Lối đi riêng của ca sĩ trẻ Đà Nẵng

.

Dù không nổi đình nổi đám như nghệ sĩ ở hai đầu đất nước, nhưng không hiếm ca sĩ Đà Nẵng vẫn có sô diễn đều đặn mỗi đêm.

Dù thị trường âm nhạc của Đà Nẵng khá trầm lắng nhưng nhiều ca sĩ vẫn sống được với nghề.  TRONG ẢNH: Ca sĩ Thái Bình biểu diễn tại phòng trà Memory.
Dù thị trường âm nhạc của Đà Nẵng khá trầm lắng nhưng nhiều ca sĩ vẫn sống được với nghề. TRONG ẢNH: Ca sĩ Thái Bình biểu diễn tại phòng trà Memory.

Một ngày làm việc của ca sĩ Thái Bình (SN 1999) thường bắt đầu lúc 8 giờ 30. Bình tự trang điểm, đi luyện thanh, tập vũ đạo và cùng anh chị nghệ sĩ lên kế hoạch cho những chương trình sắp tới. Không có ê-kíp riêng để hỗ trợ, mỗi ngày, cô ca sĩ trẻ đều phải tự cập nhật thông tin, chương trình biểu diễn cũng như tin tức, xu hướng mới trong nghề. “Từ ngày đi hát, Bình luôn tự lo mọi thứ nên khá vất vả nhưng cũng nhờ đó Bình tự lập hơn trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp. Vì vậy, dù hiện tại mỗi đêm phải diễn nhiều tụ điểm khác nhau nhưng Bình vẫn xoay sở được”, Bình cho biết. Thái Bình chia sẻ thêm, hầu hết trang phục biểu diễn do cô tự “thiết kế” và nhờ thợ làm giúp. Ngoài ra, Bình còn mua quần áo may sẵn rồi tự phối theo phong cách riêng.

Cũng vì phải tự làm tất tần tật mọi khâu nên việc gặp sự cố là điều không tránh khỏi. Nhắc đến “tai nạn nghề nghiệp”, Bình cười bẽn lẽn: “Không ít lần Bình đi diễn mà lại mang thiếu đồ, khi thì áo, khi thì mũ, giày. Có lần, Bình đi diễn ở Quảng Nam, lúc phát hiện mình thiếu giày cao gót thì chương trình chỉ còn 30 phút nữa là bắt đầu. Mình rối tung cả lên. Sau đó, mình phải hỏi các anh chị bên đoàn Quảng Nam chỗ chợ gần nhất để đến mua. May là vừa kịp”.

Cũng như Thái Bình, vì phải tự lo mọi thứ, không ít lần cô ca sĩ chuyên hát phòng trà Phạm Ly Na (SN 1988) gặp sự cố khó gỡ: “Sự cố gặp nhiều nhất là nhạc. Nhạc đĩa CD thường bị nhảy, còn dùng điện thoại thì nhiều khi do quên bật chế độ máy bay nên lúc ca sĩ đang biểu diễn trên sân khấu thì điện thoại đổ chuông. Lúc đó mình phải xin lỗi khán giả rồi quay vào cánh gà... giải quyết cái điện thoại. Nếu có trợ lý thì những chuyện này đã không xảy ra”.

Với ca sĩ Sỹ Nguyên (SN 1988), một ngày của anh bắt đầu muộn hơn mọi người vì anh thường hát về khuya. Mỗi ngày, Nguyên dành 1 giờ đồng hồ để nghe nhạc và tập hát. Vốn là sinh viên ngành kiến trúc lấn sân sang con đường nghệ thuật nên Nguyên tự nhận mình ít có điều kiện học hỏi về thanh nhạc. Anh chủ yếu tự học và học từ anh chị đi trước, biến cái của người khác thành cái của riêng mình. Nguyên nói: “Nhìn rộng ra các ca sĩ đang hoạt động ở Đà Nẵng, mình thấy hầu như ai cũng làm việc độc lập. Khán giả Đà Nẵng chuộng về giọng hát nên tụi mình dành nhiều thời gian để nghe nhạc và tập luyện bài mới. Phần hình thức của ca sĩ như trang phục, phụ kiện, tóc, trang điểm do đó không được sành điệu, chuyên nghiệp như các ca sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Quần áo, tư trang của mình thì cứ đi đâu thấy đẹp, thích, hợp là mua về. Tủ quần áo của mình cũng giản dị chứ không cầu kỳ lắm”.

Dù không nổi đình nổi đám trên truyền thông, nhưng nhiều ca sĩ Đà Nẵng như Sỹ Nguyên, Ly Na, Thái Bình, Khánh Ly The Voice, Văn Tây, Đức Lâm... vẫn sống được bằng nghề với nhiều sô diễn đều đặn ở phòng trà, bar, quán cà-phê nhạc sống. Sỹ Nguyên kể: “Thông thường, khoảng 8 giờ tối là mình chuẩn bị đi hát ở phòng trà. Mình hát hằng đêm tại phòng trà Memory. Ở đây, chương trình khá chỉn chu, chuyên nghiệp, ban nhạc rất hay. Ngoài những bài hát đơn ca, Nguyên còn hát song ca, tam ca, tứ ca. Thứ năm và thứ bảy hằng tuần, mình còn hát bên Sound cafe (một quán cà-phê nhỏ nằm cuối kiệt 150 Nguyễn Hoàng). Tuy không gian nhỏ nhưng rất ấm cúng. Khách ở đây đa phần là giới trẻ khiến mình cảm thấy rất thoải mái và tự nhiên”.

Đời sống âm nhạc ở Đà Nẵng còn chưa sôi động, việc nỗ lực tìm kiếm “sân chơi” để rèn luyện, vươn lên trong nghề bằng lối đi riêng là một điều đáng ghi nhận của lớp ca sĩ trẻ Đà Nẵng.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.