Giữ vị bánh truyền thống

.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, một số làng nghề bánh quê vẫn giữ được hương vị truyền thống và “đứng” được trên thị trường, nhất là trong dịp Tết cổ truyền.

Bà Mười Túy hơn nửa đời người gắn bó với nghề tráng bánh tráng.
Bà Mười Túy hơn nửa đời người gắn bó với nghề tráng bánh tráng.

Nức tiếng bánh tráng Túy Loan

Làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) lâu nay đã nức tiếng xa gần. Ngày thường, cả làng chỉ vài ba hộ đỏ lửa nhưng cứ đến Tết là gần hai chục hộ ngày đêm tráng bánh cũng không kịp giao cho khách. Thời điểm chộn rộn nhất là từ đầu tháng 11 âm lịch trở đi. Khi đó, từ làng trên xóm dưới thoang thoảng mùi gạo mới, mùi mè trắng, mùi gừng... trộn lẫn mùi khói bếp tạo cho người ta cảm giác nôn nao, trông ngóng Tết. Cũng lạ, dù trên thị trường có biết bao loại bánh tráng nổi tiếng, giá thành lại “mềm” hơn nhưng người Đà Nẵng vẫn cứ thích dùng bánh tráng Túy Loan mỗi độ xuân về. Trên bàn thờ gia tiên phải là thứ bánh tráng được tráng bằng gạo xuyệc mà nhà nông đã tranh thủ gieo sạ, thu hoạch kịp trước Tết. Thứ bánh tráng mà khi đã tàn tuần hương, đem xuống bẻ ra vẫn nghe tiếng rôm rốp giòn tan, dậy mùi gừng thơm lừng xua tan đi cái khí lạnh của đất trời vào xuân.

Nghe người làng Túy Loan truyền lại, sở dĩ bánh tráng Túy Loan nổi tiếng là nhờ con cháu nối nghiệp bí quyết gia truyền của ông bà. Bí quyết ấy không được giữ khư khư mà truyền tụng rộng rãi, không chỉ cho con cháu trong nhà mà bất kỳ người Túy Loan nào muốn theo nghề cũng làm được.

Bánh tráng Túy Loan được làm kỳ công, nguyên liệu thơm ngon, bổ dưỡng nên giá thành khá cao, trung bình từ 120.000 đồng - 130.000 đồng/chục. Bà Mười Túy (một trong những hộ làm bánh tráng quanh năm, nổi tiếng của Túy Loan), chia sẻ: Để làm ra được chiếc bánh thơm ngon, đều tay, đòi hỏi người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, pha chế nguyên liệu đến khâu tráng bánh. Cũng thứ gạo, mè, tỏi, gừng ấy nhưng nếu không tỉ mỉ thì mẻ bánh sẽ không ngon. Riêng gừng là phải băm bằng tay chứ không xay bằng máy. Nếu xay thì gừng sẽ mất mùi thơm. Nước mắm cũng phải chọn nước mắm thật ngon chứ không mua mắm công nghiệp trên thị trường. Ngày thường, tôi tráng 4-5 ngày mỗi tháng. Hai tháng cận Tết là ngày nào cũng tráng. Từ 3 giờ sáng đã lục đục củi lửa, luôn tay mãi cho đến 3-4 giờ chiều. Mỗi mùa Tết tôi bán ra từ 8.000-9.000 chiếc bánh.

Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: “Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và trở thành một đặc sản của Đà Nẵng. Ngày thường, cả xã chỉ có khoảng 4-5 hộ tráng bánh nhưng mỗi dịp Tết là gần 20 hộ đỏ lửa ngày đêm. UBND xã cũng đã hỗ trợ, đầu tư cho hai hộ trên địa bàn duy trì sản xuất thường xuyên. Dẫu vậy, do bánh có giá thành cao nên ngày thường khó bán. Chỉ mỗi dịp lễ, Tết thì nhu cầu sử dụng mới cao”.

Về làng bánh khô mè Quang Châu

Rất ít người Đà Nẵng biết rằng, bên cạnh bánh khô mè Cẩm Lệ, tại thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, có một làng sản xuất bánh khô mè có tiếng gần xa, được bà con người Việt xa quê hương nhớ tới với hương vị thơm ngon, đậm đà của xứ Quảng.

Những ngày đầu tháng Chạp, trên đường vào thôn, lác đác người ra vào chở những thùng bánh to đi bỏ mối khắp nơi. Đến nhà chị Huỳnh Thị Đay, một trong những gia đình còn giữ được nghề làm bánh khô mè gia truyền, không khí sản xuất bánh Tết nhộn nhịp. Các chị em trong bếp tất bật nướng bánh, người ngoài sân thì rộn ràng nhúng bánh. Nếu như ngày thường, mỗi tuần, chị Đay làm ra 5.000 bánh thì vào mùa Tết, mỗi ngày chị làm từ 5.000 - 6.000 bánh. Để đáp ứng nhu cầu đặt, mua bánh của khách hàng, gia đình chị phải thuê thêm 9 nhân công, là các chị em trong xóm rảnh tay lúc nông nhàn. Chị chia sẻ, làm bánh khô mè không khó, nguyên liệu chỉ gồm gạo, mè và đường. Chị không cân đo đong đếm nguyên liệu mà chỉ định đoán bằng các giác quan. Như mè thì phải rang đều trên lửa nhỏ, rang tới khi nào mắt thấy vàng, mũi cảm nhận mùi thơm thì thôi. Đường thì phải thắng đến khi nào nhìn thấy thật tới, nhồi bột mới mịn được.

Bánh do gia đình chị Đay sản xuất không bỏ sỉ mà chỉ bán cho khách đến nhà đặt. Dẫu không quảng cáo rầm rộ nhưng các mẻ bánh do chị làm ra rất được ưa chuộng, bởi vị bánh ngọt thanh, mềm. Khách hàng thường mua về làm quà cho người thân ở nước ngoài. Ngoài chị Đay, tại thôn Quang Châu có khoảng 4 - 5 hộ làm bánh khô mè. Nhưng các hộ đa phần sản xuất không đều. Dẫu được đánh giá cao về chất lượng nhưng do chưa thực hiện công tác quảng bá nên thương hiệu bánh khô mè Quang Châu vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đây cũng là trăn trở của những người dân có tâm huyết về việc gìn giữ làng nghề truyền thống ở Quang Châu hiện nay.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.