Đầu tư văn hóa theo chiều sâu

.

Trên nền tảng đầu tư thiết chế của những năm trước, trong năm 2017, thành phố Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện một số thiết chế và hướng đến đầu tư văn hóa theo chiều sâu.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hiện đại, khang trang thu hút khá đông người dân.
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hiện đại, khang trang thu hút khá đông người dân.

Tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa

Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tham mưu UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ngoài các thiết chế VH-TT do sở quản lý thì hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động cũng được định hướng đầu tư xây dựng.

Về thiết chế văn hóa cơ sở, hiện 7/7 trung tâm VH-TT quận, huyện đã hoàn thành xong phần quy hoạch và bố trí đất để xây dựng công trình và đang được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Cả thành phố có 28/56 trung tâm VH-TT/nhà văn hóa xã, phường được đầu tư (chiếm 50%).

Các thiết chế đã được đầu tư, trùng tu trước đó như Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử… phát huy sự năng động trong hoạt động chuyên môn, tổ chức nhiều sự kiện thu hút người dân và du khách.

Bảo tàng Đà Nẵng ước đón 200.000 lượt khách tham quan, tăng 154% so với năm 2016; Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 307.000 lượt khách, tăng 3,4% so với năm 2016; Bảo tàng Mỹ thuật ước đón khoảng 12.000 lượt khách. Tổng số lượt bạn đọc, mượn sách tại Thư viện Tổng hợp ước cả năm 785.388 lượt, tăng 259,2% so với năm 2016…

Đặc biệt, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quan tâm. Trong năm 2017, UBND thành phố phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia Hải Vân quan và được Bộ VH-TT&DL công nhận ngày 14-4-2017.

Đồng thời, Sở VH-TT tham mưu xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải trình UBND thành phố gửi Cục Di sản văn hóa và Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt. Cùng với đó, tham mưu UBND thành phố tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải.

Theo đó, đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố có chủ trương di dời giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía bắc và phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải thành hai gian đoạn (giai đoạn 1 từ 2017-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2021). Trong mỗi giai đoạn đều có kế hoạch kỹ lưỡng trong việc thu thập dữ liệu, tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia…

Bảo tàng Điêu khắc Chăm mỗi ngày đón nhiều khách nước ngoài tham quan.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm mỗi ngày đón nhiều khách nước ngoài tham quan.

Chú trọng xây dựng con người văn hóa

Bên cạnh đầu tư và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, năm 2017, thành phố chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa. Trước hết, thành phố đổi mới trong bình xét các danh hiệu văn hóa thông qua ban hành Bộ tiêu chuẩn bình xét, bảng đăng ký và bảng chấm điểm các danh hiệu văn hóa giai đoạn 2017 - 2020. Bộ tiêu chuẩn quy định rõ tiêu chí bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì phải gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; chăm lo phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần. Bộ tiêu chuẩn bình xét công nhận “Gia đình văn hóa” còn quy định rõ từng trường hợp bị điểm liệt và điểm thưởng.

Đặc biệt vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa để hoàn thiện đề tài khoa học “Lối sống Đà Nẵng” nhằm nghiên cứu chuyên sâu, xác định lối sống Đà Nẵng hiện nay, đề ra các giải pháp thực tiễn để xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn.

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng có buổi làm việc với các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lực lượng văn nghệ sĩ, tìm giải pháp thúc đẩy sự sáng tạo, đóng góp của đội ngũ này đối với phát triển văn hóa của thành phố.

NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố cho rằng, lĩnh vực văn hóa thành phố có dấu hiệu tích cực, dẫn chứng là hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ trên 9 lĩnh vực chuyên ngành từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn học, sân khấu… diễn ra sôi nổi, đạt nhiều thành tích tại các hội thi, liên hoan trong khu vực và toàn quốc.

“Vẫn biết sáng tạo là công việc tự thân của mỗi nghệ sĩ; tuy nhiên, sự quan tâm của thành phố đối với văn hóa cũng có ý nghĩa lớn lao khi trở thành động lực, cổ vũ tinh thần văn nghệ sĩ. Tôi đánh giá cao buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy với các hội chuyên ngành. Đó là tiền đề tạo sức bật cho văn hóa Đà Nẵng”, NSND Lê Huân nói.

Về góc độ quản lý, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho biết, trong những năm gần đây, thành phố đã có sự đầu tư, quan tâm đúng mức hơn cho văn hóa. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư thêm các thiết chế văn hóa khác như nhà hát lớn của thành phố, rạp chiếu phim, các công viên, quảng trường để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách.

Theo báo cáo của Sở VH-TT, năm 2017, kinh phí sự nghiệp cho ngành văn hóa là 71 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2016. Về vốn đầu tư, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản (sau khi điều chỉnh) bố trí cho các công trình do Sở VH-TT làm chủ đầu tư là 120,039 tỷ đồng (năm 2016: 164,352 tỷ). Kế hoạch năm 2018 gửi Sở Tài chính, thì nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa 131 tỷ đồng, kinh phí đầu tư là 83 tỷ đồng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.