Nâng tầm lễ hội: Bài toán khó!

.

Đà Nẵng hiện có khoảng 25 lễ hội, diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, để lễ hội thật sự đáp ứng nhu cầu người dân cũng như khai thác các lễ hội thành sản phẩm du lịch là bài toán khó.

Hò đưa linh trong lễ hội cầu ngư được xem là dạng dân ca lễ nghi của cư dân miền biển. TRONG ẢNH: Hò đưa linh tại lễ hội cầu ngư Thanh Khê Ảnh: HÀ THU
Hò đưa linh trong lễ hội cầu ngư được xem là dạng dân ca lễ nghi của cư dân miền biển. TRONG ẢNH: Hò đưa linh tại lễ hội cầu ngư Thanh Khê Ảnh: HÀ THU

Nỗ lực của người dân

Lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được xem là một trong những lễ hội đình làng tổ chức quy mô của thành phố Đà Nẵng. Có được điều này phải kể đến việc lưu giữ giá trị truyền thống của dân làng, đặc biệt là của những vị cao niên.

Những ngày cuối tháng 2-2018, những vị cao niên làng Túy Loan không ngại nắng nóng, áo dài khăn đóng chỉnh tề tham gia rước sắc từ nhà thờ tộc Đặng phái nhất, diễu hành qua 4 thôn ở Túy Loan để về đình tế lễ truyền thống.

Ông Đặng Nga (64 tuổi, đời thứ 14 của dòng họ Đặng), thành viên Ban tế lễ chia sẻ, để có phần lễ chu đáo, trang nghiêm, dân làng đã chuẩn bị trước mấy tháng, rồi đi vận động đóng góp... “Vất vả đương nhiên rồi, nhưng để giữ truyền thống cho con cháu mai sau thì không sá gì”, ông Nga vừa lau mồ hôi vừa nói.

Tương tự, tại làng Hòa Mỹ, người dân luôn ý thức về việc gìn giữ giá trị không gian văn hóa đình làng. Những hoạt động tại lễ hội phần lớn sử dụng quỹ làng. Qua những lần vận động, tích góp thì số tiền này được bỏ vào ngân hàng để lấy lãi chi cho các hoạt động của làng trong suốt một năm.

Ông Phan Thanh Liêm (81 tuổi, người dân làng Hòa Mỹ) tự hào nói, việc tổ chức lễ hội đình làng đã là truyền thống, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành bản sắc của địa phương. Khi tổ chức lễ hội, tất cả mọi người từ nhỏ đến lớn trong làng đều tham gia, đây được xem như một cách truyền bá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau.

Nếu lễ hội chỉ có phần lễ thì sẽ khó thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia; ngược lại, thêm phần hội sẽ không có kinh phí tổ chức, đó là bài toán khó đối với các lễ hội hiện nay. TRONG ẢNH: Rước sắc đình làng Túy Loan.
Nếu lễ hội chỉ có phần lễ thì sẽ khó thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia; ngược lại, thêm phần hội sẽ không có kinh phí tổ chức, đó là bài toán khó đối với các lễ hội hiện nay. TRONG ẢNH: Rước sắc đình làng Túy Loan.

Khó khăn phát huy giá trị lễ hội

Thời gian gần đây, dù nỗ lực giữ gìn giá trị các lễ hội, nhưng các địa phương đang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến nguồn kinh phí hỗ trợ, chất lượng lễ hội và việc quảng bá đến người dân. Ông Đặng Khôi, Trưởng ban Quản lý đình làng Túy Loan cho rằng, đình làng Túy Loan có địa thế đặc biệt ở vùng đất phía tây nam của Đà Nẵng. Nhiều năm qua, lễ hội của dân làng đều thu hút đông đảo bà con tham gia.

Tuy nhiên, trong khả năng của dân làng và địa phương thì lễ hội cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Nếu được hỗ trợ để đưa lễ hội đình làng Túy Loan trở thành lễ hội lớn, kết hợp giá trị văn hóa làng quê đặc trưng thì mới mong phát huy giá trị hiếm có của lễ hội này.

Tương tự, ông Phan Thanh Liêm cho biết, những năm trước, mỗi năm lễ hội đình làng Hòa Mỹ tổ chức một lần nhưng cách đây 3 năm, kể từ khi UBND phường Hòa Minh đứng ra tổ chức luân phiên 4 làng Hòa Mỹ, Hòa Phú, Trung Nghĩa và Phước Lý thì 4 năm mới có hội.

“Nói chung cũng được các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ chi phí, nhưng tất cả chỉ ở mức khiêm tốn, người dân đóng góp bao nhiêu là tự nguyện, không bắt buộc. Điều này khá hợp lý trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, nhưng nếu duy trì lễ hội cho Hòa Mỹ như thời gian trước thì mới đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Liêm nói.

Có thể nói, việc phát huy giá trị lễ hội được các ngành chức năng tính toán bằng giải pháp trả lễ hội về cho nhân dân, xã hội hóa (XHH) hoạt động lễ hội... Tuy nhiên, đến nay, XHH khó kêu gọi, nguồn kinh phí vận động trong nhân dân ngày càng hạn hẹp, tính chuyên nghiệp của các lễ hội chưa được đề cao nên lễ hội chưa đạt được chất lượng và khó trở thành sản phẩm du lịch.

Ông Phạm Văn Chánh, Phó ban Nội vụ phường Hòa Minh, Trưởng ban Tổ chức lễ hội đình làng Hòa Mỹ thừa nhận, trước đây lễ hội được tổ chức hằng năm, có lễ và cả hội. Từ năm 2013, UBND quận Liên Chiểu và UBND phường Hòa Minh thống nhất phần lễ thì năm nào cũng được tổ chức, riêng phần hội luân phiên giữa 4 làng trên địa bàn phường. Bởi khi tổ chức phần hội thì kinh phí tốn kém, phần hội có nhiều hoạt động văn nghệ, đá bóng, thi cắm hoa, chưng quả...

Nói thêm về điều này, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho rằng, việc khai thác các giá trị của lễ hội trong hoạt động du lịch chưa thu được nhiều kết quả. Trong khi đó, việc nâng tầm lễ hội cũng gặp một số khó khăn, như: nâng tầm lễ hội dẫn đến kinh phí tổ chức tăng, Nhà nước phải bỏ kinh phí tổ chức lớn là đi ngược lại nguyên tắc hạn chế sử dụng ngân sách để tổ chức lễ hội.

Ngoài ra, nâng tầm lễ hội cần tăng quy mô và tăng hoạt động phần hội (bởi nghi lễ truyền thống chỉ gồm những nghi thức cố định, không thể kéo dài thêm) dẫn đến các lễ hội gần tương đồng nhau, thiếu hấp dẫn, khó thu hút khách.

Mới đây, dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của thành phố Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành ủy công bố cũng đề cập việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, xây dựng không gian văn hóa, không gian công cộng... đáp ứng mục tiêu là tạo được sự hài lòng cho người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước. Như vậy, thời gian đến, các cấp, ngành cần quan tâm phát huy giá trị lễ hội để góp phần giữ gìn cũng như quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.