Xã hội hóa hoạt động văn hóa: Khó, vẫn làm

.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, nhờ thực hiện xã hội hóa (XHH) hoạt động văn hóa, tại Đà Nẵng đã nổi lên vài tụ điểm, hoạt động có thể đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Một tiết mục biểu diễn trong sự kiện Ngày hội tuổi thơ tổ chức tại Sân khấu Biển Đông đầu tháng 6.
Một tiết mục biểu diễn trong sự kiện Ngày hội tuổi thơ tổ chức tại Sân khấu Biển Đông đầu tháng 6.

Được xây dựng năm 2009, Công viên Biển Đông nhanh chóng trở thành điểm đến vui chơi của người dân và du khách. Từ năm 2012, một số sự kiện lễ hội được tổ chức tại đây như: Điểm hẹn mùa hè, Cuộc thi Marathon quốc tế…, nhưng vẫn thiếu các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Mãi đến năm 2014, nhằm mang đến sự mới lạ và đột phá trong tổ chức dịch vụ giải trí tại Đà Nẵng, doanh nghiệp Bảo Nguyên Food (BNF) đã phối hợp cùng Sở Du lịch, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng xây dựng Sân khấu Biển Đông - sân khấu ngoài trời đầu tiên tại Đà Nẵng.

Từ đây, nhiều chương trình âm nhạc được tổ chức hằng đêm phục vụ mọi đối tượng khán giả. Các bạn trẻ có thể thỏa sức bùng nổ cùng âm thanh và những điệu nhảy sôi động; trong khi đó, khán giả ở độ tuổi trung niên có thể tìm về với hoài niệm và văn hóa dân tộc qua các chương trình bolero, hát bài chòi…; các em thiếu nhi có chương trình riêng vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần.

Sân khấu Biển Đông còn trở thành điểm đến của nhiều sự kiện văn hóa, giải trí lớn tại Đà Nẵng như: Giao lưu nghệ thuật giữa ban nhạc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ với các nghệ sĩ Việt Nam; giao lưu các ban nhạc đến từ Pháp, Bỉ, đêm hòa nhạc của các nghệ sĩ Hàn Quốc; liveshow Mỹ Tâm, Đức Minh; liên hoan các ban, nhóm nhạc miền Trung, Gala tài năng nhí, Ngày hội tuổi thơ...

Đến nay, với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, Sân khấu Biển Đông được những người trong giới nghệ thuật đánh giá có trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh chất lượng cao và tổ chức nhiều sự kiện chuyên nghiệp; được người dân và du khách tìm đến thưởng thức âm nhạc.

Một điểm đặc biệt là Sân khấu Biển Đông được đầu tư theo hình thức XHH, chỉ được cấp địa điểm biểu diễn và hoàn toàn không sử dụng ngân sách của thành phố. Anh Phùng Văn Thuận, Giám đốc BNF cũng là người điều hành Sân khấu Biển Đông cho biết, đây là hình thức sân khấu mở phục vụ cộng đồng, lại không được phép bán vé nên đơn vị phải dựa vào việc bán nước giải khát với giá từ 25.000 đồng để bù vào kinh phí tổ chức, âm thanh, ánh sáng, diễn viên, ca sĩ...

“Từ ngày đầu tư vào Sân khấu Biển Đông, tôi như thêm “con dại”, cứ chăm lo từng tí, thậm chí phải lấy nghề tay phải kinh doanh thực phẩm để “nuôi” sân khấu này. Nhiều người bảo tôi “chơi ngông” bởi trong khi những sân khấu chuyên nghiệp được nuôi bằng ngân sách thành phố vẫn khó sáng đèn hằng đêm thì tôi lại lao vào làm nghệ thuật với hình thức tự thu, tự chi.

Nhưng rất khó để lý giải được mong muốn tạo ra một điểm đến giải trí cho người dân và du khách trong tôi. Tôi nghĩ rằng sự nỗ lực nào rồi cũng được đền đáp xứng đáng. Hiện tại, những chương trình âm nhạc, sự kiện được tổ chức ở đây được công chúng đón nhận là động lực để chúng tôi tiếp tục con đường khó khăn phía trước”, anh Phùng Văn Thuận chia sẻ.

Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, gần đây, hoạt động văn hóa đọc XHH thành công được nhắc đến nhiều nhất là Hội sách Hải Châu. Với việc kêu gọi Công ty Văn hóa Phương Nam đồng tổ chức, UBND quận Hải Châu đã từng bước nâng tầm hội sách thành điểm hẹn văn hóa không chỉ riêng cho độc giả Đà Nẵng mà còn cả khu vực miền trung.

Từ năm 2014 đến nay, qua 4 lần tổ chức, sự chuyên nghiệp là điều mang lại thành công dễ nhận thấy nhất từ khâu trang trí cổng chào, bày trí các gian hàng, sắp xếp từng loại sách sao cho tiện ích nhất với khách hàng, đến cách tổ chức các chương trình giao lưu như thế nào để thu hút bạn đọc…

Để làm được điều này, Ban tổ chức Hội sách đã đầu tư nghiêm túc, hướng đến nhu cầu thực sự của bạn đọc, xem bạn đọc là đối tượng khách hàng. Chia sẻ thêm về điều này, Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt cho biết, năm đầu tiên tổ chức, Hội sách chỉ vỏn vẹn 10 đơn vị tham gia, đến nay sau 4 năm, con số đó đã tăng lên gấp hàng chục lần, là minh chứng thuyết phục cho sự phát triển bứt phá của Hội sách Hải Châu.

Qua mỗi năm, Ban tổ chức cùng ngồi lại đánh giá, phân tích nhu cầu, cũng như lấy ý kiến của khách hàng về tác phẩm mong muốn, về chương trình hoạt động, thậm chí về đối tượng khách mời giao lưu...

Trong những cuộc họp gần đây về lĩnh vực văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động XHH, đặc biệt khi thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ban hành ngày 22-3-2016 quy định một số chính sách khuyến khích XHH đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa; đồng thời bày tỏ băn khoăn vì nhiều dự án trong lĩnh vực văn hóa như Đường sách, Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn… khó kêu gọi XHH. Vì vậy, những “điểm sáng” trong XHH hoạt động văn hóa cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.