Lê Công Thành và tình yêu với Đà Nẵng

.

Là người con của Đà Nẵng, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành luôn dành cho quê hương một tình cảm đặc biệt. Tượng mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông hay tượng Thiếu nữ, Người mẹ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là biểu trưng cho tình cảm đó.

Tác phẩm Người mẹ trưng bày tại tầng 2 của Bảo tàng thu hút khách tham quan. Ảnh: NGỌC HÀ
Tác phẩm Người mẹ trưng bày tại tầng 2 của Bảo tàng thu hút khách tham quan. Ảnh: NGỌC HÀ

Những ngày đầu tháng 2, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng giới thiệu đến công chúng hai tác phẩm điêu khắc “Thiếu nữ” và “Người mẹ” của nhà điêu khắc Lê Công Thành, sáng tác năm 2007, chất liệu đá cẩm thạch trắng, kích thước 70x180x50cm; trong đó tác phẩm “Thiếu nữ” được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phóng to trưng bày trong khuôn viên bảo tàng.

Nói về tác phẩm “Thiếu nữ”, nhà điêu khắc Phạm Hồng, học trò của nhà điêu khắc Lê Công Thành cho rằng, đây là một trong số lượng đồ sộ các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam của Lê Công Thành. Tác phẩm đẹp ở sự cô đọng về ý tưởng, hiện đại về hình thức trong một ngôn ngữ điêu khắc mang tính tượng trưng khúc chiết, tinh lọc. “Trong nghệ thuật điêu khắc, làm sao lược giản đi hết các chi tiết thực, dùng khối, dùng hình để tạo bố cục có tính “gợi”. Ở đây, tác phẩm thể hiện sự tròn trịa, căng tràn, thanh thoát của người thiếu nữ và cả vẻ đẹp ở trí tuệ, ở tấm lòng”, nhà điêu khắc Phạm Hồng nhận định.

Điều thú vị là người được Lê Công Thành giao trọng trách thực hiện tác phẩm “Thiếu nữ” đặt trong khuôn viên bảo tàng không ai khác là anh Trần Hữu Hóa, con trai của ông Trần Hữu Kinh, từng tạc tượng đài Chiến thắng Núi Thành vào năm 1987. Theo anh Hóa, năm ấy, anh chỉ mới 15 tuổi, theo phụ cha xây dựng tượng đài. Sau này, nhà điêu khắc Lê Công Thành đều giao cho anh Trần Hữu Hóa thực hiện các tác phẩm của mình từ Bắc tới Nam. “Chính vì sự tin tưởng đối với cha tôi và cũng có thể tôi thể hiện được đúng ý tưởng của nhà điêu khắc tài hoa này nên tôi được lựa chọn. Tôi đã học được rất nhiều từ nhà điêu khắc Lê Công Thành và đó là điều quý giá trong hành trang làm nghề của mình”, anh Trần Hữu Hóa chia sẻ.

Khi để lại tác phẩm “Thiếu nữ” cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhà điêu khắc Lê Công Thành yêu cầu người thực hiện tác phẩm là Trần Hữu Hóa (phải) và người giám sát mỹ thuật là nhà điêu khắc Phạm Hồng (trái).
Khi để lại tác phẩm “Thiếu nữ” cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhà điêu khắc Lê Công Thành yêu cầu người thực hiện tác phẩm là Trần Hữu Hóa (phải) và người giám sát mỹ thuật là nhà điêu khắc Phạm Hồng (trái).

Theo họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khi tìm đến nhà điêu khắc Lê Công Thành, bày tỏ nguyện vọng có được tác phẩm của ông trưng bày tại bảo tàng, nhà điêu khắc quê gốc Đà Nẵng rất sẵn lòng. “Nói thật, để có được một tác phẩm của Lê Công Thành không phải dễ dàng, chưa kể với nguồn kinh phí sưu tầm hạn hẹp của bảo tàng. Tác giả chỉ nhận với mức tượng trưng, hơn hết là tình cảm của ông dành cho quê hương Đà Nẵng”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ nói.

Không phải đến bây giờ, mà cách đây hơn 10 năm, tác phẩm Mẹ Âu Cơ của Lê Công Thành cũng dành tặng cho Đà Nẵng. Những người trong ngành kể rằng, năm 2006, trong một chuyến vào Đà Nẵng, khi đứng ở bãi biển đầu đường Phạm Văn Đồng, ông đã lặng người đi và bảo đây là “huyệt đạo” không phải của riêng Đà Nẵng mà là của cả đất nước. Đầu năm 2007, ông về Đà Nẵng và quyết tâm dựng tượng Người mẹ và bọc trứng - Mẹ Âu Cơ ở thành phố quê hương. Lê Công Thành đã đến gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và trình bày ý tưởng về “Mẹ Âu Cơ” cho Đà Nẵng mà không đòi hỏi bất cứ một điều gì, chỉ yêu cầu không ai được duyệt bản vẽ của mình, đặt tượng ở đúng vị trí ông chọn. Lãnh đạo thành phố chấp nhận và giao cho các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thực hiện các yêu cầu của nhà điêu khắc. Tượng Mẹ Âu Cơ ở Công viên Biển Đông được hình thành vào tháng 6-2007 và là trở thành một trong những điểm nhấn cho thành phố biển này.

“Nhà điêu khắc Lê Công Thành tuổi đã cao. Vì thế, trong dịp giới thiệu tác phẩm của ông tới công chúng vừa qua, chúng tôi không thể mời ông về quê hương tham dự và chứng kiến tác phẩm của ông được trưng bày trân trọng tại bảo tàng. Nhưng để thể hiện lời hứa với ông, chúng tôi sẽ làm tốt công tác bảo quản cũng như giới thiệu rộng rãi tác phẩm đến người yêu mỹ thuật”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ nói thêm.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành, sinh ngày 1-2-1932 tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp cùng khóa với danh họa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - khóa 1 (1957-1962); thực tập sinh tại Trường Đại học Mỹ thuật Mat-xcơ-va; là giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội  (1965- 1975), Phó Chủ tịch chuyên ngành Điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 2 (1983- 1989). Lê Công Thành đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Ông cho ra đời khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về điêu khắc và hội họa.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.