Ngày 21-4, khai trương "Tủ sách Đà Nẵng"

.

* Xây dựng mô hình phát triển văn hóa đọc khu vực miền Trung

Đây là ý kiến kết luận của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng tại cuộc họp chuyên đề với các ngành và đơn vị liên quan lấy ý kiến triển khai thực hiện “Tủ sách Đà Nẵng”, tổ chức chiều 15-3. Nơi khai trương “Tủ sách Đà Nẵng” tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố và chọn một số trường học để cùng tổ chức vào ngày 21-4 đến.

Để xây dựng “Tủ sách Đà Nẵng” đạt hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Thư viện Khoa học tổng hợp tạo không gian riêng cho “Tủ sách Đà Nẵng”. “Cần bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện liên quan đến “Tủ sách Đà Nẵng” cho cán bộ thư viện toàn thành phố; từ đó phát huy và nhân rộng không gian văn hóa, sáng tạo Đà Nẵng trong hệ thống thư viện các trường học trên địa bàn thành phố trong thời gian đến”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các tác giả khác viết về Đà Nẵng, Quảng Nam hiện đang có cũng như còn thiếu để xây dựng kế hoạch sưu tầm, tái bản hoặc đặt hàng xuất bản. Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật chủ trì vinh danh các tác giả, tác phẩm đạt giải cũng như tổ chức các buổi giới thiệu sách, tọa đàm, hội thảo.

Việc triển khai “Tủ sách Đà Nẵng” nhằm xây dựng không gian văn hóa, sáng tạo cho những người yêu Đà Nẵng; khuyến khích phong trào sáng tác, nghiên cứu trên các lĩnh vực về vùng đất và con người Đà Nẵng, góp phần phát triển văn hóa đọc và xây dựng bản sắc riêng của thành phố.

“Tủ sách Đà Nẵng” sẽ tập hợp tất cả tác phẩm, công trình khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… của các tác giả Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các tác giả khác viết về Đà Nẵng, Quảng Nam để phục vụ nhu cầu bạn đọc và công tác nghiên cứu. Không chỉ đặt tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, “Tủ sách Đà Nẵng” còn được chia sẻ tài nguyên trong hệ thống các thư viện công cộng, thư viện trong trường học trên toàn địa bàn thành phố. (NAM BÌNH)

* Ngày 15-3, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức lấy ý kiến về các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc khu vực miền Trung. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thảo luận, góp ý một số tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện.

Theo đó, để tạo sức hút cho thư viện, đòi hỏi phải có các tiêu chí bắt buộc như: vốn tài liệu phong phú; tổ chức được nhiều dịch vụ thiết thực; thư viện thân thiện, nhiều tiện ích; hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người sử dụng.

Ngoài ra, cần dựa trên các tiêu chuẩn: nguồn lực, dễ dàng truy cập và cơ sở hạ tầng hiện đại; hiệu quả sử dụng (đánh giá hiệu quả sử dụng các dịch vụ và nguồn lực thư viện); tiềm năng phát triển (đánh giá yếu tố đầu vào của thư viện dành cho các dịch vụ và nguồn lực nổi trội, khả năng huy động đủ nguồn kinh phí cho phát triển). Trong từng loại hình thư viện, cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn riêng để phù hợp.

Đối với thư viện công cộng, chú trọng sự sẵn có của các tài liệu; thư viện trường đại học được đánh giá tiêu chuẩn qua hiệu quả hỗ trợ chất lượng đào tạo của sinh viên; thư viện bộ, ngành được đánh giá qua việc người sử dụng mất bao nhiêu thời gian để tìm kiếm thông tin liên quan; thư viện cơ sở giáo dục đánh giá thông qua trình độ người sử dụng...  

Trên cơ sở ý kiến từ buổi tọa đàm, Bộ VHTTDL thu thập các dữ liệu làm căn cứ xây dựng thí điểm mô hình văn hóa đọc trong thư viện cộng đồng.

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho thấy, hoạt động thư viện năm 2017 khởi sắc, tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2016; tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017; số thẻ bạn đọc đạt 480.000 thẻ, tăng 3% so với năm 2016.

Năm 2017 cũng là năm bức phá lớn trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện cấp huyện với 9,9 triệu lượt bạn đọc và 20 triệu lượt sách, báo luân chuyển, tăng 40% so với năm 2016... (NGỌC HÀ)

;
.
.
.
.
.
.