.

Giải pháp hiệu quả tiết kiệm năng lượng

.

Trong những năm qua, điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng rất lớn và ngày một gia tăng. Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năng lượng đã và đang mang đến những thách thức mới. Tổn thất năng lượng tại doanh nghiệp (DN) nếu không được đánh giá kịp thời sẽ làm chi phí sản xuất gia tăng, giảm khả năng cạnh tranh của DN. Kiểm toán năng lượng (KTNL) là một trong những giải pháp giúp các DN sản xuất sử dụng năng lượng ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Mô hình tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng.        ảnh: Thanh Thảo
Mô hình tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng. ảnh: Thanh Thảo

Chi phí tiêu thụ điện năng lớn

Trong năm 2015, điện thương phẩm toàn thành phố đạt mức 2.253,784 triệu kWh, tăng trưởng 11% so với năm 2014. Theo thống kê của Sở Công thương, điện năng được tiêu thụ tại nhóm đối tượng kinh doanh - dịch vụ chiếm gần 60% điện năng tiêu thụ toàn thành phố, với mức tăng trưởng từ năm 2010 đến 2015 trung bình 23,5%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 47,34%, khách sạn, nhà hàng và thương nghiệp chiếm 13,51%.

Qua thực tế cho thấy, DN ngày càng phát triển mà không thực hiện việc quản lý giám sát tiêu thụ điện năng dẫn đến chi phí ngày càng cao, một trong những nguyên nhân của hiện trạng tiêu thụ điện năng tại DN ngày càng gia tăng là do sử dụng thiết bị công nghệ cũ, hiệu suất thấp. Ngay cả các thiết bị được nhập mới cũng chưa được KTNL thường xuyên. Ngoài ra, DN chưa quan tâm nhiều đến vai trò và tác động của công tác tiết kiệm năng lượng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN đặt biệt và DN vừa và nhỏ chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng. Do đó, tình hình sử dụng hay bất cứ tổn thất năng lượng nào trong quá trình sản xuất không được đo và đánh giá kịp thời, làm ít nhiều đẩy chi phí sản xuất, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiệu quả của kiểm toán năng lượng

KTNL là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng.

Giai đoạn 2011-2015, thực hiện Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và Ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn Đà Nẵng do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) và Tư vấn chuyển giao công nghệ (TVCGCN) thuộc Sở KH&CN đã thực hiện KTNL tại 62 DN sản xuất công nghiệp, chế biến thủy hải sản và khách sạn như Công ty CP Cao su Đà Nẵng DRC, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, Công ty CP Dệt may 29-3, Nhà máy Giấy Tân Long, Công ty Gạch men Đà Nẵng (Cosevco), Công ty CP Thép Đà Nẵng, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, Khách sạn Furama Đà Nẵng… Theo đó, 11 DN đã được đơn vị tư vấn hỗ trợ đánh giá công nghệ thiết bị, hiện trạng sử dụng năng lượng và đưa ra 56 giải pháp tiết kiệm năng lượng bao gồm 20 giải pháp quản lý nội vy, 36 giải pháp kỹ thuật.

Qua việc thực hiện KTNL, các DN có thể tiết kiệm điện được trên 1,5 triệu kWh, mặt khác nó còn giúp DN tiết kiệm nhiều nguồn nguyên liệu khác như dầu, gas, than… với mức tiết kiệm tương đương gần 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm đã hợp tác với Quỹ Bảo vệ môi trường Mỹ (EDF) tiến hành xây dựng đường cơ sở dữ liệu và dự báo tiêu thụ NL đối với nhóm ngành khách sạn, khu nghỉ mát đến năm 2030.

Sau khi được đơn vị tư vấn hỗ trợ kiểm toán năng lượng, các DN cũng đã quan tâm hơn đến việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng. Ông Kiều Văn Lực - Trưởng phòng Đầu tư môi trường, Công ty Dệt may 29-3 cho biết: Trong thời gian qua, DN đã được trợ giúp trong việc thực hiện các giải pháp TKNL và đem lại một số lợi ích thiết thực trong sản xuất, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên công ty chưa triển khai được đồng bộ các giải pháp mà đơn vị đã tư vấn. Sắp tới công ty dự định cải tiến máy nén khí và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ để giúp công ty thực hiện tốt việc áp dụng các giải pháp TKNL tiên tiến trong ngành dệt may và giảm tiêu thụ lượng điện phục vụ sản xuất.

Thông qua hoạt động KTNL, các DN đánh giá cao vai trò và tác động của công tác tiết kiệm năng lượng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng từ đó, tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm TKNL cho DN, giảm chi phí sản xuất, giúp cho sức cạnh tranh DN ngày một gia tăng.

Thanh Thảo

;
.
.
.
.
.