.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ

.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đổi mới về cơ chế, chính sách và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy hoạt động KH&CN của thành phố phát triển.

Triển khai Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở KH&CN tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Trong đó, nghiên cứu cụ thể hóa và thể chế hóa trách nhiệm quản lý Nhà nước về KH&CN của UBND các quận, huyện; áp dụng các quy định mới về cơ chế đặt hàng, tăng cường thực hiện tuyển chọn, mời gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực tốt triển khai thực hiện nhiệm vụ và có cơ chế hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Đẩy mạnh việc triển khai các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống hỗ trợ kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do DN thực hiện; hình thành Quỹ Phát triển KH&CN thành phố để tài trợ, cho vay và cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế khen thưởng trong hoạt động KH&CN, xây dựng Quy định xét công nhận sáng kiến có tác dụng ảnh hưởng đối với Đà Nẵng…

Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, cho biết, những thay đổi về cơ chế, chính sách của Đà Nẵng nằm trong sự thay đổi chung của Bộ KH&CN và định hướng chung của Đà Nẵng. Việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, tham mưu cho các cấp ban hành các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về KH&CN tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận và triển khai hoạt động KH&CN một cách thuận lợi. Có thể nói, Đà Nẵng thực hiện tốt các cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành về KH&CN; đồng thời, triển khai đồng bộ và có hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Trong hoạt động KH&CN, Sở KH&CN nhìn nhận, cần đẩy mạnh hỗ trợ DN đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, phát triển thị trường công nghệ. Theo đó, Sở KH&CN tham mưu thành phố ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn, tăng cường hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư cho hoạt động KH&CN, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Sở KH&CN triển khai đánh giá trình độ công nghệ cho 183 DN trên địa bàn và xây dựng hoàn thiện quy trình đánh giá công nghệ. Tổ chức cho các DN tham gia tích cực các Chợ công nghệ và thiết bị do Bộ KH&CN tổ chức. Ngoài ra, Sở KH&CN còn thực hiện tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân.

Nhờ đó, số lượng DN đăng ký xác lập cũng như bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng, ý thức tự bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của DN trên địa bàn chuyển biến rõ rệt. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng có nhiều đổi mới với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao năng suất, chất lượng trong hoạt động của DN, kiểm soát chặt chẽ về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của thành phố.

Thanh Tình

;
.
.
.
.
.