Thu hút khách đến các điểm văn hóa

Du lịch và văn hóa chưa "gặp nhau"

.

Thành phố Đà Nẵng có số lượng bảo tàng, di sản, di tích khá lớn; tuy nhiên, để những địa điểm này trở thành điểm đến phục vụ du lịch, phát huy giá trị di sản vẫn còn là bài toán khó cho các ngành chức năng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm được ví là “con gà đẻ trứng vàng” cho du lịch thành phố.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được ví là “con gà đẻ trứng vàng” cho du lịch thành phố.

Nỗ lực thu hút khách

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 4 di sản nằm trong danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, 51 di tích cấp thành phố và 40 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, chưa kể các bảo tàng và bộ sưu tập, trưng bày có giá trị cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc khác.

Tuy nhiên, đến nay, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm và danh thắng Ngũ Hành Sơn được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách, các điểm bảo tàng, di tích khác vẫn đang nỗ lực thu hút khách.

Trong hệ thống bảo tàng (công lập lẫn tư nhân), Bảo tàng Đà Nẵng thời gian qua gây được sự chú ý khi mỗi ngày có khá nhiều đoàn khách đến tham quan. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đón 131.337 lượt khách (109.989 khách nước ngoài).

Anh Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, có được kết quả này là cả quá trình xây dựng hình ảnh điểm đến cũng như sự đổi mới phương thức hoạt động. Đầu tiên là việc bảo tàng tiếp cận và áp dụng phương pháp truyền thông truyền thống lẫn truyền thông điện tử, ứng dụng các hình thức quảng bá qua mạng.

Bảo tàng còn thực hiện chỉnh lý tại các không gian trưng bày nhằm mang đến cho du khách những điều mới mẻ, hấp dẫn và khác biệt; đồng thời chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế hấp dẫn cũng như cung cấp các dịch vụ như: quầy giải khát, lưu niệm, wifi miễn phí... để khách có cảm giác thoải mái.

Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 và trở thành điểm hẹn của những người yêu mỹ thuật. Từ tháng 7-2017, Bảo tàng Mỹ thuật bắt đầu bán vé tham quan, tổng lượng vé bán ra trong năm đạt 6.246 lượt; riêng 6 tháng đầu năm 2018 bán ra 6.153 vé.

Ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, nhằm mục đích thu hút khách, bảo tàng đã chủ động tổ chức gặp 60 đơn vị lữ hành trên địa bàn để đưa bảo tàng vào tour, tuyến; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch để giới thiệu quảng bá hình ảnh của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch của thành phố; xây dựng trang web, thiết kế logo và in tờ gấp, sách giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh; gửi thông báo đến các trường học…

“Mục tiêu trở thành điểm hẹn của những người yêu mỹ thuật thành phố và giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên, học sinh thì chúng tôi đã đạt được kết quả khả quan, nhưng thu hút khách đoàn, tạo doanh thu vẫn là điều không dễ. Gần một năm trôi qua, chưa đơn vị lữ hành nào có câu trả lời, khách nước ngoài đến bảo tàng hầu hết là khách lẻ”, ông Vân nói.

Dù chính quyền Đà Nẵng đã nỗ lực bảo tồn các di tích nhưng để biến những địa điểm này thành “con tằm nhả tơ” thì vẫn còn bỏ ngỏ. Một số di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhưng chưa được quảng bá rộng rãi và chưa được quan tâm đúng tầm như: đình làng Hải Châu, đình làng Thạc Gián, hệ thống các di tích lịch sử như:

khu di tích lịch sử K20, khu di tích lịch sử Cách mạng B1-Hồng Phước, nhà thờ tiền hiền làng An Hải, đền thờ Thoại Ngọc Hầu, làng nghề điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn. Ở những điểm này, lượng khách tham quan còn rất hạn chế, hầu như chưa được đưa vào các tour, tuyến của các đơn vị khai thác lữ hành.

Cần khai thác hiệu quả

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, gần đây, khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tour du lịch 0 đồng và những điểm miễn phí được đưa vào tour như: Nhà thờ con Gà, Hội thánh Cao đài...

Riêng đối với lĩnh vực nghệ thuật, các công ty lữ hành kết nối và đưa khách, đặc biệt là khách Trung Quốc đến thưởng thức chương trình nghệ thuật Charming Đà Nẵng. “Cốt lõi của vấn đề thì tôi cho rằng hai lĩnh vực du lịch và văn hóa ngày càng xa rời nhau.

Cần có quy hoạch tổng thể các tour, tuyến đối với du lịch Đà Nẵng, trong đó ít nhất phải có từ 1- 2 điểm văn hóa”, ông Tuấn nói.

Lý giải thêm, ông Tuấn cho biết, Hội An hay Thừa Thiên Huế đã tổ chức bán vé tham quan tổng thể gồm rất nhiều điểm đến. Du khách có thể đến hoặc không đến các điểm văn hóa, nghệ thuật, nhưng tại các điểm đó vẫn luôn diễn ra hoạt động nhờ nguồn kinh phí được chia lại từ giá vé tham quan.

Từ những hoạt động sơ khởi này sẽ dần dần cho du khách thấy cái hay của văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng. Nếu không đưa vào tour, tuyến thì có quảng bá, tuyên truyền du khách cũng khó muốn đến.

Trong khi đó, ông Hà Thanh Vân cho biết, gần một năm trôi qua, vẫn chưa có đơn vị lữ hành nào đưa ra câu trả lời về việc đưa bảo tàng vào tour, tuyến. Khách nước ngoài đến bảo tàng hầu hết là khách lẻ. Vì thế, ông Vân cho rằng, Phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch thành phố) cần có động thái hỗ trợ tích cực, đặc biệt trong kết nối, tham mưu các đơn vị lữ hành trong vấn đề đưa các điểm văn hóa của Đà Nẵng vào tour, tuyến.

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị lữ hành chưa đưa các điểm di tích vào các tour, tuyến; trong đó phải kể đến công tác trưng bày, giới thiệu sản vật, tư liệu, nhân lực phục vụ, hướng dẫn viên tại điểm, một số nằm ở vị trí không thuận lợi, sâu trong khu dân cư, hạ tầng dịch vụ phục vụ khách như điểm đậu đỗ xe, khu vực giải khát, bán quà lưu niệm, khu vực vệ sinh chưa sẵn sàng.

“Tôi cho rằng, với một số điểm có vị trí thuận lợi thì nên chủ động tạo sự hấp dẫn, đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền thông qua các kênh thông tin truyền thống và hiện đại từ tờ gấp, băng rôn đến các phần mềm trên thiết bị điện tử, tạo thêm các sản phẩm đi kèm để thu hút khách.

Sở Du lịch đã phối hợp với khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) tiến hành khảo sát hiện trạng các địa điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử có tiềm năng phục vụ khách du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa để tham mưu phát triển các điểm di tích văn hóa thành sản phẩm du lịch theo mức độ ưu tiên về khả năng sẵn sàng phục vụ khách của các điểm như vậy”, ông Bình chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.