Theo mãi nghiệp cầm ca

.

Những năm 80, 90 của thế kỷ 20 ghi dấu thời kỳ vàng son của những giọng ca Đà Nẵng như Thanh Trà, Hồng Hạnh (nay là Phi Thúy Hạnh), Xuân Thúy, Kim Thanh, Ngọc Ánh, Bích Phương. Tiếng hát của họ đã đi vào lòng biết bao thế hệ. Tiếc rằng, hiện tại, chỉ còn Thanh Trà và Hồng Hạnh theo nghiệp cầm ca...

Trở về và được khán giả quê nhà đón nhận là niềm hạnh phúc lớn với ca sĩ Phi Thúy Hạnh.
Trở về và được khán giả quê nhà đón nhận là niềm hạnh phúc lớn với ca sĩ Phi Thúy Hạnh.

1. Trong một đêm nhạc đầy hoài niệm ở phòng trà Memory bên dòng sông Hàn yên ả, giọng hát da diết, giàu cảm xúc của ca sĩ Phi Thúy Hạnh níu chân người nghe đến tận cuối giờ. “Anh còn nợ em” (sáng tác nhạc sĩ Anh Bằng, lời thơ Phan Thành Tài), ca khúc một thời làm nên tên tuổi chị khiến cả khán phòng chìm trong cảm xúc.

Chỉ đến khi Phi Thúy Hạnh cất lời: “Hạnh rất vui và cảm động khi khán giả đồng cảm với ca khúc này. Có lẽ, trong khán phòng này, chỉ một số ít người biết Hạnh là ca sĩ Hồng Hạnh ngày xưa. 18 năm rời xa Đà Nẵng, đổi nghệ danh mới. Ngày trở về, Hạnh không nghĩ mình có diễm phúc được khán giả quê nhà yêu thương. Một lần nữa, xin cảm ơn quý vị”, tiếng vỗ tay mới vang lên.

Cô ca sĩ nổi tiếng thời ấy nay đã xấp xỉ tuổi 50 nhưng giọng nói, giọng hát vẫn ngọt ngào, nhỏ nhẹ như cô gái 18, 20 năm ấy. Sau khi hát liên tục 3, 4 bài, Phi Thúy Hạnh có quãng thời gian ngắn tâm tình cùng khán giả.

Trong ánh đèn dìu dặt của phòng trà, chị chia sẻ: “Ngày xưa, tên tuổi của Hạnh gắn liền với những ca khúc nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Hơn 20 năm theo nghề, giờ Hạnh lại thích dòng nhạc trữ tình của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Có lẽ cuộc đời sóng gió của Hạnh là chất xúc tác khiến Hạnh hát nhạc trữ tình “tình” hơn. Ca hát là đam mê, là nghiệp của cuộc đời Hạnh. Dẫu cuộc đời có trắc trở bao nhiêu đi nữa, khi đứng trên sân khấu là Hạnh chỉ có bài hát, có khán giả thôi”.

Lời chia sẻ ngắn gọn của chị cũng đủ khiến khán giả hiểu thêm về người nghệ sĩ nhỏ bé nhưng có chất giọng trầm khàn, đầy nội lực này.

Phi Thúy Hạnh là ca sĩ nổi tiếng của Đà Nẵng từ thập niên 90. Mới 18 tuổi, chị đã được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp. Ngày ấy, số lượng phòng trà tại Đà Nẵng không nhiều, tập trung chủ yếu quanh khu vực đường Bạch Đằng như:

Thiên Hồng, Hoàng Gia, Phương Đông, nhưng người yêu nhạc thời ấy đi đâu cũng có thể nghe tiếng hát của Phi Thúy Hạnh. Những tưởng mảnh đất sông Hàn sẽ cùng chị đi đến cuối sự nghiệp thì đột ngột năm 1998, Phi Thúy Hạnh chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp. 18 năm xa quê hương nhưng bất cứ dịp lễ, Tết nào thành phố mời về hát, chị đều gác lại mọi việc để về.

Năm 2010, chị quyết định trở về quê hương. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu ngay tại quê nhà, nhận ra một vài gương mặt khán giả thân quen từng mến mộ mình, nay lại đến ủng hộ, chị đã khóc. Giọt nước mắt hạnh phúc của một người nghệ sĩ được khán giả đón nhận.

Điều tôi hạnh phúc nhất hiện nay là không chỉ lớp khán giả cùng thời dành tình cảm yêu mến cho tôi mà khán giả trẻ, nhỏ hơn tôi nhiều tuổi cũng thích đến nghe tôi hát. Tôi tự nhủ, khi mình hát thật, hát hết mình, sẽ có người cảm nhận điều mình đang hát”, Thúy Hạnh tâm sự.

Thanh Trà đẹp mặn mà và vẫn giữ được tiếng hát  da diết.  			                   Ảnh: N.V.C.C
Thanh Trà đẹp mặn mà và vẫn giữ được tiếng hát da diết. Ảnh: N.V.C.C

2. Cùng thời với ca sĩ Phi Thúy Hạnh là ca sĩ Thanh Trà. Nếu Phi Thúy Hạnh sinh ra trong một gia đình không ai theo đuổi nghệ thuật thì Thanh Trà lại có “bệ phóng” hoàn hảo để vươn lên. Ba chị là nhạc sĩ Trần Hồng, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng. Từ nhỏ, Thanh Trà đã tham gia phong trào thanh - thiếu nhi của thành phố và sớm nổi tiếng.

Người dân Đà thành ưu ái gọi chị là “Con chim sơn ca của đất Quảng”. Những năm 1995-2000, trong sự phát triển của cơ chế thị trường, nghiệp hát của các ca sĩ địa phương gặp nhiều khó khăn, nhiều người cùng thời với chị đã bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa, riêng Thanh Trà vẫn kiên trì bám trụ, đem lời ca ngọt ngào của mình cống hiến cho khán giả quê nhà. Trong suốt sự nghiệp, Thanh Trà đặt dấu ấn cá nhân vào rất nhiều ca khúc, như: “Thư tình cuối mùa thu”, “Sông Hàn vang tiếng hát”, “Quảng Nam yêu thương”...

Chị cũng là ca sĩ tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của thành phố. Trong đó, chị từng đoạt 9 huy chương vàng, nhiều huy chương bạc, huy chương đồng và bằng khen, giấy khen… trong hội diễn chuyên, không chuyên của thành phố và Trung ương.

So với các ca sĩ cùng thời ở Đà Nẵng, con đường âm nhạc của Thanh Trà khá chuyên nghiệp. Chị đều đặn ra album để gửi đến khán giả yêu nhạc những tác phẩm mới. Một số album tạo được tiếng vang như: “Thì thầm mùa xuân”, “Thơ tình cuối mùa thu” (1998), “Tình yêu Đà Nẵng” (2005)...

Thanh Trà còn may mắn có người bạn đời đồng hành trong nghiệp cầm ca. Họ có một phòng thu âm ngay tại nhà. Các chương trình của chị và một số ca sĩ do Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng (Danang TV) thực hiện được thu tại đây.

Ở tuổi ngũ tuần, ước mơ của chị cũng thật giản dị là được cùng đồng nghiệp mở lớp đào tạo thanh nhạc để bồi dưỡng cho những em thực sự yêu âm nhạc và có năng khiếu. “Con chim sơn ca” vẫn sẽ tiếp tục nâng cánh cho thế hệ tương lai...

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.