Kết hợp tuyệt vời giữa lịch sử và lịch sử nghệ thuật

.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm vừa tổ chức ra mắt catalogue (bản tiếng Anh) với nhan đề “Vibrancy in stone - Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture” (Âm vang của đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng), kỳ vọng sẽ giới thiệu nét đặc sắc của hiện vật Chăm tại bảo tàng đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

Khách tham quan xem tập sách tại buổi ra mắt ngày 21-12.
Khách tham quan xem tập sách tại buổi ra mắt ngày 21-12.

Cuốn catalogue dày 300 trang, tập hợp những bức ảnh đẹp, tiêu biểu nằm trong bộ sưu tập về hiện vật điêu khắc Chăm của bảo tàng; đồng thời, tóm lược nghiên cứu trước đây về vương quốc Champa, giới thiệu những nhận định mới của các học giả Việt Nam và quốc tế về quá khứ Champa, hình tượng thổ thần (thần đất), đài thờ, bàn thờ, những điệu múa trong nghi lễ dâng cúng đồ vật cho thần Siva, ảnh hưởng của nghệ thuật Khơ-me đến văn hóa Chăm... cũng như mối quan hệ năng động giữa Champa với các dân tộc xung quanh, trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa, đặc biệt ở thế kỷ 12 và 13.

Giáo sư John K.Whitmore, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Michigan, tham gia viết sách này, nhận định: “Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa lịch sử và lịch sử nghệ thuật”.

Nói về sự ra đời tập sách, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm chia sẻ, cuối năm 1915, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng; đến giữa năm 1919, Henri Parmentier đã công bố tài liệu catalogue đầu tiên của bảo tàng trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đúng vào dịp khánh thành gian trưng bày đầu tiên của bảo tàng.

Từ đó đến nay đã 100 năm, một số hiện vật trong tập danh mục của Henri Parmentier đã bị thất lạc, hư hại hoặc đã di chuyển đi các bảo tàng khác, trong khi đó cũng có nhiều hiện vật mới được sưu tầm, bổ sung, công tác nghiên cứu, diễn giải về các hiện vật đã có nhiều phát triển.

Năm 2015, TS Peter Sharrock, phụ trách Chương trình nghiên cứu nghệ thuật Đông Nam Á của Đại học SOAS London (Anh) xúc tiến một dự án hợp tác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm dưới sự hỗ trợ tài chính của Alphawood Foundation để thực hiện một cuốn catalogue mới đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập bảo tàng (1915-2015). Qua 2 năm triển khai, dự án hoàn thành với tên gọi Âm vang của đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

TS Peter Sharrock cho rằng, các tác phẩm điêu khắc Chăm luôn luôn tràn đầy sức sống và thu hút người xem. Người Chăm rất tài hoa trong việc tạo ra kho tàng điêu khắc mang âm hưởng của đá rất đặc sắc. Có thể nói Chăm là nền văn hóa khá thành công và đầy tính sáng tạo về nghệ thuật điêu khắc trong thế kỷ V đến thế kỷ XV.

Vì thế, nghệ thuật của người Chăm cần được biết đến rộng rãi hơn nữa trên toàn thế giới. “Lâu nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là đơn vị bảo trợ quan trọng đối với nền văn hóa Chăm này và giới thiệu tác phẩm điêu khắc đến đông đảo người dân và du khách.

Chúng tôi tin chắc rằng, cuốn catalogue sẽ hỗ trợ hơn nữa cho sứ mệnh của bảo tàng trong lưu giữ, phát huy giá trị đặc biệt của nền văn hóa Chăm, đưa âm hưởng của các tác phẩm nghệ thuật đá này vang xa hơn”, TS Peter Sharrock gửi gắm.

Bà Narisa Chakrabongse, Giám đốc điều hành Nhà xuất bản River Books (Thái Lan) cho biết, 15 năm trước, lần đầu tiên tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bà đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật của các hiện vật trưng bày. Lần thứ hai trở lại cách đây 5 năm vẫn nguyên vẹn cảm giác ấy.

Vì thế, khi River Books được đề nghị thực hiện cuốn sách, bà vô cùng hồ hởi. Nhà xuất bản đã làm việc hết sức nghiêm túc, từ việc cử nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sang bảo tàng chụp hình đến liên kết các học giả đến từ nhiều quốc gia, nghiên cứu về văn hóa Chăm như: Pierre Baptiste, John K.Whitmore, John Guy, Pia Conti, Trần Kỳ Phương, Lâm Thị Mỹ Dung... để cho ra đời tập sách.

Bài và ành: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.