Dấu ấn Nhà truyền thống quận Thanh Khê

.

Việc xây dựng, tổ chức trưng bày Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê nhằm đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.

UBND quận Thanh Khê quyết định nâng cấp cơ sở 374 Điện Biên Phủ, xây dựng thành Nhà truyền thống và Thư viện cấp quận.
UBND quận Thanh Khê quyết định nâng cấp cơ sở 374 Điện Biên Phủ, xây dựng thành Nhà truyền thống và Thư viện cấp quận.

Đầu năm 2018, UBND quận Thanh Khê quyết định nâng cấp cơ sở 374 Điện Biên Phủ thành Nhà truyền thống và Thư viện cấp quận. Nơi này trước đây là cơ sở làm việc của Phòng Văn hóa-Thông tin quận. Được xây dựng trên diện tích gần 600m2, Nhà truyền thống và Thư viện quận Thanh Khê được xây dựng theo lối kiến trúc mở hai tầng.

Tầng trên là Nhà truyền thống được thiết kế theo hình chữ nhật dài 16m và chia làm 3 phần: phần không gian khánh tiết, phần trưng bày theo nội dung lịch sử và phần hành lang.

Phòng không gian khánh tiết được bố trí long trọng, trưng bày các huân chương, huy chương, thành tích của quận qua các thời kỳ và chân dung, danh sách các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; kỷ yếu của quận Thanh Khê... Phần hành lang sử dụng trưng bày chuyên đề, thay đổi theo vấn đề thời sự.

Phòng trưng bày các nội dung lịch sử quận Thanh Khê có diện tích hơn 120m2, giới thiệu mảnh đất - con người Thanh Khê thông qua tài liệu, ảnh về các di tích trên địa bàn quận như: di tích lịch sử cấp quốc gia nhà lưu niệm Mẹ Nhu, tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, di tích cách mạng ngôi miếu Tam vị Thanh Khê và Hà Khê xây dựng vào năm Gia Long 1802, di tích cách mạng miếu bà xóm Thanh Minh, di tích cấp quốc gia đình làng Thạc Gián...

Tại không gian trưng bày này còn giới thiệu truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân Thanh Khê trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thông qua hình ảnh, tài liệu, hiện vật, như: các loại vũ khí thô sơ dùng trong kháng chiến chống Pháp, hủ gạo kháng chiến của nhân dân Thanh Khê ủng hộ cách mạng, ống tre đựng nước, đựng lương khô của bộ đội, vũ khí tự tạo của đội du kích Phan Thanh, hiện vật của các dũng sĩ Thanh Khê, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thanh Khê giai đoạn 1954-1975...

Quận Thanh Khê còn xây dựng mô hình sa bàn quận trước năm 1975 nhằm tái hiện chính xác hình ảnh quận Thanh Khê trong những năm kháng chiến. Tầng dưới là thư viện với phòng đọc và kho sách được sử dụng tra cứu tự do, giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm thông tin, tư liệu.

Ông Hồ Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê cho biết, Nhà truyền thống và Thư viện nằm trong cụm thiết chế văn hóa của quận, được xây dựng nhằm phục vụ đời sống văn hóa của người dân và góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Việc trưng bày tư liệu hình ảnh, hiện vật, kỷ vật còn nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ.

Ông Hồ Thành cho biết thêm, để thu hút người đọc đến với thư viện, Trung tâm sẽ tổ chức các ngày hội sách cho thiếu nhi và tạo thêm nhiều hoạt động giải trí lành mạnh, bổ ích. Thư viện cũng cố gắng tìm kiếm các đầu sách quý hiếm và cập nhập báo chí để thu hút đối tượng cán bộ hưu trí trên địa bàn quận. Về lâu dài, quận liên kết với các đơn vị xã hội và Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để mở rộng quy mô và thu hút bạn đọc.

Dự kiến, Ban Quản lý dự án quận sẽ hoàn thành và bàn giao dự án Nhà truyền thống và Thư viện cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận vào tháng 11-2018 nhân kỷ niệm 50 năm chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 - 26-12-2018).

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.