Tác phẩm nghệ thuật từ rác biển

.

Chất thải không được xử lý đang được thả tự do vào vùng biển ngoài khơi bờ biển Lebanon, giết chết sinh vật biển, tạo nên sự ô nhiễm khắp Địa Trung Hải. Vấn đề này đang gây ra sự phẫn nộ của công chúng. Hiện nay, theo kế hoạch của chính phủ sở tại, công nhân bắt đầu loại bỏ hàng tấn rác thải đổ vào Beirut, thành phố lớn nhất của Lebanon để chấm dứt một cuộc khủng hoảng kéo dài tám tháng qua, gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Angela Haseltine Pozzi dưới tác phẩm “Vòng luân chuyển của đại dương” trong một cuộc triển lãm của chương trình “Vật thể trôi vào bờ biển”.
Angela Haseltine Pozzi dưới tác phẩm “Vòng luân chuyển của đại dương” trong một cuộc triển lãm của chương trình “Vật thể trôi vào bờ biển”.

Những năm qua, rất nhiều nghệ sĩ đã thực hiện tác phẩm của mình bằng chất liệu rác thải tấp vào bờ từ biển. Một thiết kế nghệ thuật trên bãi biển Botafogo ở Rio de Janeiro, Brazil cho thấy những con cá khổng lồ được làm từ chai nhựa bỏ đi. Câu khẩu hiệu ngắn mang theo lời nhắc nhở đặt bên cạnh “Hãy tái chế thái độ của bạn”. Đây là tác phẩm điêu khắc được tạo ra nhằm nâng cao nhận thức cho hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển môi trường đang nhóm họp tại Brazil.

Cá voi - làm bằng rác biển của Haseltine Pozzi.
Cá voi - làm bằng rác biển của Haseltine Pozzi.

Nghệ sĩ người Pháp Bernard Pras, người biết đến rộng rãi qua các tác phẩm sắp đặt được thực hiện bằng cách lắp ghép những vật liệu từ rác thải đã biến rác thành kho báu. Tác phẩm “Thông điệp màu xanh” là bản chép lại bức tranh “Sóng thần” nổi tiếng thế giới của họa sĩ Nhật  Hokusai, nếu  nhìn kỹ sẽ thấy, tác phẩm được hình thành từ giấy vệ sinh, lon soda đến lông vũ và lông chim.

Nhưng trong việc lấy rác biển làm tác phẩm lên tiếng cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường thì Angela Haseltine Pozzi, người sáng lập chương trình Washed Ashore (tạm dịch: Vật thể tấp vào bờ) đã tạo ra các khái niệm cho tác phẩm điêu khắc bằng vật thải. Sau khi người chồng của Angela Haseltine Pozzi qua đời, cô chuyển nhà từ tiểu bang Washington đến Bandon, Oregon, nơi cô đã dành mùa hè khi còn nhỏ. Tại những bãi biển gồ ghề, tuyệt vời, cô đã thấy tràn ngập rác thải với vô số mảnh vỡ, đặc biệt là những mảnh nhựa nhỏ. Pozzi nói: “Mọi khi, muốn chữa lành bệnh tật, tôi đã tìm đến đại dương và bây giờ, tôi thấy rằng đại dương cũng cần chữa bệnh”.

Cá khổng lồ - làm bằng vỏ chai nhựa trên bờ biển ở Rio de Janeiro, Brazil.
Cá khổng lồ - làm bằng vỏ chai nhựa trên bờ biển ở Rio de Janeiro, Brazil.

Nghiên cứu của cô cho thấy các mảnh vụn thải xuống biển là một vấn đề lớn gây nguy hiểm cho cuộc sống đại dương. Cô tự hỏi có thể làm điều gì đó giúp cứu đại dương? Từ đó, Haseltine Pozzi và nhóm tình nguyện viên của cô đã thu được 14 tấn mảnh vụn, đa phần nhựa, từ bãi biển dài 300 dặm và đã sử dụng hầu hết để xây dựng 69 tác phẩm điêu khắc, nhiều trong số đó được trưng bày trên khắp đất nước.

Thủy cung Mystic là một hồ cá ở Mystic (bang Connecticut, Mỹ) là một trong ba cơ sở của Hoa Kỳ có sư tử biển Steller và có cá voi beluga thuộc vùng biển New England. Nơi đây đã trưng bày hai mươi trong số những tác phẩm điêu khắc từ bộ sưu tập “Washed Ashore” của Haseltine Pozzi. Các tác phẩm điêu khắc bao gồm một hải quỳ biển khổng lồ được tạo thành từ các chai nước nhựa nhồi với bọt rửa trôi trên bờ; 15 con sứa biển, sư tử biển, rạn san hô, rùa biển… Các tác phẩm điêu khắc được làm từ túi nhựa và chai, đồ chơi trên bãi biển, ghế bãi cỏ, dây thừng hàng hải, bóng tennis, lon kim loại, nắp đậy, ống, vòi, gỗ nhỏ và lốp, vỏ chai dầu gội đầu và kem chống nắng. Thậm chí có cả bàn chải đánh răng, bật lửa thuốc lá, núm vú giả…

Người đàn ông Lebanon đi nhặt rác trên bờ biển.
Người đàn ông Lebanon đi nhặt rác trên bờ biển.

Sử dụng các mảnh vụn là quá trình sử dụng nhiều công lao động. Nhóm tình nguyện viên làm sạch, chà và khử trùng vật liệu và sau đó cắt, khoan và buộc chúng vào tác phẩm điêu khắc. Là giám đốc điều hành, giám đốc nghệ thuật và nhà thiết kế chương trình Washed Ashore, Pozzi làm việc 14 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và các cuộc triển lãm được thiết kế, trưng bày,  không chỉ để giáo dục mọi người về vấn đề mà còn thúc đẩy họ hành động. “Trên đường trở về nhà, hãy nhặt lấy một số rác trên đường đi. Đó là điều tốt nhất đối với chúng tôi”, cô nói.

Haseltine Pozzi hy vọng rằng người dân ở các nước khác sẽ tạo ra phiên bản Washed Ashore của chính họ. “Tôi luôn nghĩ rằng đây là một cuộc triển lãm nghệ thuật về bệnh dịch, nó gây cảm hứng cho nhiều người quan ngại đến môi trường, như vậy chúng ta sẽ thu được nhiều rác thải từ những bãi biển và việc làm này hẳn sẽ tăng nhận thức trên bình diện quốc tế nhiều hơn. Đó là mục đích cuối cùng của chúng tôi”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo Pressherald)

;
.
.
.
.
.