Âm nhạc Đà Nẵng ở đâu trong lòng công chúng?

.

Trong các cuộc thi âm nhạc toàn quốc, Đà Nẵng luôn được giải thưởng cao; nhạc sĩ Đà Nẵng cũng có nhiều ca khúc, đặc biệt là những sáng tác về Đà Nẵng. Vậy tại sao âm nhạc Đà Nẵng chưa thể có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nhạc?

Đây là vấn đề được bàn luận nghiêm túc trong buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy với Hội Âm nhạc thành phố và các đơn vị liên quan vào ngày 17-11.

Nâng cao nguồn nhân lực âm nhạc để đáp ứng nhu cầu của công chúng là yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động âm nhạc của thành phố.  Trong ảnh: Các chương trình ca nhạc tại Nhà hát Trưng Vương phải nhờ có “sao” mới kéo khán giả đến rạp. Ảnh: THU HÀ
Nâng cao nguồn nhân lực âm nhạc để đáp ứng nhu cầu của công chúng là yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động âm nhạc của thành phố. Trong ảnh: Các chương trình ca nhạc tại Nhà hát Trưng Vương phải nhờ có “sao” mới kéo khán giả đến rạp. Ảnh: THU HÀ

Trải lòng về hoạt động biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng, ca sĩ Thanh Trà cho rằng, ca sĩ, nghệ sĩ Đà Nẵng hiếm có cơ hội xuất hiện trước công chúng, đa phần chỉ lặng lẽ biểu diễn ở các phòng trà. Dẫn chứng trường hợp của mình, ca sĩ Thanh Trà kể nhiều người gặp chị cứ hỏi: “Dạo này sao không thấy xuất hiện trên ti-vi”? “Cách đây nhiều năm, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (nay là VTV8), Đài Phát thanh- Truyền hình Đà Nẵng (DRT) thường phát chương trình ca nhạc về Đà Nẵng. Bây giờ ít và cắt hẳn thì đâu còn được lên ti-vi. Tôi chỉ còn cách tải những bài hát mình thể hiện lên các trang cá nhân để tương tác với khán giả”, ca sĩ Thanh Trà chia sẻ.

Trong khi đó, nhạc sĩ Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, bày tỏ những khó khăn của hoạt động sáng tác. Nhiều nhạc sĩ tâm huyết cho ra đời những đứa con tinh thần nhưng rồi sáng tạo ấy cũng nằm trong ngăn kéo bởi không có kinh phí dàn dựng tác phẩm, phổ biến tác phẩm đến với công chúng.

Nhiều ý kiến khác cũng nêu những bất cập của hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng như: chất lượng khán giả, năng lực của những giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các bậc học, mảng lý luận, phê bình âm nhạc thiếu và yếu...

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tìm ra nguyên nhân vì sao âm nhạc Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, có nguồn lực mà chưa đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố chia sẻ, sáng tác là nhu cầu tự thân của nhạc sĩ.

Người sáng tác viết nên ca khúc bằng tất cả sự rung động của trái tim thì mới chạm đến trái tim người nghe chứ không phải đợi đến các trại sáng tác, cuộc thi mới sáng tác. Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thôi, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cũng nhìn nhận, các sáng tác rất nhiều nhưng chỉ dừng lại ở những tác phẩm phổ thông, chưa đậm nét nghệ thuật, giai điệu không phong phú, ca từ như “vẽ bản đồ”. Nhiều ca khúc viết về Đà Nẵng đều vang lên những sông Hàn, Sơn Trà, các cây cầu, Bà Nà...

Tác phẩm tham gia Liên hoan Âm nhạc Nam-Trung bộ và Tây Nguyên năm 2017 của Hội Âm nhạc thành phố.
Tác phẩm tham gia Liên hoan Âm nhạc Nam-Trung bộ và Tây Nguyên năm 2017 của Hội Âm nhạc thành phố.

Từ những ý kiến trao đổi thẳng thắn của Hội Âm nhạc thành phố và các ngành chức năng liên quan, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng yêu cầu cần sớm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng hiện nay.

Trước hết, cần phải đào tạo đội ngũ làm âm nhạc có chuyên môn, bản lĩnh, đáp ứng nhu cầu phát triển âm nhạc bền vững, có chiều sâu về tư tưởng, nghệ thuật; đồng thời, tổ chức khảo sát thị hiếu, xu hướng hưởng thụ âm nhạc của công chúng để có những sáng tác phù hợp bởi công chúng mới là người quyết định và chắp cánh cho tên tuổi nhạc sĩ, ca sĩ bay xa.

Hội Âm nhạc cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đưa tác phẩm đến gần công chúng; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm chuyên sâu; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, phân loại, đánh giá lại năng lực giáo viên dạy nhạc tại các trường học...

“Thời gian qua, chúng ta đã thả nổi quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn và đào tạo âm nhạc cũng như những chương trình nghệ thuật âm nhạc. Nhiều tụ điểm âm nhạc, trung tâm dạy nhạc mọc lên nhưng việc kiểm soát chất lượng hoạt động ở những nơi này liệu đã bảo đảm? Tôi đề nghị phải nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và vai trò của hội đồng nghệ thuật trong vấn đề này. Điều này sẽ góp phần không nhỏ đến sự phát triển bền vững của âm nhạc thành phố”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng lưu ý.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.