Góc khuất của tín ngưỡng thờ Mẫu

.

“Ngày trước, chỉ đến khi “sạch sành sanh mới biết đến manh áo đỏ”, nghĩa là do hoàn cảnh thúc ép, bức bách mới ra “trình đồng”. Còn bây giờ hầu đồng quá dễ dãi”, bà Đặng Thị Nuôi, gần 60 năm theo tín ngưỡng thờ Mẫu nhận xét.

Thanh đồng đang trang điểm để thực hiện nghi thức hầu đồng tại lễ hội truyền thống Bửu đản Thánh Mẫu đệ tam Thoải cung 2018 của đồng bào theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tam Giang Thánh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Thanh đồng đang trang điểm để thực hiện nghi thức hầu đồng tại lễ hội truyền thống Bửu đản Thánh Mẫu đệ tam Thoải cung 2018 của đồng bào theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tam Giang Thánh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Theo bà Nuôi, không phải bất kỳ ai cũng có thể hầu đồng mà những người có “căn số” được thánh “chấm chọn” là con cái của cửa Tứ phủ, có nhiệm vụ phải trình đồng và đi hầu thánh. Người nào được thần linh chọn thì đàn sang lễ trọng hay đàn sơ lễ mỏng cũng không quan trọng, vì cái chính là thánh thần đã chọn trong vô hình, còn đàn lễ chỉ là hình thức, không hề quan trọng.

Ông Trần Văn Hòa, đại diện cộng đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng cũng cho biết, để là một thanh đồng, ông Hòa từng được dạy về nghi lễ, lời ăn tiếng nói, tác phong đi đứng khi đăng đàn cũng như hàng loạt những vấn đề liên quan đến hầu thánh, tâm đức con nhà Tứ phủ.

Hiện Đà Nẵng có 200 am, đền, điện tư gia và thực tế sinh hoạt tín ngưỡng hầu đồng có diễn ra, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng của một bộ phận đồng bào đạo Mẫu. Tuy vậy, không ít đền, điện đã lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin và sự sợ hãi của một bộ phận người dân để trục lợi, làm xấu hình ảnh tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vin vào cớ người nào có “căn” mà chưa ra trình “thánh” thì thường bị ốm đau, làm ăn thất bát, chỉ khi “ra đồng” thì sức khỏe mới hồi phục, làm ăn mới hanh thông nên các đền, điện đều phán những người có “căn” phải trình thánh (hầu đồng) hoặc ra đồng với giá xấp xỉ từ 30 triệu đồng trở lên.

Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi tìm đến khu vực miếu Đôi (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Người dân xung quanh miếu Đôi cho biết, khi đường Hoàng Sa chưa mở, miếu Đôi nằm ẩn khuất trong rừng cây rậm rạp và chỉ có hai cái miếu nhỏ.

Sau này, dân làng cơi nới thêm và nhất là đường Hoàng Sa mở ra, ngôi miếu nằm ngay mặt tiền và người ta truyền tai nhau rằng miếu Đôi rất linh thiêng. Vì thế, không chỉ người dân địa phương mà người dân từ nhiều nơi khác cũng đến thắp hương, cúng bái.

Cũng từ nhiều năm nay, nơi đây xuất hiện thánh Điện Thiên Y A Na do bà N.T.T.H lập. Lấy lý do việc kinh doanh không suôn sẻ, chúng tôi xin gặp bà H., nhưng cánh cửa sơn màu vàng có đề tựa thánh Điện Thiên Y A Na vẫn đóng im ỉm, 2, 3 người phụ việc cho bà H. tỏ ra dè chừng và quan sát xem chúng tôi có “thành tâm” hay không mới cho đặt lịch.

Theo hẹn, chúng tôi trở lại và được “đệ tử” bà H. dẫn vào thánh điện. Khác với vẻ tự nhiên của những trang thờ ở phía ngoài mà người dân vẫn thường hay đến thắp hương, bên trong điện được trang trí hoành tráng có đủ các thánh, thần trong Tứ phủ.

Ngồi trước gương là bà H., một phụ nữ ngoài ngũ tuần, gương mặt khả ái, giọng Quảng nhỏ nhẹ hỏi chúng tôi đến làm gì. Sau khi nghe tôi giãi bày mình là chủ cửa hàng vải ở Hội An, lúc trước buôn bán đắt đỏ nhưng một năm nay việc làm ăn trở nên giảm sút, bà H. ngay lập tức ngáp dài và chuyển sang giọng Huế rồi phán tôi có căn của thánh Mẫu Liễu Hạnh và thánh Mẫu là người độ cho làm ăn phát đạt nhưng không trả ơn, không hầu nên thánh Mẫu thu hồi không cho nữa.

