Lễ hội hướng đến cộng đồng

.

Hằng năm, tùy điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa, các địa phương tại Đà Nẵng tổ chức khoảng 25 lễ hội bao gồm lễ hội dân gian (lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư), lễ hội tôn giáo (lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn), lễ hội lịch sử cách mạng (lễ hội tế nghĩa sĩ Khuê Trung). 

Ông Hà Vỹ (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) cho biết, năm 2018, công tác định hướng bảo tồn và phát huy các lễ hội được sở rất chú trọng.

Lễ hội góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị cộng đồng. Trong ảnh: Lễ rước sắc là một trong những nghi lễ được tổ chức long trọng tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: NGỌC HÀ
Lễ hội góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị cộng đồng. Trong ảnh: Lễ rước sắc là một trong những nghi lễ được tổ chức long trọng tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: NGỌC HÀ

* Thời gian qua, các lễ hội trên địa bàn thành phố được tổ chức như thế nào và liệu đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần người dân?

- Hầu hết lễ hội trên địa bàn thành phố là lễ hội thường niên, một số lễ hội được tổ chức theo chu trình 2 hoặc 3 năm/lần. Các lễ hội cầu ngư và lễ hội đình làng được tổ chức gắn với di tích đình làng, lăng, miếu, thời gian diễn ra 1 đến 2 ngày.

Phần lễ tiến hành theo nghi thức truyền thống nhưng có cải tiến theo hướng đơn giản, dễ hiểu. Phần hội thường có các trò chơi dân gian, thể thao, triển lãm hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương...

Kinh phí tổ chức lễ hội hầu hết do nhân dân tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ về công tác tổ chức, an ninh trật tự… Cơ quan quản lý văn hóa địa phương tham gia góp ý về phương pháp và hình thức tổ chức lễ hội.

Trong các năm qua, các lễ hội diễn ra tốt đẹp, an toàn, tiết kiệm, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa của đông đảo người dân.

Các lễ hội đều được ngành VH-TT và chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và phát huy những giá trị văn hóa ở địa phương.

* Năm nay, dự kiến các lễ hội được duy trì và tổ chức thế nào, thưa ông?

- Đây là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội trên cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, công tác chuẩn bị tổ chức các lễ hội đã được các địa phương bắt tay chuẩn bị từ trước Tết. Năm nay, các lễ hội trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì và tổ chức như thường niên.

Bên cạnh các lễ hội truyền thống, năm 2018, thành phố sẽ có thêm một số lễ hội văn hóa - du lịch, như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, lễ hội khinh khí cầu Hàn Quốc… tổ chức trong khoảng tháng 4 đến tháng 6-2018.

Đây là những lễ hội mới, tạo sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, góp phần giới thiệu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước ngoài với công chúng Việt Nam và cũng là một trong những hướng phát triển du lịch của thành phố.

Đối với định hướng bảo tồn và phát huy các lễ hội, Sở VH-TT thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương đối với chính sách bảo tồn các lễ hội truyền thống theo các nguyên tắc chính như sau: thực hiện tốt công tác sưu tầm để đánh giá giá trị của các lễ hội; tạo điều kiện và tăng cường vai trò hướng dẫn tổ chức lễ hội, không làm thay người dân tổ chức lễ hội; phát triển lễ hội theo nhu cầu văn hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương; không tổ chức phục hồi lễ hội một cách khiên cưỡng; hạn chế sử dụng kinh phí để tổ chức lễ hội; không duy trì lễ hội thiếu lành mạnh và phi văn hóa; trong điều kiện lễ hội không còn phù hợp với đời sống đương đại thì không tổ chức để tránh lãng phí và thiếu hiệu quả.

Ngoài phần lễ, các hoạt động tại phần hội luôn được người dân tích cực hưởng ứng.  Tronh ảnh: Thi gói bánh tét tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: HUỲNH TRANG
Ngoài phần lễ, các hoạt động tại phần hội luôn được người dân tích cực hưởng ứng. Tronh ảnh: Thi gói bánh tét tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: HUỲNH TRANG

* Do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có quan niệm, lối sống hiện đại, di dời dân cư... một bộ phận người dân, đặc biệt thế hệ trẻ có phần thờ ơ với lễ hội truyền thống. Để khắc phục điều này, theo ông cần những giải pháp gì?

