Quản lý Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường, xã: Còn nhiều vướng mắc

.

Đó là nhận định được nêu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy định tạm thời về tổ chức quản lý và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao (VHTT) phường, xã trên địa bàn thành phố (Quyết định 6273), do Sở VHTT tổ chức vào sáng 10-1.

Hoạt động tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao có tăng so với trước đây, nhưng để thu hút người dân đến vui chơi, giải trí cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Trong ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đóng cửa im lìm khi không có hoạt động, sân được người dân mượn tạm phơi lúa.
Hoạt động tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao có tăng so với trước đây, nhưng để thu hút người dân đến vui chơi, giải trí cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Trong ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đóng cửa im lìm khi không có hoạt động, sân được người dân mượn tạm phơi lúa.

Theo báo cáo của ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT, thực hiện Quyết định 6273 ngày 16-9-2016 của UBND thành phố, có 46/56 phường, xã thành lập Trung tâm VHTT hoặc thí điểm Trung tâm VHTT, học tập cộng đồng (HTCĐ) với bộ máy tổ chức từ 5-6 người, trong đó, phó chủ tịch UBND phường/xã làm giám đốc trung tâm; kinh phí được phân bổ từ 60-80 triệu đồng/đơn vị (trước đây 25 triệu đồng/đơn vị) và hầu hết các trung tâm có con dấu và tài khoản riêng. Nhờ đó, các trung tâm có cơ sở để quản lý, tổ chức hoạt động chặt chẽ, bước đầu phát huy tốt cơ sở vật chất hiện có, số lượng hoạt động của các Trung tâm VHTT đã tăng từ 30-50% so với trước.

Tuy nhiên, việc áp dụng Quyết định 6273 vào thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trước hết, về bộ máy tổ chức, ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, trước khi có Quyết định 6273 thì năm 2015, Sở Nội vụ thành phố có Hướng dẫn số 1004/HD-SNV về việc thí điểm hợp nhất Trung tâm VHTT và Trung tâm HTCĐ.

Theo đó, 13 phường của quận đã ban hành quyết định bổ nhiệm nhân sự trung tâm, cụ thể bộ máy tổ chức gồm: 1 giám đốc, 2 phó giám đốc và các thành viên phụ trách các lĩnh vực. Trung tâm cũng có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động. Do đó, khi tiếp tục thực hiện Quyết định 6273 thì quận bị vướng ở bộ máy tổ chức vì chưa có văn bản nêu Hướng dẫn 1004/HD-SNV hết hiệu lực nên đến thời điểm bây giờ vẫn chưa hình thành bộ máy tổ chức theo QĐ 6273.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị Sở Nội vụ tham mưu, tổ chức tổng kết việc thí điểm hợp nhất trung tâm VHTT và trung tâm HTCĐ (hiện thí điểm ở 19 phường, xã) nhằm có định hướng cụ thể hợp nhất hay tách. Sở VHTT phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉnh sửa phù hợp Quyết định 6273 về bộ máy, kinh phí hoạt động, quy hoạch thiết chế văn hóa.

“Phải có một cán bộ định biên, giữ vị trí cán bộ chuyên trách hoặc phó giám đốc chuyên trách tại trung tâm; tính toán lại nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm VHTT, tách bạch kinh phí cho bộ máy tổ chức, quản lý trung tâm và kinh phí sự nghiệp, tăng nguồn kinh phí từ các hoạt động xã hội hóa. Đối với đầu tư cơ sở vật chất, UBND quận, huyện cần dành nguồn kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa trong tổng nguồn kinh phí đầu tư thiết chế văn hóa – xã hội; cần xem xét, rà soát lại bản phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn quận, huyện vì ½ đất quy hoạch dành cho thiết chế là những địa điểm từng là mồ mả, xa trung tâm dân cư”, ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT phát biểu.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.