“Thánh giận, sao Thánh độ cho mà không biết, đi trả ơn nơi khác. Vậy có muốn làm lễ hầu đồng hay không? Nếu không có thời gian thì làm lễ ra đồng. Quyết định nhanh không bà thoát”, bà H. nói với tôi bằng giọng Huế nhài nhại.

Thấy tôi có vẻ chưa hiểu vấn đề, bà H. giải thích cặn kẽ rằng nếu muốn làm ăn trở lại bình thường thì phải làm theo lời bà dặn, bà H. sẽ đứng ra cúng “giúp”, chi phí khoảng 30-40 triệu đồng, dùng vào việc chuẩn bị trầu, trà thuốc, bánh kẹo, vàng mã, phát lộc, khăn áo...

Tại một đền tư gia nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hải Châu), chúng tôi muốn hỏi vì sao chứng đau đầu của cô em họ đang là sinh viên năm 2, mãi không hết, bác sĩ tìm không ra bệnh, lập tức, một người phụ nữ xưng “Cậu” phán nếu không đến đúng địa chỉ này thì cô em họ của tôi sẽ vì chứng bệnh này mà việc học đành bỏ dỡ.

Để chữa bệnh, “Cậu” giựt tóc, bóp đầu và cho uống rượu, nước đã được làm phép bằng nhang và hà hơi thuốc lá. “Cậu” hẹn quay lại lần thứ 2 để chữa dứt điểm rồi mới nhận lễ, nhưng liên tục nhắc nếu không chữa thì em họ tôi sẽ phải nghỉ học.

Ở góc nhà, một, hai đệ tử nhắc khéo chúng tôi tùy tâm đưa “Cậu” tiền trà nước. Tương tự, ở đền khác trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), chúng tôi vào vai một người lớn tuổi mà chưa có chồng và được phán có “căn”, nếu không “giải” sẽ chẳng thể nên duyên với bất kỳ người đàn ông nào.

Ông Hòa cho biết: “Ban đầu họ theo tín ngưỡng thờ Mẫu có thể vì cái duyên thật sự nhưng sau này trỗi dậy lòng tham. Điều thật sự khiến tôi trăn trở là bắt đầu có hiện tượng những người đến với hầu đồng không còn tín tâm cá nhân nữa mà đã trở thành một “trào lưu”.

Trước đây, phải khó khăn lắm người ta mới bắc ghế hầu Cha, hầu Mẹ chứ không phải như bây giờ. Tôi khẳng định, Mẫu chỉ cho con người những điều tốt đẹp, không xúi làm điều xấu. Những người làm sai sẽ gánh hậu quả. Tôi và những người tâm huyết với tín ngưỡng thờ Mẫu đã khuyên họ rất nhiều nhưng họ bị lợi ích che mắt, một mực không nghe”.

Ông Ngô Khôi, Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ thành phố):

Theo quy định pháp luật, các đền, điện thờ Mẫu tư gia không phải là cơ sở tín ngưỡng. Nếu qua các biện pháp nghiệp vụ chứng minh được yếu tố trục lợi trong hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác thì cơ quan chức năng căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo để xử phạt.

Hiện nay, Ban Đại diện Tam Giang Thánh điện tại phường Hòa Xuân đã xây dựng quy chế hoạt động. Đây là cơ sở pháp lý để đưa các hoạt động thờ Mẫu tại Tam Giang Thánh điện vào nền nếp, đúng quy định pháp luật nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ban Đại diện Tam Giang Thánh điện được bầu chọn cần phát huy vai trò của mình để làm cầu nối giữa những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu với chính quyền, qua đó giúp chính quyền tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con tín ngưỡng thờ Mẫu...

Các hoạt động thờ Mẫu tại gia (trong phạm vi gia đình) là quyền tự do tín ngưỡng của người dân, tuy nhiên, với những hoạt động tập trung đông người để thực hiện tín ngưỡng cần vận động bà con nên sinh hoạt tại Tam Giang Thánh điện, từ đó Ban đại diện sẽ kiểm soát và điều chỉnh các hành vi không đúng với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà):

Chúng tôi đã nhiều lần mời những người đang hoạt động tín ngưỡng tại miếu Đôi lên làm việc, gần đây nhất là vào tháng 4-2018. Tuy nhiên, bà H. thường né tránh và cử người khác đi thay. Chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu không tụ tập đông người, không đánh cờ bạc, không lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để mê tín dị đoan, lên đồng bói toán... Họ đã cam kết thực hiện và chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát hoạt động tại đây.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.