.

Sân chơi chung của người yêu công nghệ

.

Sau hơn một năm thành lập, Google Developers Group MienTrung (Cộng đồng những người yêu công nghệ ở khu vực miền Trung) đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc kết nối “dân công nghệ” ở Đà Nẵng, tạo thành một mạng lưới học hỏi và chia sẻ hiệu quả.

Giới nữ trong lĩnh vực CNTT được chia sẻ và truyền cảm hứng trong hoạt động Women Tech Makers của GDG MienTrung. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Giới nữ trong lĩnh vực CNTT được chia sẻ và truyền cảm hứng trong hoạt động Women Tech Makers của GDG MienTrung. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cuộc thi Mobile Hackathon được tổ chức tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua là hoạt động chính trong sự kiện DevFest MienTrung 2016 do GDG MienTrung tổ chức. Hơn 100 thí sinh là những lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kỹ sư thiết kế… có hơn 30 giờ làm việc liên tục để biến các ý tưởng thành 19 ứng dụng trên điện thoại di động.

Anh Nguyễn Hữu Trình, một thí sinh của Mobile Hackathon, hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên những người yêu thích lập trình tại Đà Nẵng có cơ hội thật sự được ăn, nghỉ và làm việc cùng nhau”. Chị Nguyễn Thị Phương Nhi, người sáng lập GDG MienTrung cho biết, tạo cộng đồng, kết nối các chuyên gia, kỹ sư và sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) là một trong các mục tiêu chính của tổ chức này.

“Hình ảnh thường thấy của “dân lập trình” là cứ cặm cụi ngồi bên chiếc máy tính, việc ai nấy lo. Nếu có không gian chung dành cho họ thì sẽ không chỉ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, mà còn giúp cân bằng được giữa công việc và các hoạt động khác”.

Ra đời vào tháng 10-2015 với vai trò là nhóm độc lập chuyên giới thiệu về công nghệ của Google tại khu vực miền Trung Việt Nam, GDG MienTrung thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề công nghệ, chương trình đào tạo cho lập trình viên, cuộc thi tìm kiếm tài năng CNTT tại Đà Nẵng và miền Trung. GDG MienTrung thuộc cộng đồng GDG Việt Nam hiện đã có mặt khắp ba miền đất nước.

Chị Nhi cho biết, trước Mobile Hackathon, tại Đà Nẵng đã có một số sân chơi lập trình cho “dân công nghệ”. Tuy nhiên, theo chị Nhi, vấn đề là các sân chơi thường chỉ dành cho một nhóm các đối tượng nhất định như sinh viên hoặc kỹ sư của công ty công nghệ lớn.

Vì vậy, các cuộc thi thường nhỏ và mọi người bị giới hạn cơ hội chia sẻ với những người khác “nhóm” của mình. Nhận thấy điều này, GDG MienTrung quyết định mở hướng đi mới, trong đó các chuyên gia có thể chia sẻ kiến thức với sinh viên, hay thậm chí kỹ sư của các công ty công nghệ “đối thủ” cũng có thể “tranh tài” theo tư cách cá nhân.

Chị Nhi cho biết, DevFest MienTrung được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 10-2015 với chỉ khoảng 250 người tham gia. Trong lần đầu, sự kiện đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ GDG quốc tế và Việt Nam. Một năm sau đó, DevFest 2016 bắt đầu tạo tiếng vang trong giới công nghệ miền Trung, thu hút hơn 100 thí sinh và đội ngũ các tư vấn viên, nhân viên hỗ trợ CNTT từ các công ty trên địa bàn Đà Nẵng. Nhiều sản phẩm dự thi được đánh giá cao và có tiềm năng lớn để phát triển thành các dự án khởi nghiệp.

Nói về GDG, chị Nhi cho biết, đây là một dự án cộng đồng của Google và hiện đã có mặt tại 103 nước trên toàn thế giới. Chính bởi dự án cộng đồng nên tôn chỉ của các nhóm GDG - dù ở bất kỳ quốc gia hay thành phố nào - cũng hướng tới cộng đồng. Mỗi năm, GDG MienTrung tổ chức 5-7 sự kiện, từ giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, tạo cuộc thi lập trình…, đến tôn vinh và truyền cảm hứng cho những “bóng hồng” trong giới công nghệ.

Sự kiện “Women Tech Maker 2016” lần đầu được tổ chức vào tháng 4-2016 tại Đà Nẵng đã thu hút gần 200 sinh viên nghe những câu chuyện thú vị của các nữ kỹ sư thành đạt trong lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước, từ đó gợi cho các bạn nữ yêu công nghệ cách nhìn mới và thêm động lực trong con đường mình đã chọn.

Trong thời gian tới, GDG MienTrung sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các chuyên gia công nghệ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài để mở rộng vòng tròn cộng đồng; đồng thời tìm kiếm và hướng dẫn các tài năng CNTT Đà Nẵng trở thành các chuyên gia công nghệ thành viên của cộng đồng Google Developer Experts, bởi từ đó họ sẽ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với các phát triển công nghệ của thế giới và chia sẻ lại với cộng đồng.

“Mặc dù GDG là một tổ chức quốc tế, nhưng khi về đến Đà Nẵng hay bất kỳ thành phố nào cũng chắc chắn sẽ được “bản địa hóa” để phù hợp với tình hình và hướng phát triển của thành phố đó”, chị Nhi nói.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.