.

"Chuyện nghề của Thủy" lần tìm về "quê hương"

.

(ĐNĐT) - Rất nhiều nước mắt đã chảy trong buổi ra mắt tập sách “Chuyện nghề của Thủy” tại Nhà sách Phương Nam Đà Nẵng vào sáng 15-6.

Nhân vật chính - đạo diễn phim tài liệu, tác giả cuốn sách - Trần Văn Thủy không giấu được những giọt nước mắt, những cảm xúc dâng trào khiến ông nghẹn lời khi kể về những ngày lăn lộn tại chiến trường Quảng Đà, quay những thước phim quý giá về từng con người, từng vùng đất bị đạn bom cày xới. Ông bảo: “Tôi về đây như về nhà, cho phép tôi được nhận đây là quê hương của tôi”. Quê hương ấy là vùng đất Duy Xuyên những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến, hiển hiện trong từng trường đoạn của bộ phim Những người dân quê tôi: “Những người trong phim có đến hàng trăm, may lắm có hai người còn sống!” và một nhân vật còn sống ấy là chị Văn Thị Xoa, nguyên là xã đội trưởng Xuyên Châu của huyện Duy Xuyên.

Bây giờ, sau hơn 40 năm gặp lại, chị vẫn không khác nhiều lắm như những dòng vị đạo diễn miêu tả về chị trong cuốn sách, vẫn còn nguyên vết sẹo do đạn bắn thẳng vào làm biến dạng một nửa khuôn mặt. Giá như ngày đó, khi Trần Văn Thủy trở ra Bắc, ốm yếu chỉ còn 42 kg, tay ôm khư khư đống phim đem về từ chiến trường, có bao nhiêu kẻ nghi ngờ ông “lừa dối, có quay quắt gì đâu, chiến trường ác liệt quá thì bấm đại cho hết cơ số phim được giao và… “B quay” (chuồn ra Bắc)”. Rất nhiều tháng sau ông mới dựng được bộ phim và sau này Những người dân quê tôi được trao giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim (LHP) Leipzig 1970. Giá như lúc đó, xã đội trưởng Văn Thị Xoa xuất hiện, thì ông không phải đau đáu, vật vã dựng phim để chứng minh bộ phim do mình tự biên kịch, đạo diễn, quay phim, tự đào hầm bí mật, đào hố giấu phim, rồi tự cõng phim trở ra Bắc giao cho Cục Điện ảnh!

Tác giả và cuốn sách
Tác giả Trần Văn Thủy giới thiệu về cuốn sách Chuyện nghề của Thủy

Và trong buổi ra mắt cuốn sách, ông Trần Văn Thủy đã trao lại cho anh Châu Giang và chị Cẩm Linh, hai người con của liệt sĩ Tý (bút danh Triều Phương, anh là nhà thơ, nhà giáo, có lúc là trưởng phòng giáo dục, có lúc là trưởng đoàn văn công của tỉnh Quảng Đà) những lá thư ông Tý gửi cho Trần Văn Thủy lúc ông đã trở ra Bắc. Liệt sĩ Tý có lẽ là người mà vị đạo diễn này mang ơn nhiều nhất, vì nhờ có ông giới thiệu, dẫn dắt mà Những người dân quê tôi mới nên vóc nên hình. Và Trần Văn Thủy đã đưa tên Triều Phương lên phim, là đồng tác giả với ông.

Phần về chiến tranh, về chiến trường Quảng Đà rất đậm trong “Chuyện nghề của Thủy”, bởi thế nó đầy ắp tình người. Nên ông đã phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách rằng: “Những tháng ngày ở chiến trường, tôi thấy tự tin, vui vẻ bao nhiêu thì trong cuộc sống sau này bầm dập bấy nhiêu”.

