Lắng đọng tình yêu với thơ

.

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, đêm thơ Nguyên tiêu năm nay diễn ra sôi nổi tại nhiều địa điểm trên toàn thành phố, thắp lên tình yêu thơ ca trong mỗi người.

Trong không gian yên bình tại đình làng Thạc Gián, thưởng trà, nghe ngâm thi phú tạo nên nét độc đáo cho Ngày thơ tại quận Thanh Khê.
Trong không gian yên bình tại đình làng Thạc Gián, thưởng trà, nghe ngâm thi phú tạo nên nét độc đáo cho Ngày thơ tại quận Thanh Khê.

Không gian trình diễn thơ Nguyên tiêu năm nay khá đa dạng từ bình yên, thơ mộng dưới mái đình làng đến sân khấu hoành tráng hay hùng vĩ giữa cảnh trời mây, sông núi trên đỉnh Hải Vân quan... Dù ở không gian nào, điểm cốt lõi vẫn là sự lắng đọng tình yêu đối với thơ ca.

Trong đêm thơ tối 27-2 (12 tháng Giêng) tại đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), thành viên các câu lạc bộ thơ trên địa bàn quận say sưa ngâm thơ, nói chuyện thơ. Bà Lê Thanh Bình (cán bộ về hưu, trú tại phường Thanh Khê Đông, thành viên CLB Thơ Cây đa làng) chia sẻ, thơ như tri kỷ giúp bà quên đi những bộn bề lo toan trong cuộc sống; thơ gắn kết bà với những người xa lạ, từ thơ bà tìm thấy niềm vui.

Chính vì thế, CLB Thơ Cây đa làng ra đời như tiếng lòng chung của nhiều trái tim thiết tha với tuổi thơ, với cây đa, giếng nước, với những tháng ngày giữ lấy quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Qua 10 năm hoạt động, CLB Thơ Cây đa làng đã xuất bản 15 tập thơ.

Vừa qua, CLB Thơ Thanh Khê ra đời (trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận), tạo thêm sân chơi cho người yêu thơ và đẩy mạnh hoạt động thơ ca trên địa bàn quận. Ông Đỗ Đức Chính, Chủ nhiệm CLB tâm sự, đa phần các bài thơ hội viên sáng tác nói về tình yêu quê hương, đó cũng là góp tiếng nói xây dựng quê hương Đà Nẵng.

“Tôi còn nhớ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Thanh Khê, một người nói lên sự đổi mới của quận bằng một bài thơ tràn đầy sức sống. Nắng lên rồi trên biển quê ta/ Nắng lấp loáng cong hình lưng núi/ Nắng mơn ngực em căng mình theo lưới/ Rờ rỡ tuổi đôi mươi. Đấy, thơ ca đồng hành cùng quê hương, thi vị là thế”, ông Chính nói.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, CLB Thơ quận Liên Chiểu cũng hoạt động sôi nổi. 5 năm hoạt động (2013-2018), số lượng hội viên hiện hơn 40 người, từ trí thức đến lao động phổ thông nhưng họ đều có chung tình yêu với văn thơ.

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Chủ nhiệm CLB Thơ quận Liên Chiểu, cho biết, ngoài hoạt động giao lưu, thưởng thức thơ, CLB còn in ấn các giai phẩm thường niên vào cuối hạ đầu thu với tên gọi “Khúc giao mùa” hay vào mùa xuân với tên gọi “Tin xuân”.

Theo ông Thọ, CLB đã góp phần phát triển thơ ca của địa phương. Không chỉ thơ, CLB còn sáng tác văn xuôi, âm nhạc... hướng đến mô hình “văn học - nghệ thuật”. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 năm nay, CLB cũng tham gia chương trình “Thi ca đồng hành cùng di sản, lịch sử truyền thống” do Tạp chí Văn hóa Quân sự - Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng tổ chức tại Hải Vân quan, giao lưu với các CLB trong và ngoài thành phố; phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, Hội Nhà văn thành phố tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu chủ đề “Xuân trăng”...

“Việc Đà Nẵng tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu tại nhiều địa điểm, nội dung phong phú, hấp dẫn là dấu hiệu đáng mừng, góp phần đưa cái đẹp của thơ ca đến với cộng đồng, lan tỏa giá trị nhân văn trong bối cảnh cuộc sống xô bồ hiện nay, khi mà tư tưởng thực dụng đang ngày một phổ biến.

Từ những đêm thơ, có thể thấy còn rất nhiều người dành tình yêu với thơ ca và dùng sức lan tỏa của thơ ca để chuyển tải tình yêu quê hương, đất nước, con người. Để tình yêu, sức mạnh này lan tỏa trong cộng đồng, cần lắm những ngày thơ như những ngày thơ, đêm thơ trong dịp Nguyên tiêu”, ông Thọ chia sẻ.

Ông Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho biết thêm, Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức long trọng vào năm Quý Mùi (2003) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày rằm tháng Giêng.

Đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã vượt qua một sự kiện văn học mà trở thành lễ hội văn hóa thu hút đông đảo khách tham quan. Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, Hội Nhà văn thành phố chủ trương “đưa thơ đến với người yêu thơ” một cách thiết thực ở những khu dân cư, trường học, các đơn vị quân đội... Năm nay, Ngày thơ Việt Nam diễn ra sôi nổi từ cấp thành phố đến các quận, phường.

“Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thơ ca đồng hành cùng đất nước. Nhưng trải qua thời gian dài, thơ ca chưa phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân mà chỉ gói gọn trong hoạt động giữa các nhà thơ, hội viên với nhau.

Do đó, ngày thơ, đêm thơ được đầu tư, cố gắng tạo được không khí thơ ca, để thơ ca phát huy giá trị đồng hành cùng đất nước, quê hương. Chúng tôi mong muốn tất cả mọi dòng thơ, mọi bài thơ đều gắn liền với nhân dân, đất nước, để thơ ca thực sự đồng hành cùng đời sống xã hội. Đồng thời, từ hoạt động thơ ca của các CLB sẽ góp phần xây dựng dòng văn học của thành phố trong thời gian tới”, ông Nguyễn Nho Khiêm nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.