- Việc giới trẻ thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội là vấn đề chung, được các nhà quản lý văn hóa nhìn nhận ở hai góc độ: các giá trị văn hóa thiếu tính hấp dẫn, không còn phù hợp với giới trẻ; mặt khác, giới trẻ có nhiều sản phẩm văn hóa mới để thưởng thức.

Bởi vậy, để giải quyết vấn đề này, cần đánh giá đúng giá trị của các lễ hội để thấy lễ hội có nên được duy trì tổ chức hay không; thay đổi cách tổ chức lễ hội theo hướng phù hợp với tâm lý tiếp nhận của đời sống hiện đại (nhưng không làm biến dạng lễ hội); tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu các giá trị tốt đẹp của lễ hội, tạo sân chơi, đoàn kết trong lễ hội để gắn kết người trẻ, tạo thành địa chỉ văn hóa cho cộng đồng.

* Tại Đà Nẵng, các lễ hội cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm... là những lễ hội tiêu biểu. Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu và thu hút người dân tham gia cũng như thu hút khách du lịch thì cần nâng tầm lễ hội. Sở VH-TT đã có những kế hoạch gì trong việc nâng tầm lễ hội?

- Các lễ hội có quy mô lớn, có tính đặc trưng của thành phố Đà Nẵng đã được ngành phối hợp với các địa phương quan tâm tổ chức và nâng quy mô tổ chức, tăng chính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, kết hợp với các hoạt động phụ trợ để thu hút người dân.

Bên cạnh đó, đơn vị định hướng tăng cường phát triển một số lễ hội để thu hút khách nhưng chỉ chú trọng đối với những lễ hội có tính tâm linh đặc trưng (lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Bửu đản Thánh mẫu thoải cung…).

Còn những lễ hội khác chỉ được chú trọng phát triển theo hướng trở thành nơi gắn kết cộng đồng và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Chúng ta không nên duy trì quan điểm đồng nhất du lịch hóa tất cả các lễ hội mà phải căn cứ trên nhu cầu và điều chúng ta có thể làm được từ vốn văn hóa mà lễ hội đã có; đồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển các lễ hội có tính hiện đại vào hoạt động du lịch, đó là thế mạnh của thành phố trẻ. Trong điều kiện đặc điểm lễ hội của chúng ta có quy mô nhỏ nên cần liên kết các giá trị văn hóa của tất cả lễ hội để tạo thành tổng thể bức tranh thành phố trẻ vẫn còn lưu giữ văn hóa lễ hội. Đó chính là cách gián tiếp để tạo thành sức hút, thu hút khách một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn:

Trên địa bàn quận hằng năm diễn ra lễ hội tôn giáo quy mô lớn là lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn. Để lễ hội không chỉ dành riêng cho những người theo đạo Phật mà trở thành một sự kiện văn hóa thôi thúc mọi người khắp nơi tìm về, lễ hội năm nay tiếp tục được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô.

Theo lộ trình, đến năm 2020, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức theo chủ trương xã hội hóa (XHH) hoàn toàn từ phần lễ đến phần hội. Năm 2017, đã thực hiện XHH hoạt động văn hóa, năm nay tiếp tục thực hiện XHH các hoạt động thể thao.

Việc XHH lễ hội là để người dân được tham gia vào tổ chức các hoạt động lễ hội, ngoài việc tạo được nguồn kinh phí cho hoạt động lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn thì đây còn là cách thức để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tham gia tự nguyện của đông đảo nhân dân, đồng bào Phật tử trong và ngoài quận.

Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà:

Đối với quận Sơn Trà, lễ hội cầu ngư trở thành nét văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển. Năm 2018, lễ hội cầu ngư cấp quận tổ chức tại làng Thọ Quang được đầu tư quy mô, không chỉ ngư dân địa phương tham gia mà huy động toàn bộ ngư dân trên toàn quận.

