.

Đến năm 2020, Đà Nẵng có gần 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4

.

UBND thành phố vừa thông qua lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017 – 2020 với mục tiêu tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 lên 1,5 lần so với năm 2016 (tức là khoảng 780 dịch vụ công trực tuyến).

Theo đó, trong năm 2017, triển khai cung cấp thêm khoảng 40 dịch vụ công mới; triển khai khoảng 215 dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn 2018-2020 thuộc các lĩnh vực Đăng ký kinh doanh và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Du lịch, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội và thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện đồng thời triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến để phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017.

UBND thành phố quy định, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc phải tích hợp trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn để kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công trục tuyến của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương khi có yêu cầu.

Đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả triển khai, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND thành phố yêu cầu hằng năm, rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ hài lòng về dịch vụ công đã được triển khai tại thành phố Đà Nẵng, tổng kết những khó khăn vướng mắc, bất cập đang tồn tại có giải pháp triển khai phù hợp; Giám sát thường xuyên hoạt động của dịch vụ công trực tuyến, kịp thời hiệu chỉnh và cập nhật nếu thủ tục có thay đổi. Rà soát, tinh giản hồ sơ đầu vào của các thủ tục hành chính trong Bộ thủ tục hành chính của thành phố Đà Nẵng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tin học hóa và nộp hồ sơ qua môi trường mạng của tổ chức, công dân.

Ban hành danh mục các loại giấy tờ được chấp nhận nộp dưới dạng điện tử để áp dụng thống nhất tại các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, xã phường trên địa bàn thành phố. Phối hợp với tổ chức liên quan để thực hiện giải pháp chuyển phát kết quả hoặc làm hộ một số khâu trong nộp hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức công dân.

Đưa hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến thành một tiêu chí quan trọng trong đánh giá công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị, và xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

UBND thành phố cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn chi tiết đối với việc lưu trữ hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy trong quá trình xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân và có cơ chế công chứng điện tử (nhận bản giấy và công chứng thành bản điện tử hoặc nhận bản điện tử và công chứng thành bản giấy để chuyển đổi tính pháp lý giữa bản giấy và bản điện tử).

Để nâng cao nhận thức, UBND thành phố đề nghị các cơ quan khi xử lý thủ tục hành chính thì ưu tiên nhận hồ sơ trực tuyến thay vì nhận hồ sơ giấy như truyền thống. Bố trí nhân lực tại tổ một cửa để hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký trực tuyến khi dịch vụ mới đưa vào hoạt động.

Các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông, quảng bá, giới thiệu thường xuyên về dịch vụ công trực tuyến để tổ chức, công dân biết và hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đưa thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến vào một số cuộc thi liên quan đến cải cách hành chính, công nghệ thông tin.

Triển khai các kênh cung cấp thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ, kênh đối thoại, lắng nghe và giải đáp các ý kiến, góp ý của tổ chức, công dân về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn tổ chức, công dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức các điểm, đại lý dịch vụ công trực tuyến để thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận trả kết quả trực tuyến thay cho các tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố.

B.T

;
.
.
.
.
.