Gắn đào tạo mỹ thuật với đời sống

.

Mấy chục năm qua, tổ Mỹ thuật (nay là khoa Mỹ thuật), thuộc Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (VH-NT) Đà Nẵng đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật tại Đà Nẵng; nhưng theo xu thế chung, việc tuyển sinh của khoa gặp nhiều khó khăn, buộc nhà trường phải đổi mới để thu hút thí sinh.

Tác phẩm Nhiễu - nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cơ thể từ các vật liệu tái chế lớn nhất Việt Nam của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật được công nhận kỷ lục Việt Nam.    	   										Ảnh: NGỌC HÀ
Tác phẩm Nhiễu - nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cơ thể từ các vật liệu tái chế lớn nhất Việt Nam của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật được công nhận kỷ lục Việt Nam. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhớ lại thời “hoàng kim” của mỹ thuật Đà Nẵng và cũng là thời điểm học sinh “xếp hàng” nộp hồ sơ vào trường, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, công tác 16 năm tại tổ Mỹ thuật đầy tự hào chia sẻ: khi đó, khóa đầu tiên sau khi tách tỉnh vào năm 1997, được đào tạo sơ cấp mỹ thuật trong vòng 4 năm vừa học văn hóa, vừa học mỹ thuật; sau đó mới tiếp tục thi vào hệ trung cấp 2 năm.

“Giai đoạn 1997 - 2008, họa sĩ sống được và có của ăn của để nhờ nghề, nhu cầu giáo viên mỹ thuật tại các trường học khá cao. Trường Trung cấp VH-NT khi ấy là một trong số ít trường trên địa bàn thành phố đào tạo mỹ thuật nên chúng tôi lựa chọn thí sinh chứ không ngồi chờ thí sinh lựa chọn như bây giờ”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ chia sẻ.

Tuy nhiên, tình hình tuyển sinh gần đây đã thay đổi. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VH-NT Phạm Văn Bố cho biết, nằm trong xu thế chung, những trường trung cấp, cao đẳng văn hóa khó tuyển sinh. Một trong những lý do là hiện nay có nhiều trường hệ đại học cả dân lập và công lập đều đào tạo VH-NT, trong đó có mỹ thuật, đồ họa..., cộng thêm tâm lý chuộng bằng cấp nên nhiều thí sinh chọn hệ đại học.

Trước tình hình đó, nhà trường phải đổi mới để thu hút thí sinh, đặc biệt khi trường được chuyển đổi từ hệ trung cấp lên cao đẳng vào tháng 5-2016.

Tác phẩm Nhiễu tại chương trình Mỹ thuật đường phố tháng 11-2017 thu hút đông đảo người dân đến chụp hình lưu niệm.
Tác phẩm Nhiễu tại chương trình Mỹ thuật đường phố tháng 11-2017 thu hút đông đảo người dân đến chụp hình lưu niệm.

Đến tháng 10-2016, khoa Mỹ thuật được thành lập và hiện đào tạo các chuyên ngành thuộc hệ trung cấp và cao đẳng như: Hội họa, Điêu khắc, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa và Sư phạm mỹ thuật. Hiện khoa có 5 giáo viên cơ hữu (4 thạc sĩ, 1 cử nhân) và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những họa sĩ, nghệ nhân có thâm niên.

Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật tâm sự: “Chúng tôi buộc phải tìm mọi cách thu hút thí sinh như cải tiến chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và từng bước đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất... để nâng cao chất lượng. Bản thân các giảng viên cũng tự khẳng định mình trong hoạt động chuyên môn mỹ thuật”.

Dẫn chứng điều này, họa sĩ Phan Thanh Hải cho biết, các giảng viên của khoa trở thành “gương mặt thân quen” của mỹ thuật Đà Nẵng với những sáng tạo nghệ thuật tăng về số lượng, chất lượng được giới chuyên môn đánh giá cao như:

Người lính thầm lặng (acrylic), Các anh về hàng đêm (acrylic), Mộng dưới hoa (acrylic), Trở gió (sơn dầu), Mẹ (lụa), Đêm lũ quét (collagraph), Cá (sơn mài) của Trần Hữu Dương; Trạng thái tâm lý (chất liệu tổng hợp), Giấc mơ của cha (printmaking 3D), Vị tướng huyền thoại (khắc gỗ) của Phan Thanh Hải; Chân dung (sơn mài), hay Bình minh trên bãi biển, Hội làng Túy Loan (sơn mài), Tĩnh vật, Vào thu (in tổng hợp) của Đặng Công Tuấn, Trẻ em Châu Phi, Con trai, Hạnh phúc bằng chất liệu mê-ka của Huỳnh Thị Thắng, Kéo co (composite), Hòa nhập (đá), Cung đàn (đá) của Phan Tiến Dũng...

Những sáng tác này cũng được tham gia các cuộc triển lãm tại địa phương, khu vực, toàn quốc và quốc tế, có những đóng góp quan trọng cho mỹ thuật thành phố Đà Nẵng và khu vực.

Bên cạnh đó, hai năm qua, hoạt động mỹ thuật đường phố được giảng viên và chính học sinh, sinh viên của khoa Mỹ thuật thực hiện trở thành điểm nhấn trong các hoạt động lễ hội, văn hóa dọc hai bên bờ sông Hàn theo chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng.

Năm 2017, hai đợt mỹ thuật đường phố gồm triển lãm tranh nghệ thuật, ký họa chân dung, tranh tường- tranh 3D, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cơ thể... thu hút đông đảo công chúng. Đặc biệt, tác phẩm Nhiễu - thuộc loại hình nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cơ thể từ các vật liệu tái chế, có tổng diện tích bề mặt trên 200m2, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa xác nhận là tác phẩm lớn nhất Việt Nam về thể loại này.

Những nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên trẻ, đầy nhiệt huyết, năng động, của khoa Mỹ thuật đang đáp ứng nhu cầu thực tế của công tác đào tạo mỹ thuật hiện nay. “Việc thẩm định chương trình mới cũng vừa hoàn thành xong nên mùa tuyển sinh 2017-2018, chúng tôi sẽ chính thức đào tạo hệ cao đẳng. Với việc nâng cấp hệ đào tạo, khoa Mỹ thuật sẽ thu hút được thí sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực mỹ thuật cho thành phố và khu vực”, họa sĩ Phan Thanh Hải kỳ vọng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.