Làm mới tác phẩm kinh điển bằng tranh minh họa

.

Gần đây, thị trường xuất bản đón nhận những ấn bản mới của các tác phẩm kinh điển như Lĩnh Nam chích quái, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... Đặc biệt, các đơn vị làm sách đã làm mới bằng việc vẽ minh họa, “phả chất đương đại” vào những tác phẩm vang bóng.

Ba cuốn sách được làm mới bằng những bức vẽ minh họa của các họa sĩ đương đại. 		Ảnh: MAI HOÀNG
Ba cuốn sách được làm mới bằng những bức vẽ minh họa của các họa sĩ đương đại. Ảnh: MAI HOÀNG

Họa sĩ đương đại nhập cuộc

Công ty sách Đông A vừa ra mắt 2 kiệt tác của nền văn học Việt Nam: Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) với sự tham gia vẽ minh họa của 16 họa sĩ đương đại. Hai cuốn sách được in 4 màu, khổ lớn, bìa cứng.

Nội dung ấn phẩm Truyện Kiều và Lục Vân Tiên lần này là bản khảo đính và chú giải của PGS. Nguyễn Thạch Giang - nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn chương Hán - Nôm cổ nói chung và Truyện Kiều nói riêng.

Phần làm mới Truyện Kiều thông qua tranh minh họa có sự tham gia của 15 họa sĩ đương đại gồm Nguyễn Quân, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu... Mỗi người một bức minh họa với những cách nhìn, cách cảm khác nhau về Truyện Kiều. Trước đó, thế hệ các danh họa đi trước như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị... cũng từng ghi dấu ấn qua việc minh họa cho tác phẩm truyện thơ nổi tiếng này.

Nếu Truyện Kiều có sự tham gia của 15 họa sĩ, thì cuốn truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu do một mình họa sĩ Nguyễn Công Hoan vẽ minh họa. Ông từng minh họa nhiều cuốn sách thiếu nhi. Lần này, với Lục Vân Tiên, họa sĩ Nguyễn Công Hoan đã dành gần nửa năm để hoàn thành gần 20 bức minh họa. Sự phối hợp đồng điệu giữa họa và thơ, sự sáng tỏ của ý văn nghĩa chữ đã giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn nguồn thi hứng dạt dào mà cụ Đồ Chiểu gửi gắm trong tác phẩm.

Trước đó, khoảng 5.000 bản sách Lĩnh Nam chích quái đã được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành và nhận được những phản hồi tích cực. Đó là bất ngờ của chính những người làm sách và thị trường xuất bản. Tác phẩm văn học thời trung đại này lâu nay được giới nghiên cứu văn học cổ đại nhắc đến, nhưng dường như đã phủ lớp bụi thời gian trong các thư viện. Thế nhưng, với hơn 200 bức minh họa “thêm vào” cuốn sách, họa sĩ Tạ Huy Long đã tiếp thêm sức sống mới cho tác phẩm. Theo họa sĩ Tạ Huy Long, những bức tranh của anh được lấy cảm hứng từ chính tên cuốn truyện lịch sử nổi tiếng. Anh cũng cho rằng, những sự kiện lịch sử sẽ không còn khô khan, gói gọn trong con chữ và giới trẻ có thể tiếp cận một cách sống động hơn.

Quá khứ không “đông cứng”

Tại cuộc tọa đàm “Quá khứ sống động” được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) cách đây ít lâu, nhà văn Lưu Sơn Minh nhận xét: Trước đây, nếu ai nói các bạn trẻ say mê tìm cuốn Lĩnh Nam chích quái thì tôi không tin bởi chỉ có một số nhà nghiên cứu văn học tìm đọc tác phẩm văn học trung đại này. Nhưng bằng cách tiếp cận mới, thông qua những bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Tạ Huy Long, những cô bé, cậu bé mang khăn quàng đỏ đã cầm trên tay Lĩnh Nam chích quái - điều mà các nhà giáo dục suốt nhiều năm nay không làm được...

Chung quan điểm này, TS. Hán Nôm Nguyễn Tô Lan cho rằng, chị rất bất ngờ khi xem những bức tranh minh họa của Tạ Huy Long. “Mỗi bức tranh có hàm lượng văn hóa rất cao và thấm đẫm tinh thần quốc tế”, TS. Tô Lan nhận xét, đồng thời cho rằng quá khứ không phải cái gì đó “đông cứng”, đóng khuôn máy móc về các nhân vật, trận đánh mà phải là số phận, những câu chuyện, những sắc màu.

Chia sẻ về những bức minh họa của mình, họa sĩ Tạ Huy Long cho biết, anh mất khoảng 1 năm để hoàn thành 200 bức minh họa liên hoàn cho cuốn sách. Ban đầu cũng khá loay hoay tìm cách thể hiện vì anh thích kể nhiều trong một bức tranh. Tuy nhiên, sau đó, Tạ Huy Long nhận ra không phải cứ vẽ tả thực là ra được “chất Việt” và anh rút ra kinh nghiệm xử lý: Không gì tốt hơn là vẽ ước lệ.

Còn với ấn bản Truyện Kiều và Lục Vân Tiên vừa ra mắt, họa sĩ Trần Đại Thắng tiết lộ, Đông A đã dành hơn 2 năm để thực hiện dự án làm mới này nhằm cung cấp những bản sách chất lượng cao cho độc giả đương thời. Trong khi đó, họa sĩ Thành Chương - người đứng ra mời các họa sĩ minh họa cho Truyện Kiều cho rằng, thông thường nghĩ đến Kiều là nghĩ đến câu chuyện buồn, thâm trầm..., chứ còn mảng miếng, màu sắc tươi trẻ như trong 15 bản tranh minh họa lần này thì xưa nay chưa từng có. “Các tác phẩm minh họa được coi là văn bản thứ hai của Kiều, mang dấu ấn tạo hình riêng của họa sĩ. Nó là một tiếng nói độc lập chứ không minh họa theo kiểu mô phỏng”, họa sĩ Thành Chương nói và nhấn mạnh: “Đây là quan niệm mới của các họa sĩ đương đại, chỉ như thế họ mới đóng góp một tinh thần mới, gần gũi hơn với cuộc sống hôm nay”.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.
.