Nơi tiếp biến hai nền văn hóa Chăm - Việt

.

Nam Ô, ngôi làng nằm nép mình bên ghềnh sóng không chỉ ấn tượng với nghề nước mắm truyền thống mà còn là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, minh chứng cho sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.

Lăng Ông Nam Ô còn lưu lại nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này.
Lăng Ông Nam Ô còn lưu lại nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này.

Theo chân ông Đặng Dùng, một cư dân sống lâu năm tại địa phương, được mệnh danh là “người chép sử Nam Ô”, chúng tôi có dịp tìm hiểu về những di tích văn hóa, lịch sử còn lưu giữ tại vùng đất này. Đó là các giếng nước Chăm, miếu Âm Linh, đền thờ Huyền Trân Công chúa, Lăng Ông Nam Ô. Mỗi di tích là câu chuyện kể về đất và người Nam Ô.

Ông Dùng cho biết, không rõ làng Nam Ô có từ khi nào, nhưng có thể khẳng định chủ nhân xưa của nó là những người Chăm sống bằng nghề đi biển. Cách đây hơn 7 thế kỷ, vùng đất này vẫn thuộc châu Ô của Vương quốc Chămpa. Minh chứng rõ nhất tại đây là những giếng nước theo kiến trúc thành vuông của người Chăm và đến nay người dân vẫn dùng nước ở giếng này trong sinh hoạt. Cách giếng nước này vẫn còn dấu tích tháp Chăm Xuân Dương như kết luận của các nhà khảo cổ trong đợt đào khai quật thám sát vào năm 2015 do Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành, phát hiện được móng tháp và nhiều gạch Chăm. Khi đó, tiến sĩ Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Lịch sử khảo cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, trong hệ thống tháp Chăm dọc miền Trung được xây dựng ven biển thì vị trí xây dựng của Xuân Dương rất đặc biệt. Bởi đây là tháp được người Chăm xây dựng gần biển nhất, đồng thời trấn giữ và nhìn ra cửa Hàn. Ngoài chức năng là đền thờ, tháp Chăm được xem như ngọn hải đăng để định hướng đi biển của người Chăm, nên nó được xây dựng với quy mô khá to lớn.

Tại làng Nam Ô, đền thờ Huyền Trân Công chúa cùng câu chuyện lịch sử đi vào lòng bao thế hệ nơi đây. Chuyện là vào năm 1307, hoàng hậu Chămpa là Huyền Trân, công chúa Đại Việt đã trở thành góa bụa khi nhà vua băng hà. Triều đình nhà Trần sai tướng Trần Khắc Chung vào tận kinh đô nước Chăm giải cứu bà thoát khỏi dàn thiêu theo tập tục Chămpa. Trên đường thoát hiểm, bị vây đuổi nên đoàn vào lánh nạn tại Nam Ô, chờ ngày về Đại Việt. Người dân vùng đất này tôn kính và lập miếu thờ bà.

Sau này, cuộc di dân về phía Nam đã đưa bộ phận cư dân Đại Việt đến sinh sống tại làng này và hành nghề đi biển với tập tục thờ Cá Ông. Cha ông của làng truyền lại, Lăng Ông Nam Ô được xây dựng từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802), ngay trên nền đền thờ Hải thần của người Chăm. Lúc đầu, lăng có kiến trúc sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay được sửa chữa, gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m.

Giá trị đặc biệt của Lăng Ông Nam Ô là còn lưu lại nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này. Trong đó phải kể đến đòn tay ở chánh điện có hàng chữ lưu ký ghi Tự Đức nguyên niên, nơi hậu tẩm còn thờ một bài vị cổ ghi danh hiệu “Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần”, biển sắc “Long ngự chính trung” (tạm dịch Vua biển ở đây) trước tiền đình (khoảng năm 1934) và bức hoành Trạch Tuyết Linh (loài linh thiêng nhất trên vùng biển) vào khoảng năm 1851. Di tích Lăng Ông ở Nam Ô hiện đang thờ cúng khá nhiều cốt Ông, xếp đầy trong 20 thạp và trong sân hiện đang chôn một cá Ông khi ngài “lụy” (chết) cách đây 2 năm và dân làng chờ đủ 3 năm mới mang cốt vào thờ.

Bên cạnh giá trị văn hóa, làng Nam Ô còn có Dinh Cô Hồn còn được gọi là Miếu Âm Linh minh chứng dấu ấn lịch sử của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ngôn truyền qua các thế hệ bô lão thì trong các trận chiến chống quân Pháp tại cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô và Trấn biển Cu Đê cùng dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo. Tại Miếu Âm Linh có khá nhiều những dòng chữ đầy bi hùng như: Sa trường điếu cổ (Thương xót người xưa chết trên sa trường), Thiên thu hiển hách, Giai di tứ hải anh hùng, Trung quân hề ái quốc... được ghi từ thời Tự Đức và Thành Thái.

Nhiều năm nay, ông Đặng Dùng liên tục đi khảo cứu, sưu tầm, viết lại thật nhiều những câu chuyện dân gian, những di tích để mong lưu giữ tài sản quý giá bao đời của cha ông để lại. Bởi theo ông, Nam Ô là vùng đất còn lưu giữ những giá trị văn hóa, minh chứng cho sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt. Ông Đặng Dùng không khỏi nuối tiếc khi một mai làng quê Nam Ô chỉ còn trong ký ức. “Tiếc nhất là quần thể di tích tại đây gồm Lăng Ông, Miếu Âm Linh nằm trong vùng giải tỏa thuộc dự án khu du lịch Nam Ô. Bởi di tích không thể “sống” nếu tách khỏi việc phát huy giá trị, cách ly với cộng đồng thực hành tín ngưỡng tại di tích đó”, ông Dùng chia sẻ.

Trao đổi thêm, ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, vì nằm trong vùng giải tỏa nên chủ đầu tư ban đầu có ý định di dời quần thể này về khu đất cuối đường Nguyễn Tất Thành, nhưng người dân muốn giữ nguyên hiện trạng. Do đó, sau nhiều lần họp bàn, lãnh đạo quận và chủ đầu tư dự án đồng ý kiến nghị của người dân. “Còn giữ gìn và phát huy di tích cũng như thực hành tín ngưỡng của người dân trong thời gian tới, chúng tôi cũng đang chờ bố trí đền bù rồi mới tiến hành trùng tu và tìm ra phương án tốt nhất”, ông Hiếu nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.