Có mặt trong buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Những người làm phim như Thủy là những người đặc biệt nhất, can đảm nhất. Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thủy có một cái gì đó hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hoà quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của phim tư liệu lên rất nhiều…”

“Chuyện nghề của Thủy” gồm 29 chương, là cuộc đời của Thủy từ lúc ấu thơ cho đến tuổi thất thập cổ lai hy qua lời kể của nhân vật chính và ghi chép của Lê Thanh Dũng, một người bạn tri kỷ. Ông nói rằng cuốn sách của mình như được viết bằng máu, bởi những gì xảy ra là sự thật một nghìn phần nghìn. Và cái sự thật đó (rất quan trọng với phim tài liệu) khiến cho ông bị bầm dập, bị theo dõi khi bộ phim Hà Nội trong mắt ai ra đời. Nhiều năm sau, khi bộ phim này vẫn đang bị cấm chiếu, Trần Văn Thủy làm tiếp bộ phim Chuyện tử tế và số phận của nó cũng long đong, lận đận không kém. Cách làm bộ phim đó là… vừa đi vừa tìm, vừa làm vừa nghĩ mà không có cái gì trước cả. Điều này làm tôi nghĩ ngay đến những bộ phim tài liệu về các vấn đề của đời sống đương đại theo phong cách điện ảnh hiện thực (cinema direct) mà nhiều đạo diễn trẻ của Việt Nam đang theo đuổi do được Hiệp hội điện ảnh Varan đào tạo trong gần 10 năm qua.

Trần Văn Thủy, người bắt đầu làm quen với “phim và ảnh” năm mười ba tuổi, lớn lên thành chàng trai hai mươi lăm tuổi thất thểu từ Tây Bắc về, rón rén gõ cửa trường Điện ảnh, đến nay đã kịp để lại những dấu ấn cho ngành Điện ảnh Việt Nam bằng hàng chục bộ phim đoạt giải cao ở các LHP quốc gia và quốc tế. Trần Văn Thủy luôn gắn bó với dân - đây là lớp nhân vật khiến “hồn vía” những bộ phim của ông thực sự đi vào lòng người. Ông nói rằng nhân vật trong các phim của ông toàn là nhân vật bình thường, là nhà sư mất chùa, là bà mẹ mất con, là ông thầy giáo bán rau giữa chợ… Và qua cuốn sách kể về chuyện nghề, chuyện làm phim tài liệu, Trần Văn Thủy cho rằng: “Chuyện của tôi là chuyện nhỏ, tôi may mắn vì tôi còn tồn tại, còn làm được việc, còn được gặp bạn bè khi đi qua cuộc chiến tranh”. Bởi nhiều nhân vật, bạn bè của ông mãi mãi nằm xuống trên chiến trường Quảng Đà hoặc nhiều người “có chuyện lớn hơn mà các bạn chưa biết đến”. 

Trong cuộc đời, Trần Văn Thủy đã không làm nhiều phim, nhưng lại có rất nhiều phim đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Ông làm phim cẩn thận, theo đuổi nhiều vấn đề thời sự, nói những điều chưa ai nói. Lê Thanh Dũng, người chắp bút cho cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy” nói về ông: “Trần Văn Thuỷ cũng là một con người, có những “hỷ nộ ái ố” như mọi người. Hắn lại là một nghệ sĩ, đã là nghệ sĩ thì cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều nhạy cảm, dễ rung động. Hắn kể lại chuyện đã qua như để nói chuyện với chính mình sau một chặng đường dài trên đường đời, mà như hắn nói, có quá nhiều những sự tình cờ, hên xui, may rủi. Nhưng tóm lại, vui thì ít, buồn thì nhiều.”

“Mỗi người có thể có những cách nhìn khác nhau về những gì đã qua. Đó là chuyện bình thường; người ta thường nói “chín người mười ý” kia mà! Những điều bộc bạch trong cuốn sách này cũng là một cách nhìn. Và tôi nghĩ, đó là một cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật.”

Sinh năm 1940 tại Nam Định, đến nay, Trần Văn Thủy làm trên 20 phim, trong đó có các tác phẩm đoạt giải thưởng cao, phản ánh một cách gai góc hiện thực của lịch sử như:

Những người dân quê tôi, phim đầu tay quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ câu Bạc tại LHP quốc tế Leipzig (1970)

Phản Bội, phim về chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, giải vàng LHP Việt Nam 1980

Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988

Chuyện tử tế, nội dung về thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất, đoạt giải Bồ câu Bạc LHP quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig” (1985).

- Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, năm 1999, giải Phim ngắn hay nhất, LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43.

- Chuyện từ một góc phố, năm 2003, phim về những hậu quả của chất độc da cam để lại trong gia đình một cựu phóng viên chiến trường.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.