làng Phong Lệ và được ông Viêm tin tưởng truyền lại toàn bộ tư liệu, văn tự cổ về làng.

Đối với ông Nghĩa, những tư liệu do bậc tiền bối để lại chẳng khác nào “báu vật”, vì vậy, tất cả đều được ông sao chép, dịch thành nhiều bản để lưu giữ, tận dụng mọi cơ hội trao truyền cho thế hệ trẻ, quảng bá với du khách gần xa. Đặc biệt, không chỉ lưu giữ những dấu xưa tích cũ, ông Nghĩa còn viết nhật ký về những sự kiện trọng đại, đáng nhớ của làng ngày nay những thế hệ sau ông, những người yêu nguồn cội có thể dựa vào đó tìm hiểu về làng…

Người trông đình - lão nông Phước Hoàng lo lắng vì mái đình Phước Thuận đã bị bể dột nhiều năm.     Ảnh: T.Tân
Người trông đình - lão nông Phước Hoàng lo lắng vì mái đình Phước Thuận đã bị bể dột nhiều năm. Ảnh: T.Tân

3. Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về ngôi làng được xem là giàu có nhất về văn hóa biển của miền Trung trên địa bàn quận Sơn Trà - làng Nam Thọ. Đến làng thời điểm này là đã nhỡ mất dịp tham dự lễ hội đặc sắc nhất của làng-lễ Cầu ngư (được tổ chức vào ngày 26 tháng 2 âm lịch hằng năm), thế nhưng chuyến đi không uổng phí bởi chúng tôi được mở mang nhiều từ những câu chuyện được kể bởi các lão ngư.

“Trước đây, các chiến sĩ cách mạng hoạt động trên bán đảo Sơn Trà, một số khác dùng lăng Ông làm nơi tiếp tế lương thực và qua mặt bọn giặc. Sau đó, họ bị phát hiện, lăng bị giặc phá bỏ, mãi đến năm 1996, mới được trùng tu. Đến giờ, trong lịch sử của làng vẫn còn lưu tên hơn 100 chiến sĩ cách mạng hoạt động ở đây”, một lão ngư kể. Những bậc cao niên thay nhau say sưa kể, từ những chuyện nhuốm màu truyền thuyết đến những chuyện xung quanh cuộc sống của người dân miền biển…

Những câu chuyện đầy sống động này hẳn chỉ những “pho sử sống” của làng mới lưu giữ chứ không sách vở nào ghi chép lại. Họ còn khoe với chúng tôi những tấm ảnh tư liệu về lễ hội cầu ngư hoành tráng mỗi năm của làng được báo chí đăng tải hoặc do người địa phương lưu trữ và trong các bức ảnh ấy, người già luôn chiếm đa số. Họ xúng xính áo dài khăn đóng, kiệu rước nghinh ông...

Ngư dân trẻ, trung niên xuất hiện không nhiều, thường chỉ đóng vai trò phụ việc. Một lão ngư không kiềm tiếng thở dài: Trước đây, ông bà làng biển này mỗi năm có tới 3 lễ cúng quan trọng là lễ Cầu bông (các ông đồng đội mũ bông than khóc cầu xin trời đất phù hộ cho nghề biển của làng), lễ Cầu ba (lễ nông nghiệp, cầu xin thần linh cho nông dân được mùa), và lễ Cầu ngư.

Về sau này, chúng tôi chỉ còn giữ được lễ Cầu ngư vì Cầu bông thì không còn ông đồng nữa, đất nông nghiệp cũng không còn nên lễ Cầu ba cũng không có. Giờ chỉ cầu ngư để tôm cá được mùa. Tuy nhiên, số dân gốc người Đà Nẵng còn bám biển giảm nhiều, chủ yếu là lao động ngoài tỉnh. Cho nên thanh niên trai tráng không mấy mặn mà và cũng không mấy người có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng…

4. Người trông coi ngôi đình Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nổi tiếng một thời với câu thơ truyền khẩu: “Đi vô trông đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”, tất nhiên cũng lại là một bậc cao niên. Ông Trần Phước Hoàng, lão nông yêu thơ phú đảm nhiệm công việc trông đình đã hơn 10 năm nay.

Cũng đã hơn 10 năm ông Hoàng chọn cái chòi tạm bợ trên đường đi vào đình là nơi đi về. Cũng như ngôi đình vào hàng lâu đời bậc nhất của đất Hòa Vang, nay đã xuống cấp nhiều, cái chòi của người trông đình cũng xập xệ, cũ kỹ. Song, điều đó dường như chẳng làm ông Hoàng bận tâm mấy, như việc ông trông coi đình gần như không công. Mỗi ngày, ông Hoàng vẫn lặng lẽ lau chùi, quét dọn trong, ngoài đình, cất giữ sắc phong, tranh ảnh, tư liệu về đình và các lễ tiết diễn ra tại đình như người ta chăm con mọn. Thời gian còn lại ông dành cho niềm vui với thơ. Những câu thơ mộc mạc nhưng chan chứa cả tấm lòng, tình yêu quê hương, làng nước:

“La Qua, Phước Thuận mái đình
Long chầu hổ phục mãi in tiếng đồn
Cây đa cổ vẫn còn dấu tích
Mái ngói xưa khắng khít bên nhau

Sắc vua ban niên hiệu còn đây
Dựng xây con cháu mai này
Luôn ghi ấn tượng ngất ngây lòng người”.

Rời khu phố An Cư, rời làng Phước Thuận, làng Phong Nam, vùng biển Nam Thọ, rưng rưng trong chúng tôi là những mái đầu bạc trắng, những đôi bàn tay chi chít vết đồi mồi. Chợt nghĩ, một ngày, những người già trong khu phố, thôn làng lần lượt không còn, lớp trẻ biết nương tựa vào ai?

THANH TÂN – QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.