.

GS Lưu Lệ Hằng: Diêm Vương tinh không thể lấy lại địa vị một hành tinh

.

Mấy ngày qua, tàu thăm dò Những chân trời mới (New Horizons) của NASA liên tục truyền về Trái đất nhiều bức ảnh những rặng núi băng trên Diêm Vương tinh (Pluto), cũng như nhiều thông tin về các vệ tinh, tức là các “mặt trăng” của “hành tinh lùn” này như: Charon, Hydra, Nix và Kerberos.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) và GS Trần Thanh Vân cùng dự tiệc chiêu đãi với GS Lưu Lệ Hằng tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) và GS Trần Thanh Vân cùng dự tiệc chiêu đãi với GS Lưu Lệ Hằng tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn.

Nhưng có lẽ thông tin gây chấn động nhất là: Do ở gần hơn nên Những chân trời mới đã tiến hành đo đạc được chính xác hơn đường kính của Diêm Vương tinh, đạt tới 1.473 dặm Anh, bằng chiều dọc của nước Mỹ. Và như vậy, nó được khẳng định là thành viên có kích thước lớn nhất trong Vành đai Kuiper (vành đai các tiểu hành tinh ở vùng ngoại vi Hệ Mặt trời).

Với thông tin này, ở Mỹ dấy lên tranh cãi gay gắt trong công chúng xem có nên phục hồi địa vị một hành tinh đích thực cho Diêm Vương tinh, chứ không phải “giáng cấp” nó, chỉ còn là một “hành tinh lùn” (dwarf planet) như Hiệp hội Thiên văn học quốc tế (IAU) quyết định vào năm 2006, bởi cho rằng Diêm Vương tinh không đạt đủ các tiêu chí của một hành tinh.

Sở dĩ có sự “giáng cấp” đó là do năm 2005, Michael Browm, một thành viên trong nhóm nghiên cứu Vành đai Kuiper, cùng làm việc với David Jewitt và Jane Luu (Lưu Lệ Hằng) phát hiện ra thiên thể Eris có khối lượng còn lớn hơn Diêm Vương tinh. Lúc bấy giờ, M. Brown bị coi là “kẻ sát thủ Diêm Vương tinh” (Plutokiller) bởi lẽ, kể từ đấy, Diêm Vương tinh “mất thiêng”, không còn giữ được địa vị là một trong số 9 hành tinh của Hệ Mặt trời, mà chỉ đơn giản là một thiên thể thành viên trong Vành đai Kuiper,  “bằng vai phải lứa” với Eris. Đó là chưa nói còn có phần sút kém Eris về khối lượng

Tuy nhiên, vào thứ hai vừa qua, Những chân trời mới đã đo đạc được chính xác hơn đường kính của Diêm Vương tinh và kết luận rằng thiên thể này lớn hơn Eris, nên vẫn xứng đáng là “ông vua” của Vành đai Kuiper.

Vậy có nên xét lại kết luận của IAU, không giáng cấp Diêm Vương tinh xuống thành “hành tinh lùn”, mà phục hồi vị thế cho thiên thể này là một hành tinh đích thực?

Diêm Vương tinh. (Ảnh do tàu Những chân trời mới chụp)
Diêm Vương tinh. (Ảnh do tàu Những chân trời mới chụp)

Tranh cãi về địa vị của Diêm Vương tinh

Thật ra, ngay từ năm 2006, quyết định của IAU xem Diêm Vương tinh chỉ một “hành tinh lùn”, và Hệ Mặt trời chỉ có 8 hành tinh, chứ không phải là 9 như trước, đã khiến những người từng gắn bó với Diêm Vương tinh phản đối, vì nhiều lý do khác nhau.

Trẻ em thích sự nhỏ nhắn đáng yêu của Diêm Vương tinh. Người lớn lại đồng nhất chính mình với cái địa vị bị “khai trừ” hay bị “gạt ra ngoài lề” của Diêm Vương tinh. Còn những người bảo thủ thì không thích bất cứ ai thay đổi số lượng các hành tinh đã biết, chỉ vì một vài tiêu chí mang tính “kỹ thuật”.

Số phận trớ trêu của cuộc nghiên cứu Vành đai Kuiper là ban đầu định tìm kiếm thêm hành tinh thứ 10, nhưng cuối cùng lại làm giảm số hành tinh từ 9 xuống chỉ còn 8. Điều đó khiến cho một bộ phận công chúng cảm thấy bị hụt hẫng, buồn phiền!

