Lực lượng phê bình văn học, nghệ thuật: Quanh quẩn chỉ vài người

.

Cũng như thực trạng chung của cả nước, đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật trên địa bàn Đà Nẵng đang già hóa và thiếu lớp người kế cận...

Tại lớp tập huấn nâng cao lý luận, phê bình (LLPB) văn học, nghệ thuật (VH-NT) dành cho phóng viên báo chí toàn quốc, được tổ chức ở Cần Thơ vào tháng 11-2017, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPB VH-NT Trung ương nhìn nhận, VH-NT có vai trò quan trọng trong định hướng xã hội cũng như xây dựng những giá trị văn hóa, tinh thần; tuy nhiên, thời gian qua còn ít tác phẩm VH-NT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Trong khi đó, hoạt động LLPB chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, chưa giải đáp được nhiều vấn đề thiết yếu của đời sống; chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác; chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp, tính chiến đấu của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, dễ dãi...

Cũng tại lớp tập huấn này, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) dẫn chứng, đối với lĩnh vực điện ảnh, nước Nga có 800 nhà phê bình. Tại Việt Nam, con số này chỉ chưa đầy 10 người nên tiếng nói của lực lượng LLPB rất yếu, chủ yếu phê bình theo hướng chủ quan hoặc dưới góc độ báo chí là phản ánh, giới thiệu phim... “Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, có khóa chỉ 2 người học LLPB. Trước đây, Tạp chí Điện ảnh xuất bản 2.000 cuốn, trong đó có những bài LLPB nhưng cũng dần vắng bóng trên các sạp báo”, nhà biên kịch này nói.

Thực tế tại Đà Nẵng, đội ngũ LLPB VH-NT cũng không khác biệt so với thực trạng chung đó. Trao đổi về điều này, nhạc sĩ Văn Thu Bích (Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng) cho biết, lực lượng LLPB VH-NT của thành phố lâu nay vẫn đang rất thiếu và yếu. Những cây bút nổi trội như nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng... tuổi đã cao, trong khi rất khó tìm được các cây bút LLPB kế cận. “Nhìn quanh quẩn vẫn chỉ vài người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ LLPB chuyên nghiệp bị buông lỏng, thù lao cho những người viết LLPB quá thấp, không tạo được sự động viên, khích lệ”, nhạc sĩ Thu Bích ý kiến.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường trách nhiệm xã hội của những người làm công tác LLPB VH-NT; đồng thời, phải có giải pháp nâng cao chất lượng LLPB VH-NT như: tập trung rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành LLPB; khôi phục lại các mã ngành đào tạo LLPB; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, hiện đại; quan tâm hơn đến các cây bút LLPB ở các địa phương; tăng chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho các bài viết và công trình LLPB có chất lượng; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác LLPB; các hội chuyên ngành cần đẩy mạnh hoạt động LLPB.

Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố cũng đặt hoạt động LLPB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh các hoạt động học thuật của Hội đồng LLPB VH-NT, chọn mỗi Hội chuyên ngành từ 1-2 hoạt động, xuất bản tuyển tập “Đà Nẵng - hai mươi năm LLPB VH-NT”.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.