Phòng Văn hóa-Thông tin quận tham mưu UBND quận tổ chức phần hội thật hấp dẫn, mang đặc trưng của người dân miền biển; bởi lễ hội là của người dân, muốn lôi kéo họ thì phải để chính họ làm chủ thể lễ hội đó. Chúng tôi tham mưu ngoài những hoạt động truyền thống như lắc thúng, gánh cá, đan lưới thì có thêm ẩm thực miền biển, đua ghe trên biển…

Ông Đặng Khôi, Trưởng Ban Quản lý đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang):

Năm 2018 nhân dân làng Túy Loan tổ chức lễ hội lần thứ 19, kể từ ngày đình làng Túy Loan được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Đã thành truyền thống, đến ngày lễ hội, người dân trong làng Túy Loan chung tay tổ chức các nghi lễ của làng như lời dạy của tiền nhân về sự đoàn kết của các tộc phái cùng nhau xây dựng làng quê còn ghi lại trong bia đá đình làng.

Vì thế, trong làng người lớn luôn làm gương cho con cháu, giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, vận động nhà nhà đến lễ hội đình làng hằng năm. Nhờ đó, lễ hội đình làng Túy Loan luôn được người dân hưởng ứng và thu hút đông đảo người dân làng khác đến tham gia. Chúng tôi mong muốn lễ hội đình làng Túy Loan được nâng tầm, nhiều người biết đến, trở thành lễ hội đặc trưng của vùng đất Hòa Vang.

Một số lễ hội chính diễn ra tại Đà Nẵng

Lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng (24 và 25-2). Lễ hội đình làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu diễn ra sáng 12 tháng Giêng; lễ hội đình làng Hải Châu (ngày 10-3 âm lịch); lễ hội đình làng Phước Lý (ngày 16-4 âm lịch), lễ hội đình làng Hòa Phú (12 và 13-1 âm lịch) tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; lễ hội đình làng Dương Lâm (19 và 20-2 âm lịch) tại thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang; lễ hội đình làng Trung Nghĩa (9 và 10-3 âm lịch) tại khối phố Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; lễ hội đình làng Xuân Lộc (18-3 âm lịch) tại thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Các lễ hội cầu ngư diễn ra ngày 25-1 âm lịch tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (luân chuyển địa điểm tổ chức giữa 3 phường Xuân Hà, Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê); 25 và 26 -1 âm lịch tại lăng Âm Linh phường Mân Thái và tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà); 15 và 16-2 âm lịch tại phường An Hải Bắc; 19-2 âm lịch tại phường Nại Hiên Đông; 19 và 20-2 âm lịch tại các phường An Hải Tây, Thọ Quang (cùng thuộc quận Sơn Trà); 15-2 âm lịch tại lăng Ông Hải Nam (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Lễ hội Quán Thế Âm, diễn ra ngày 17, 18 và 19-2 âm lịch tại chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Nô nức hội làng Túy Loan

Trong hai ngày 24 và 25-2 (nhằm mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng), Lễ hội đình làng Túy Loan 500 năm tuổi ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) thu hút đông đảo người dân tham gia.

Từ chiều mồng 9, người dân trong làng đã tổ chức rước sắc phong long trọng từ nhà thờ tộc Đặng phái nhất, diễu hành qua 4 thôn Túy Loan và về đình Túy Loan tế lễ truyền thống. Sáng mồng 10, phần lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm với nghi thức nghinh sắc, nghi lễ dâng hương, dâng lễ vật tưởng nhớ các vị tiền hiền tộc họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê đã có công khai dựng lập làng. Kế đến là phần hội với nhiều trò chơi dân gian, đua ghe truyền thống, hô bài chòi kết hợp với các hoạt động tôn vinh nghề bánh tráng, gói bánh tét.

Điểm mới của lễ hội năm nay là các thôn lập đội thi hát hò khoan đối đáp trên sông. Ghe của các đội được trang trí đặc sắc và bày biện trầu, cau, rượu, sản vật địa phương. Các đội sử dụng nhạc cụ truyền thống như song loan, sanh tiền, sanh sứa, trống, khiến các đợt hò xô trở nên rập ràng, hấp dẫn, đầy không khí hội hè. Lễ hội có thêm các gian hàng ẩm thực, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của quê hương như bánh tráng Túy Loan, rau an toàn, nấm… Ngoài ra, hội đua thuyền cũng được nâng cấp với 8 đội thi trên toàn huyện.

N.H

NGỌC HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.
.