Việc tàu thăm dò Những chân trời mới đo được đường kính Diêm Vương tinh chính xác hơn, và khẳng định đó là thành viên lớn nhất trong Vành đai Kuiper bỗng gây nên sự bùng phát trở lại cuộc tranh cãi về địa vị của Diêm Vương tinh.

Không chỉ các trẻ nhỏ yêu mến Diêm Vương tinh và luôn mong muốn nó có địa vị một hành tinh trong Hệ Mặt trời, mà ngay cả một số chuyên gia thiên văn học cũng mong muốn thế. Năm 2014, Trung tâm Harvard-Smithsonian đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu vui vẻ bằng cách giơ tay. Kết quả là đa số các thành viên của trung tâm này tán thành vẫn coi Diêm Vương tinh là một hành tinh. Đây là một trung tâm lớn về nghiên cứu vũ trụ của Đại học Harvard danh tiếng ở Mỹ.

Thậm chí, nhà khoa học hành tinh Alan Stern, người tham gia chương trình tàu thăm dò Những chân trời mới, cũng không đồng ý với quyết định của IAU. Ông cho rằng sở dĩ Diêm Vương tinh bị “giáng cấp” chỉ vì nó ở quá xa Mặt trời.

Ý kiến của GS Trịnh Xuân Thuận

Vậy đâu là ý kiến của nhà thiên văn học gốc Việt nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận? Trong cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao xuất bản ở Paris năm 2009, ông viết: “Về phần mình, tôi không nghĩ cần phải sáng tạo ra một nhóm thiên thể mới gọi là “hành tinh lùn” chỉ vì muốn giải quyết ổn thỏa trường hợp của Diêm Vương tinh. Chỉ cần đơn giản gọi nó là một thiên thể trong Vành đai Kuiper là đủ. Nó chắc chắn là một trong những thiên thể lớn nhất nhưng, về cơ bản, nó không khác với vô số các thiên thể khác trong vành đai này”.

Ông cho rằng, hệ thống thuật ngữ và phân loại phát triển theo những hiểu biết của chúng ta là một quá trình hoàn toàn tự nhiên của khoa học. Tình huống này cũng từng xảy ra khi các tiểu hành tinh lớn đầu tiên được phát hiện hồi đầu thế kỷ XIX. Hồi bấy giờ, chúng cũng bị nhận lầm là những hành tinh, như Vesta, Juno, Ceres, Pallas. Song, về sau, các nhà thiên văn học mới thấy rõ chúng chỉ là các tiểu hành tinh có kích thước lớn, nằm giữa Hỏa tinh và Mộc tinh.

Ý kiến của GS Lưu Lệ Hằng

Trong buổi nói chuyện với công chúng yêu thiên văn học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 24-7, tôi đã nêu câu hỏi về cuộc tranh cãi hiện đang bùng phát ở Mỹ về địa vị của Diêm Vương tinh và được GS Lưu Lệ Hằng trả lời như sau:

“Khi danh hiệu hành tinh của Diêm Vương tinh bị lung lay, đã có làn sóng phản đối việc loại bỏ nó ra khỏi tập hợp các hành tinh của Hệ Mặt trời. Một số người cảm thấy bị phản bội, bởi trong một thời gian dài, họ đã được dạy Diêm Vương tinh là một hành tinh, thế mà nay họ lại được nghe nói rằng điều đó không đúng. Tại sao họ cứ phải tin vào các nhà thiên văn học hiện nay? Câu trả lời hiển nhiên: Bản chất của khoa học là thay đổi. Công việc của các nhà khoa học là phá bỏ những ý tưởng cũ và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới, phù hợp hơn với các quan sát. Đó được gọi là tiến bộ khoa học.

Nhiều người, trong đó có cả các nhà thiên văn học, cho rằng giáng cấp Diêm Vương tinh là thiếu tôn trọng đối với Tombaugh (người đã phát hiện ra Diêm Vương tinh năm 1930), với công chúng, đặc biệt là với trẻ em, vì “các em yêu thích Diêm Vương tinh nhỏ nhắn”.

Chúng tôi không muốn làm tổn thương cảm xúc của mọi người, đặc biệt là của trẻ em. Nhưng khoa học không phụ thuộc vào cảm xúc của công chúng hay của trẻ em. Thực tế, trước đây, Diêm Vương tinh đã được phân loại sai như một hành tinh. Nó là một vật thể lớn, nhưng nó cũng chỉ là một vật thể không có gì nổi bật trong Vành đai Kuiper”.

HÀM CHÂU

;
.
.
.
.
.