Quản lý nửa vời

.

Đà Nẵng có khá nhiều phòng trà, tụ điểm hát cho nhau nghe và nở rộ các lớp đào tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng chuyên môn ở những nơi này gần như bị bỏ ngỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đà Nẵng hiện có gần 10 phòng trà như: Tiếng Dương Cầm, Ánh Hà, Memory, Thanh Trà... Bên cạnh đó, các quán pub ở một số tuyến đường du lịch, tụ điểm hát cho nhau nghe cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong khi đó, thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), đội kiểm tra liên ngành các quận, huyện chỉ kiểm tra định kỳ, nhắc nhở về độ ồn và hoạt động biểu diễn bảo đảm thuần phong, mỹ tục... “Chúng tôi đã cung cấp đường dẫn danh mục các ca khúc được biểu diễn, quán triệt các nghị định liên quan đến chủ phòng trà chứ chẳng ai mỗi đêm đến phòng trà, ngồi từ đầu đến cuối để xem họ có hát những ca khúc trái quy định hay không hoặc chất lượng nghệ thuật như thế nào”, một chuyên viên của Sở VH-TT cho biết.

Tương tự, các lớp đào tạo nghệ thuật như thanh nhạc, organ, piano... mọc lên ngày một nhiều nhưng cũng chưa được đánh giá chất lượng. Trong vai phụ huynh đi đăng ký cho con học đàn organ tại một trung tâm năng khiếu trên địa bàn quận Thanh Khê, chúng tôi được biết các giáo viên tại đây đều có chứng chỉ chuyên ngành của bộ môn. Tuy nhiên, khi được hỏi có từng được các ngành chức năng liên quan kiểm tra, đánh giá năng lực của giáo viên hay không thì câu trả lời là không.

Đây cũng là vấn đề mà nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động từng đề cập và lo ngại vì không thiếu trường hợp giáo viên dạy nhạc tại các trung tâm và trường học lại không rành về âm nhạc. Đồng quan điểm, nhạc sĩ Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố băn khoăn khi một số chương trình nghệ thuật lớn lại không mời những người am hiểu chuyên môn trong Hội Âm nhạc thành phố thẩm định.

Các nhạc sĩ cho rằng, không chỉ các chương trình nghệ thuật lớn mà các buổi biểu diễn tại phòng trà, quán bar, thậm chí hát cho nhau nghe rồi đến các lớp dạy nhạc... cũng tác động đến thị hiếu thẩm mỹ của người dân về nghệ thuật. Mới đây, báo cáo của Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng chỉ rõ hiện còn khá phổ biến tình trạng một số đơn vị biểu diễn không có giấy phép, tự thay đổi nội dung biểu diễn, tình trạng “nhạc chế” sử dụng ca từ dung tục gây bức xúc trong dư luận. 

Tuy Đà Nẵng chưa diễn ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhưng tại buổi làm việc mới đây với Hội Âm nhạc thành phố và các sở, ngành liên quan, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng đã chất vấn về việc kiểm soát chất lượng dạy và biểu diễn âm nhạc tại các tụ điểm ca nhạc, trung tâm dạy nhạc; đồng thời đề nghị Sở VH-TT không thả nổi các hoạt động nghệ thuật trên địa bàn thành phố; yêu cầu Sở VH-TT phối hợp với Sở GD-ĐT đánh giá, phân loại lại giáo viên dạy nhạc, nâng cao vai trò của Hội đồng nghệ thuật trong thẩm định các chương trình nghệ thuật.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.