Phát triển nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp

.

Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có hai nhà hát hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp (Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên chất lượng. Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đưa nghệ thuật biểu diễn đến gần công chúng, các nhà hát đang nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng các chương trình đỉnh cao để đưa vào khai thác, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tương xứng với vị thế thành phố.

Tiết mục múa Chăm trong chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” phục vụ khách du lịch của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.  Ảnh: XUÂN DŨNG
Tiết mục múa Chăm trong chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” phục vụ khách du lịch của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: XUÂN DŨNG

Có thể thấy, những năm trở lại đây, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ chuyên nghiệp đến quần chúng được tổ chức thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước và thành phố, tạo không khí tươi vui, phấn khởi cho nhân dân, du khách. Đóng góp vào kết quả chung này, tập thể 2 nhà hát của thành phố đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Trong đó, Nhà hát Trưng Vương tích cực liên hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố để hợp đồng dàn dựng và biểu diễn những chương trình nghệ thuật đặc sắc, chất lượng cao phục vụ tại các sự kiện, lễ hội và khách du lịch. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tích cực phục dựng lại các trích đoạn tuồng cổ, xây dựng các vở diễn mới biểu diễn tại nhà hát, các chương trình “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu học đường”, “Con đường di sản” tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng vào tối thứ 5 và thứ 7 hằng tuần…

Từ những hoạt động này, 2 nhà hát đã hình thành được đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên có chuyên môn khá, đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Đây là tiền đề để thành phố đẩy mạnh phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng những chương trình có chuyên môn, chất lượng cao, mang bản sắc riêng, nhanh chóng bắt kịp hai đầu đất nước.

Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, đơn vị hiện có đội ngũ diễn viên, nhạc công với 51 người. Trong đó, có hơn 10 người là NSND, NSƯT dày dặn kinh nghiệm, còn lại là các diễn viên, nhạc công tài năng, được đào tạo bài bản. Trong năm 2022, 2023, đoàn nghệ sĩ của nhà hát đã tham gia 3 cuộc thi, liên hoan về tuồng, nhạc cụ dân tộc toàn quốc và đều giành được giải thưởng cao. Điều này khẳng định chất lượng nguồn nhân lực của nhà hát hiện có, đồng thời để lại dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật tuồng truyền thống của Đà Nẵng đối với giới chuyên môn và công chúng cả nước. Với các tiết mục, trích đoạn tuồng đạt giải, nhà hát chủ động lồng ghép, đưa vào các chương trình nghệ thuật định kỳ, thường niên để phục vụ người dân, du khách. Đặc biệt, để đa dạng các chương trình khai thác, nhà hát đang xây dựng chương trình “Hương sắc Đà Nẵng” với 12 tiết mục nghệ thuật đặc sắc, dự kiến sẽ báo cáo cuối tháng 9-2023. Chương trình này được đầu tư công phu, có các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng trực tiếp dàn dựng. Trong đó, có 3 tiết mục mới, gồm: độc tấu đàn đá, múa mắt lưới và hò bả trạo.

“Chương trình này tập hợp các tiết mục nghệ thuật truyền thống bề thế, mang bản sắc văn hóa biển của thành phố. Nhà hát kỳ vọng sau khi ra mắt, chương trình sẽ là điểm nhấn thu hút nhân dân, du khách”, ông Tuấn chia sẻ.

Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng, đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật toàn quốc.  TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn hoạt cảnh “Ngày hội quê tôi” tại chương trình nghệ thuật “Hồn Việt”. Ảnh: X.D
Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng, đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật toàn quốc. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn hoạt cảnh “Ngày hội quê tôi” tại chương trình nghệ thuật “Hồn Việt”. Ảnh: X.D

Xác định hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là giá trị cốt lõi, Nhà hát Trưng Vương đã chủ động xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trẻ trung, tài năng. Đội ngũ này thường xuyên phục vụ nghệ thuật trong các lễ hội, sự kiện lớn của thành phố. Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Trần Văn Hào cho biết, đơn vị đang xây dựng một đề án phát triển tổng lực, nâng tầm một cách toàn diện, từ cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực của nhà hát. Trong đó, có đề xuất thành phố cho đổi tên Nhà hát Trưng Vương thành Nhà hát ca múa nhạc Trưng Vương, kết nối đưa các đoàn nghệ thuật nổi tiếng, chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm về Đà Nẵng biểu diễn…

Thời gian tới, Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng sẽ phát triển các hoạt động nghệ thuật mang tính công nghiệp văn hóa, quy mô quốc tế. Vì vậy, nhà hát đang tập trung phát triển nguồn nhân lực năng động, có thể thích ứng với môi trường cũng như xu hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong tương lai. “Nhà hát cũng có kế hoạch mời các chuyên gia người nước ngoài về đào tạo cho đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công về kỹ năng biểu diễn, hòa âm phối khí, thanh nhạc… Từ đó, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà hát, cho ra mắt những tiết mục, chương trình nghệ thuật đỉnh cao, tạo dấu ấn cho hoạt động biểu diễn của thành phố”, ông Hào cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, thông qua các hoạt động, cuộc thi, hội diễn về nghệ thuật, nguồn nhân lực của các nhà hát được cọ xát, bồi dưỡng, xác định đúng năng lực để định hình kế hoạch phát triển trong tương lai. Nhìn chung, nguồn nhân lực cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn của thành phố, đặc biệt là ở 2 nhà hát hiện nay tương đối dồi dào, có tài và sắc, phục vụ tốt công tác chính trị, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn quần chúng. Tuy nhiên, thành phố vẫn xác định cần phải đẩy mạnh hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, nhất là xây dựng được những show diễn đặc sắc, có dấu ấn riêng. Vừa qua, sở đã làm việc, đề xuất Cục nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hỗ trợ về hợp tác quốc tế, đưa các ban nhóm nhạc nổi tiếng thế giới về Đà Nẵng biểu diễn; kết nối đưa các dàn nhạc về biểu diễn ở các không gian tại thành phố. Qua đó, tạo ra môi trường văn hóa sôi động, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các đối tượng công chúng.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.